Bên cạnh vai trò là Thủ đô - trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, nơi diễn ra phần lớn hoạt động đối ngoại của Nhà nước, Hà Nội đáp ứng đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, an ninh để tổ chức các hội nghị quốc tế quan trọng.
Đặc biệt, sự an toàn, tận tình, chu đáo và chuyên nghiệp được minh chứng qua hàng loạt sự kiện đối ngoại quan trọng đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn 2015 - 2020, như: Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, hội nghị cấp cao ASEAN 36...
Hội nghị APPF 26
Trong các ngày từ 18 - 20/1/2018, Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững” do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại Thủ đô Hà Nội đã thành công tốt đẹp.
Đây là một sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng, mở đầu cho hoạt động ngoại giao của Việt Nam trong năm 2018, đồng thời thể hiện vai trò và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong APPF. Việc đăng cai và tổ chức APPF-26 là một điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại Quốc hội khóa XIV, góp phần quan trọng vào những thành công chung trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam.
Có thể nói, việc đăng cai và tổ chức thành công APPF-26 trong bối cảnh quốc tế đang có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là ngay sau khi Việt Nam tổ chức thành công APEC 2017 đã nâng cao vị thế của Quốc hội nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế, tạo dựng hình ảnh về một Việt Nam trách nhiệm, hội nhập và phát triển.
Hội nghị GMS-6 và CLV-10
Tiếp nối thành công của Hội nghị APEC 2017, việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS-6) Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác Phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 10 (CLV-10) tiếp tục khẳng định vị thế ngày càng cao của đất nước, đồng thời thể hiện vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam đối với các cơ chế hợp tác liên kết khu vực.
Hội nghị GMS-6 và CLV-10 có sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu, 200 tập đoàn, doanh nghiệp và gần 300 phóng viên các cơ quan báo chí. |
Trong 2 ngày 30 và 31/3/2018, 2 hội nghị GMS-6 và CLV-10 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội. Đây là một trong những sự kiện đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2018 có sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu, 200 tập đoàn, doanh nghiệp và gần 300 phóng viên các cơ quan báo chí.
Việc tổ chức thành công 2 Hội nghị GMS 6 và CLV 10 một lần nữa giúp Việt Nam nói chung, các cán bộ ngoại giao Việt Nam nói riêng, ghi dấu ấn đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.
Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018)
Với sự tham dự của lãnh đạo các nền kinh tế thế giới và gần 1.000 đại biểu đến từ các tập đoàn đa quốc gia, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất trong năm 2018 do Việt Nam đăng cai tổ chức. Hội nghị WEF ASEAN 2018, diễn ra từ ngày 11 - 13/9 tại Hà Nội, đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện từ chủ đề, nội dung, tuyên truyền - văn hóa đến lễ tân, hậu cầu, an ninh và y tế, cả về đa phương và song phương, góp phần quan trọng khẳng định và nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam.
Hội nghị WEF ASEAN 2018, diễn ra từ ngày 11 - 13/9 tại Hà Nội, đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện. |
Đặc biệt, WEF-ASEAN 2018 tổ chức tại Thủ đô Hà Nội để lại dấu ấn sâu đậm về một Việt Nam hội nhập. Chủ tịch WEF ông Borge Brende cho rằng: "Trong 27 năm tổ chức diễn đàn WEF khu vực ASEAN và Đông Á, đây là diễn đàn thành công nhất. Việt Nam đã đi qua một chặng đường phát triển ấn tượng từ Hội nghị Đông Á tại Việt Nam năm 2010 và hội nghị lần này thu hút sự tham dự đông đảo của lãnh đạo các nước Đông Nam Á và khu vực, doanh nghiệp hàng đầu”.
Có thể nói, sự thành công của WEF ASEAN 2018 một lần nữa khẳng định vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam trong khu vực ASEAN và trên thế giới ngày càng được nâng cao, thể hiện sự chủ động và “tầm vóc” của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia kiến tạo và định hình kinh tế khu vực và toàn cầu.
Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai
Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lần 2 từ ngày 27 - 28/2/2019 diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 20 năm Hà Nội nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Đây là cơ hội để Hà Nội giới thiệu bạn bè quốc tế một Thủ đô yêu chuộng hòa bình và nhiều tiềm năng để hợp tác phát triển.
Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lần 2 từ ngày 27 - 28/2/2019 diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 20 năm Hà Nội nhận danh hiệu Thành phố vì hòa bình. |
Đặc biệt, TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ các bộ, ban, ngành T.Ư chuẩn bị tốt các công tác hậu cần, an ninh, hoàn thành xuất sắc vai trò TP chủ nhà của Hội nghị cấp cao Mỹ - Triều Tiên lần hai. Sự kiện đối ngoại đặc biệt này để lại ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc trong mắt bạn bè quốc tế về một Thủ đô, đất nước Việt Nam hòa bình, mến khách, năng động, đổi mới mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng.
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Michael Croft đánh giá thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai là cơ hội để Hà Nội quảng bá hình ảnh một Thủ đô yêu chuộng hòa bình, thân thiện, có nền văn hiến lâu đời và nhiều tiềm năng để hợp tác phát triển.
"Chúng ta đều biết rằng Việt Nam có khả năng tổ chức một sự kiện lớn như vậy. Lý do khiến Hà Nội được lựa chọn làm địa điểm tổ chức sự kiện đặc biệt này bởi đất nước Việt Nam đại diện cho hòa bình, thân thiện và an toàn tuyệt đối cho người dân và mọi người đến thăm”, ông Croft nhấn mạnh.
Đại hội đồng AIPA lần thứ 41
Từ ngày 8 - 10/9, lần thứ ba Quốc hội Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch AIPA và đăng cai tổ chức kỳ họp Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 với chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử AIPA, một kỳ Đại hội đồng được tổ chức theo hình thức trực tuyến để vừa thích ứng với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vừa đáp ứng yêu cầu kịp thời thảo luận các biện pháp hợp tác giữa nghị viện các nước thành viên.
Đại hội đồng AIPA 41 đã thành công rất tốt đẹp, thông qua 26 nghị quyết và thông cáo chung. Trong tất cả các phát biểu tại các Phiên họp, Lãnh đạo nghị viện và đại diện các nghị viện thành viên AIPA, Quan sát viên và khách mời đều ghi nhận, đánh giá cao và cảm ơn sự chuẩn bị chu đáo của Quốc hội nước chủ nhà Việt Nam đã làm nên thành công của Đại hội đồng AIPA 41.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, cùng với thành công của các hoạt động đối ngoại quan trọng trong năm 2020, thành công của Đại hội đồng AIPA 41 đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.