Năm 1958, bốn năm sau ngày giải phóng tỉnh miền núi phía Bắc Điện Biên, nhiều người lính đã quay trở lại chiến trường xưa để xây dựng kinh tế, đem lại cuộc sống mới cho vùng đất này. Bằng nhiệt huyết và trách nhiệm của mình, họ đã tiến hành một cuộc chiến mới, đó là xóa đói giảm nghèo trên những mảnh đất bị bom đạn cày xới, phủ xanh chiến trường thấm đẫm máu và xương của đồng đội.
Cùng với gia đình của mình, những người lính Điện Biên Phủ đã tái thiết và làm cho vùng đất này giàu đẹp như hôm nay.
Thượng sĩ Hoàng Văn Bảy (sinh năm 1933) là một trong hàng ngàn chiến sĩ của Trung đoàn 176 đã anh dũng chiến đấu trong chiến dịch. Ngày 8/5/1958, Nông trường Quân đội Điện Biên được thành lập. Ông Bảy cùng hơn 1.900 sĩ quan khác đã hang say lao động tại đây.
Khi đó, nông trường nằm dưới sự quản lí của Bộ Nông nghiệp, gồm các phòng ban trực thuộc và 23 đơn vị sản xuất. Mỗi đơn vị là một đại đội (gọi là C), chịu trách nhiệm trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, vận tải, và thủy lợi.
Ngày 22/12/1960, Nông trường Quân đội Điện Biên được chuyển đổi thành Nông trường Quốc doanh Điện Biên trực thuộc Bộ Nông nghiệp. Nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ tại đây là tiếp tục khai hoang, mở rộng đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm và phát triển các ngành kinh tế khác. Đồng thời, họ được yêu cầu hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất và sẵn sàng chiến đấu khi có chiến tranh.
Với quyết tâm “xây dựng Tây Bắc thành quê hương, trang trại và gia đình của chúng ta”, ông Bảy và đồng đội đã vượt qua vô số gian khổ, cống hiến hết mình cho việc khai thác lợi thế thiên nhiên, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, làm gương cho đồng bào các dân tộc cùng nhau xây dựng tỉnh Điện Biên.
Ông Bảy cho biết nhiệm vụ đầu tiên là dỡ bỏ dây thép gai, san lấp hào, rà phá bom mìn còn sót lại, sau đó là khai hoang, xây nhà, nung gạch, và thu thập hài cốt đồng đội hi sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chuyển từ tay súng sang tay cày là một cảm giác rất mới đối với các cựu chiến binh như ông Bảy. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, mọi thứ dần đi vào nền nếp do hầu hết những người lính này đã quá quen với việc đồng áng.
“Năm 1959, chúng tôi đã tạo ra giống lúa ngon là Điện Biên 1 và Điện Biên 2 để làm quà tặng cho Chính phủ Cuba”, ông Bảy tự hào nói.
Đối với ông Bảy, năm 1960 là một năm đặc biệt khi ông đưa vợ là bà Tạ Thị Thơ (sinh năm 1942) lên Điện Biên, đánh dấu quyết tâm định cư ở đây khi điều kiện sống đã thay đổi và tương đối ổn định ở chiến trường xưa. Bà Thơ theo chồng ra đồng trồng lúa, trồng rau trước khi chuyển sang làm công việc kế toán, sổ sách.
Ông bà có sáu người con gái, nhưng một trong số đó đã mất khi còn trẻ. Năm người còn lại hiện đã có gia đình riêng và sống gần đó. Các con gái, con rể đều thành đạt và góp phần làm nên Điện Biên giàu đẹp như ngày nay.
“Do đông người nên việc nuôi dạy con cái rất khó khăn. Chúng tôi phải gửi con đi nhà trẻ lúc ba tháng tuổi. Tôi thường tranh thủ thời gian nghỉ ngơi và chạy về nhà cho con bú. Vợ chồng tôi vẫn thường động viên nhau cố gắng phấn đấu bao năm nay. Thật mừng vì ở tuổi này mà vợ chồng tôi vẫn có nhau, và các con tôi đều thành đạt, nên người”, bà Thơ nói.
Cựu chiến binh Nguyễn Thị Lý, sinh năm 1936, quê xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cùng chồng là ông Hoàng Hải đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó, ông bà tham gia kháng chiến chống Mỹ trước khi định cư ở đây. Ông Hải đã mất nhiều năm về trước.
Bà Lý thời gian đầu ở Điện Biên công tác ở Cục Lương thực, sau đó là dự án xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm. Đây là công trình đặt nền móng cho sự phát triển nông nghiệp của tỉnh vào đầu những năm 1960.
Công trình Đại thủy nông Nậm Rôm là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Lai Châu (nay là Điện Biên và Lai Châu), được xây dựng sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Thời điểm đó, đây là công trình lớn thứ hai cả nước sau hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Bà Lý nhớ lại, công trình được khởi công từ năm 1963 và hoàn thành vào năm 1969, với sự tham gia của hơn 2.000 công nhân, trong đó có hơn 800 thanh niên xung phong từ Thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng như Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa. Công trình thủy lợi này đã đưa nước về cho đồng ruộng Mường Thanh, làm cho đất đai thêm màu mỡ để phát triển nông nghiệp bền vững hơn với hai vụ lúa một năm thay vì một vụ.
Đối với bà Lý và những người khác, đó là sứ mệnh và trách nhiệm lớn lao với việc hoàn thành dự án đại thủy nông Nậm Rốm trong thời gian sớm nhất để khai thông huyết mạch cho nền nông nghiệp Điện Biên. Bà là một trong những người đầu tiên phá đá, tải gạch để xây dựng công trình này.
“Hồi đó khó khăn đầy rẫy, nhưng giờ đây được nhìn thấy những đổi thay mạnh mẽ của Điện Biên, tôi cảm thấy hạnh phúc và may mắn khi là một phần của lịch sử. Tôi chỉ mong thế hệ trẻ sẽ nỗ lực phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh, tươi đẹp hơn”, bà chia sẻ.
Đồng cảm với những tâm sự của bà Lý, cựu chiến binh Nguyễn Hồng Thái (sinh năm 1932, quê Hải Phòng) mong muốn thế hệ trẻ sẽ năng động, sáng tạo hơn nữa trong cuộc sống và công việc.
“Tôi mong giới trẻ có thể tiếp thu công nghệ hiện đại và xây dựng đất nước giàu mạnh hơn”, ông Thái nói.
Sau chiến tranh, ông Thái nhận được một số cơ hội để đi nơi khác lập nghiệp. Nhưng nghĩ đến đồng đội đã hi sinh, ông không đành lòng rời bỏ Điện Biên.
“Bảy mươi năm qua, nhìn chiến trường xưa biến thành một Điện Biên rộng lớn, trù phú và tươi đẹp, chúng tôi ai cũng vui, nhưng cũng buồn vì nhiều đồng đội đã ngã xuống cho ngày hôm nay. Để giữ gìn được mảnh đất này và có được như ngày nay, các thế hệ đi trước đã phải phải trả cái giá rất đắt”, người lính già nói.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên, Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, đã sống và làm việc ở đây gần 50 năm. Ông đã yêu mảnh đất này từ khi còn trẻ và luôn có tình cảm sâu sắc với người dân địa phương.
Ông thông thạo một số ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số, bao gồm cả tiếng H'mông và tiếng Thái. “Muốn góp sức xây dựng tỉnh, trước hết anh phải biết giao tiếp với người dân tộc bằng tiếng của họ để có thể hiểu và đồng cảm với tâm tư, nguyện vọng của người ta”, Thiếu tướng Lưu Trọng Lư bày tỏ.
“Tôi có thể hát những bài dân ca H'mông, Thái hoặc tham gia múa khèn, múa xòe trong mỗi mùa lễ hội. Điều này đặc biệt giúp tôi rất nhiều trong công tác chỉ huy, dân vận”.
Theo thiếu tướng, nhiều người lính không chỉ đánh đổi xương và máu của mình cho nền hòa bình dân tộc, mà còn để đặt những viên gạch đầu tiên trên hành trình xây dựng lại cuộc sống cho chính mình và cho Điện Biên ngày nay.
“Thế hệ thứ hai, tức thế hệ con cháu của chúng tôi, cũng tiếp tục sự nghiệp của cha ông. Nhiều cá nhân hiện đang giữ những chức vụ chủ chốt trong hệ thống chính trị của tỉnh”, ông Lư phát biểu.
Những ngày này, tỉnh Điện Biên nổi bật với cờ, đèn, hoa đẹp và các công trình mới chào mừng lễ kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ một vùng đất hoang tàn bị chiến tranh tàn phá, Điện Biên giờ đây đang trỗi dậy mạnh mẽ. Với những chứng tích về chiến tranh, Điện Biên đã trở thành địa chỉ lịch sử và là địa điểm du lịch hấp dẫn với người Việt Nam yêu nước. Hành trình phát triển của Điện Biên là quả ngọt từ sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, các cấp chính quyền, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và sự đóng góp của nhân dân khắp mọi miền đất nước.
08:45 04/05/2024