Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những “đại án” kinh tế được chỉ đạo xét xử sớm

Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016, Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã thống nhất đưa 6 vụ “đại án” kinh tế nghiêm trọng ra xét xử sớm trong năm và đầu quý I/2017.

Theo đó, tính đến nay đã có 2 vụ được đưa ra xét xử sơ thẩm và 4 vụ còn lại đã có kết luận điều tra, truy tố hoặc đưa ra xét xử nhưng bị hoãn...

Đã xét xử sơ thẩm 2 vụ

Thứ nhất là vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản…” xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam (Vinawaco). Theo cáo trạng, tháng 8/2013, Vinawaco trúng thầu dự án duy tu, nạo vét luồng hàng hải Hòn Gai - Cái Lân. Sau đó, Trịnh Văn Thắng - Giám đốc Công ty Tân Việt cùng Vũ Thanh Huyền - Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Việt thỏa thuận với Hồ Thành Nghĩa - nguyên Giám đốc Phòng Quản lý dự án Vinawaco và Phạm Đình Hòa - nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Vinawaco thực hiện hợp đồng nạo vét. Để trúng được gói thầu này, Thắng và Huyền đã thỏa thuận sẽ chia 50% giá trị hợp đồng để hối lộ cho Hòa cùng Nghĩa tổng số tiền 1,2 tỷ đồng. Sau khi trúng thầu, Công ty Tân Việt đã gian dối về vị trí đổ chất thải cũng như cự ly vận chuyển từ công trình đến địa điểm tập kết. Qua đó, đơn vị thi công này đã chiếm đoạt hơn 7,8 tỷ đồng của Nhà nước. Sau 3 ngày xét xử, ngày 21/12/2016, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phạm Đình Hòa 13 năm tù, Hồ Thành Nghĩa 8 năm 6 tháng tù, Trịnh Văn Thắng 24 năm tù và Vũ Thanh Huyền 22 năm tù về 3 tội danh nêu trên…

Bị cáo Giang Kim Đạt (đầu tiên bên phải) tại phiên tòa ngày 21/1/2017.  Ảnh: Thiên Bình

Thứ hai là vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty In, thương mại và dịch vụ Agribank. Theo cáo trạng, năm 2009, thực hiện chủ trương di chuyển Nhà máy in Ngân hàng 1 (ở phố Chùa Bộc, Hà Nội) ra khỏi nội đô và tìm địa điểm hợp lý để xây dựng nhà máy in tiền, bị cáo Phạm Ngọc Ngoạn (60 tuổi) - nguyên Giám đốc, Chủ tịch HĐTV Công ty In, thương mại và dịch vụ Agribank đã trực tiếp giao dịch, thỏa thuận với Công ty INED nhận chuyển nhượng 20.373m2 đất tại khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) với giá trị gần 94 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định, hành vi trên của bị cáo Ngoạn đã trái quy định của Luật Đất đai năm 2003 vì đây là khu đất Nhà nước cho thuê và không được phép chuyển nhượng. Đối với bị cáo Đỗ Tất Ngọc (67 tuổi) - nguyên Chủ tịch HĐQT Agribank, khi nghiên cứu báo cáo thẩm định tờ trình của cấp dưới và ký quyết định phê duyệt mức đầu tư dự án đã không phát hiện ra việc làm này trái quy định của Luật Đất đai và tạo cơ sở để bị cáo Ngoạn thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi của bị cáo Ngọc được xác định đã phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong các ngày 1 và 2/12/2016, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Ngoạn 4 năm 6 tháng tù và bị cáo Ngọc 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về 2 tội danh nêu trên.

Sớm đưa ra xét xử

Thứ ba là vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank). Cụ thể, ngày 23/12/2016, Viện KSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố Hà Văn Thắm (SN 1972) – nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank cùng 47 bị can liên quan về 3 tội danh nêu trên.

Theo cáo trạng, trong quá trình hoạt động, tại Oceanbank đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi… gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với Oceanbank, các cổ đông và ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước. Nguyên nhân là do vi phạm pháp luật của bị can Thắm (chủ mưu), lãnh đạo Oceanbank trong các thời kỳ và các khối nghiệp vụ từ hội sở đến chi nhánh.

Về hành vi “Vi phạm quy định về cho vay…” của bị can Thắm được xác định liên quan đến nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam Phạm Công Danh và gây thiệt hại cho Oceanbank gần 500 tỷ đồng. Còn ở hành vi “Cố ý làm trái…”, với vai trò chủ mưu, bị can Thắm đã chủ trương chỉ đạo việc chi lãi suất ngoài nhằm huy động vốn của khách gửi tiền trên toàn hệ thống Oceanbank. Hành vi này của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền trên 1.500 tỷ đồng.

Thứ tư là vụ án “Tham ô tài sản; Rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines). Đối với vụ án này, ngày 21/1/2017, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Giang Kim Đạt – nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh của Vinashinlines về tội “Tham ô tài sản”. Cùng bị đưa ra xét xử về tội danh này với Đạt còn có Trần Văn Liêm (62 tuổi) – nguyên Tổng Giám đốc Vinashinlines và Trần Văn Khương (67 tuổi) – nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines. Bị can Giang Văn Hiển (67 tuổi, bố đẻ của Giang Kim Đạt) cũng bị đưa ra xét xử về tội “Rửa tiền”.

Khi mở phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Đạt, Hiển vắng mặt do cùng lúc phải tham gia tranh tụng tại đại án Phạm Công Danh và có đơn xin hoãn phiên tòa. Đồng thời, luật sư bào chữa cho 2 bị cáo còn lại cũng xin hoãn phiên tòa với lý do một số người quan trọng được triệu tập đến tòa đều vắng mặt. Xét thấy đề nghị trên của các luật sư chính đáng và để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa. Dự kiến, phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 16/2 tới.

Theo cáo trạng, từ tháng 7/2006 – 3/2007, bị can Liêm ký hợp đồng mua 3 con tàu Vinashin Summer, Vinashin Island và Vinashin Phoenix. Sau đó, Liêm giao cho Đạt thực hiện đàm phán mua tàu. Trong quá trình thực hiện, Đạt đã có hành vi “làm giá” để tham ô tài sản Nhà nước. Cụ thể, quá trình thực hiện dự án mua tàu, khai thác và kinh doanh cho thuê tàu biển, các bị can Liêm, Đạt và Khương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của Vinashinlines số tiền hơn 260 tỷ đồng. Trong đó, bị can Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, bị can Đạt chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng và bị can Khương chiếm đoạt 110.000 USD. Đối với hành vi của Hiển, cơ quan tố tụng xác định, bị can này sau khi nhận được tiền chuyển vào tài khoản của mình đã rút tiền mặt ra đưa cho Đạt. Đồng thời, mua 40 bất động sản; mua đi bán lại 13 xe ô tô đứng tên mình và người thân trong gia đình.

Thứ năm là vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ…” xảy ra tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ - Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Trong vụ này, ngày 6/12/2016, Viện KSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng vụ án lừa đảo, cố ý làm trái do Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên Phó trưởng phòng quản lý rủi ro VietinBank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cầm đầu. Theo đó, Viện KSND Tối cao truy tố bị can Như và bị can Võ Anh Tuấn - nguyên cán bộ văn phòng VietinBank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cùng về tội lừa đảo. Ngoài ra, còn có 10 bị can khác bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trước đó, HĐXX phúc thẩm TAND tối cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên giữ nguyên hình phạt tù chung thân đối với Huyền Như, Võ Anh Tuấn 20 năm tù… và kiến nghị khởi tố thêm một số bị can. Đồng thời, bản án của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm đối với bị cáo Huyền Như và các đồng phạm nhằm làm rõ vai trò đồng phạm của Võ Anh Tuấn trong việc chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng trên tài khoản tiền gửi của 5 công ty mở tài khoản hợp pháp tại VietinBank.

Thứ sáu là vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh. Chủ mưu trong vụ án này là vợ chồng bị can Doãn Ngọc Giang và Kiều Thị Thanh Hương. Tuy nhiên, do 2 đối tượng trên hiện đang bỏ trốn nên Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã quyết định truy nã và tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Cơ quan điều tra xác định, vợ chồng Giang đã chiếm đoạt hơn 64 tỷ đồng (cả gốc lẫn lãi) của Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh (nay là Phòng giao dịch Bắc Ninh thuộc Sở giao dịch I - Ngân hàng Phát triển Việt Nam)...