Rau cần tây có tên khoa học Apium graveolens L., thuộc họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferae).
Cần tây có thể thu hoạch quanh năm, thường dùng để ăn sống, ép nước hoặc chế biến kèm các món ăn khác.
Bột cần tây là loại thực phẩm được sản xuất bởi công nghệ nghiền ở nhiệt độ cao và công nghệ sấy lạnh hiện đại.
Trong cây cần tây có đến 90,5% là nước; các thành phần hóa học khác bao gồm: hợp chất Nitơ: 1,95%, chất béo: 0,07%, cenluloza: 1,15%, chất tro, vitamin A, B, C và khoáng chất như Mg, Mn, Fe, Cu, K, Ca, Tyrosin, Cholin, axit glutamic: 1,13%… Cần tây có tác dụng tốt trong bảo vệ gan, giảm cholesterol, giảm viêm, điều trị tăng huyết áp...
Nhiều người hiện nay đều tin rằng, thường xuyên uống nước ép cần tây sẽ giúp giảm cân. Bên cạnh đó, cần tây dưới dạng bột cũng trở thành sản phẩm được nhiều người quan tâm với tác dụng giảm cân, detox.
Theo hướng dẫn, người dùng được khuyên uống nước ép cần tây hoặc nước pha bột cần tây trong vòng 7 ngày hoặc dài hơn. Sau khoảng thời gian này, một số sự thay đổi sẽ diễn ra với cơ thể như cải thiện làn da, tiêu hóa tốt, giảm cân và số đo vòng...
Thực ra, cần tây không trực tiếp giúp giảm cân. Việc sử dụng nước ép hay bột cần tây giúp chúng ta có cảm giác no lâu, hạn chế calo nạp vào chỉ được coi là hỗ trợ giảm cân. Việc giảm cân, tiêu thụ mỡ thừa phụ thuộc vào sự thâm hụt calo (năng lượng nạp vào thấp hơn năng lượng tiêu hao). Trong khi đó, nước ép cần tây tương đối ít calo (khoảng 85 calo/500 ml). Do đó, việc sử dụng nước ép cần tây thay thế các loại đồ uống có hàm lượng calo cao như nước ngọt có ga, trà sữa..., để giảm cân là ý kiến hay.
Mặc dù cần tây có nhiều giá trị dinh dưỡng và có tác dụng tốt cho việc giảm cân nhưng nếu lạm dụng quá nhiều sẽ gây ra những tác hại cho một số đối tượng sau:
Làm giảm khả năng sinh sản: các chuyên gia nghiên cứu chỉ ra rằng trong cần tây có chứa hóa chất như apigenin có thể dẫn đến việc làm giảm lượng tinh trùng, thậm chí là khó thụ thai nếu sử dụng trong thời gian dài.
Nguy cơ bị bướu cổ: do lượng chất goitrogen có trong cần tây có thể can thiệp vào quá trình hoạt động của iod trong tuyến giáp làm tăng nguy cơ thiếu hụt iod và gây bướu cổ.
Tăng độ mẫn cảm của da dưới ánh sáng mặt trời: cần tây chứa psoralen có thể khiến da nhạy cảm hơn, dễ kích ứng dưới ánh sáng mặt trời. Nếu định sử dụng nước ép cần tây lâu dài thì bạn cần có phương án phù hợp để bảo vệ da.
Không tốt cho phụ nữ đang mang thai hoặc đang có tình trạng sảy thai: vì khi tiêu thụ loại thực phẩm này sẽ làm tử cung bị kích thích co bóp, gây ảnh hưởng cho mẹ bầu và thai nhi.
Những đối tượng không nên dùng: bao gồm những người đang bị huyết áp thấp, người bị bệnh thận hay mắc những bệnh ngoài da, phụ nữ đang mang thai.
Thời điểm uống nước cần tây tốt nhất: theo các chuyên gia khuyến cáo, nên uống vào trước bữa sáng 30 phút. Điều này sẽ giúp hạn chế việc nạp quá nhiều calo trong bữa ăn, đồng thời hệ tiêu hóa tốt hơn, ngăn táo bón cũng như đầy hơi…
Một ngày bạn chỉ nên uống 500ml nước cần tây, có thể uống trong 1 lần hoặc chia ra các thời điểm khác nhau trong ngày.