Những dấu ấn ngành thông tin và truyền thông Hà Nội

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội, sức khỏe của Nhân dân song Hà Nội đã chủ động, kiên trì và bình tĩnh trong mọi tình huống nhằm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Đặc biệt, trên “mặt trận” thông tin và truyền thông (TT&TT), Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp đóng vai trò then chốt cho công tác phòng chống dịch, để lại dấu ấn rõ nét.

Huy động tất cả các kênh thông tin, tuyên truyền

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, Sở TT&TT thường xuyên cập nhật, cung cấp các văn bản chỉ đạo, thông tin về chủ trương, chính sách và các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Trung ương và TP cho các cơ quan báo chí dưới nhiều hình thức như: Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội; Cổng thông tin điện tử các sở, ban, ngành, quận, huyện; email công vụ,...

Nhân viên Tổng đài 1022 Hà Nội tập trung tiếp nhận, giải đáp các kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19.
Nhân viên Tổng đài 1022 Hà Nội tập trung tiếp nhận, giải đáp các kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19.

Đồng thời, duy trì các nhóm phóng viên chuyên trách TP Hà Nội thông qua mạng xã hội zalo, facebook... Từ đó, tổ chức hướng dẫn và cung cấp thông tin 24/7 cho báo chí tuyên truyền về các hoạt động của TP nói chung và công tác phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng. Tiếp nhận thông tin phản hồi dư luận thông qua phản ánh của phóng viên báo chí, báo cáo lãnh đạo TP để kịp thời điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp với thực tế triển khai trong công tác phòng, chống dịch. Từ 27/4 đến 15/12, trên báo chí có 140.584 tin, bài tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP.

Ngoài ra, từ ngày 08/9, Sở TT&TT đã triển khai gửi Thông tin báo chí hằng ngày, hằng tuần tới các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 của TP. Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, 579 đài truyền thanh xã, phường, thị trấn đã thực hiện 167.400 buổi phát thanh với hơn 6,4 triệu phút phát thanh; trung bình hằng ngày mỗi đài cơ sở phát 5 buổi và 195 phút.

Tận dụng tối đa ưu thế mạng xã hội

Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mạng xã hội được xem là "cây cầu" kết nối giữa mọi người, đặc biệt khi các tỉnh, thành đang triển khai giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, mạng xã hội đã có những đóng góp không nhỏ, cùng với nhiều phương tiện thông tin đại chúng trở thành kênh khá hữu hiệu trong việc phòng, chống dịch.

 

Hiện nay, Hà Nội đã triển khai xuyên suốt tất cả các nền tảng của Bộ TT&TT chỉ đạo các tỉnh, TP thực hiện, trong đó, có 3 nền tảng chính, là: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã vuông QR code; Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến và Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19." - Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT Nguyễn Thị Mai Hương

Tận dụng tối đa ưu thế của mạng xã hội, từ ngày 27/4 đến nay, Sở TT&TT Hà Nội đã gửi tổng số 323 bản tin với 1.496 tin, bài, tương ứng với hơn 763.213.000 lượt tài khoản người dùng Zalo; đăng 1.443 tin, bài lên tài khoản "Sở Thông tin Truyền thông TP Hà Nội" trên mạng xã hội Lotus nhằm thông tin về tình hình diễn biến dịch bệnh, công tác phòng chống dịch của các lực lượng chức năng.

Các thông tin liên quan đến vaccine cũng liên tục được cập nhật giúp người dân có hình dung đầy đủ hơn về dịch bệnh, tin tưởng đồng thuận với các giải pháp phòng dịch của TP. Đặc biệt, thông qua mạng xã hội các văn bản chính thống do TP ban hành được nhiều người chia sẻ qua mạng xã hội một cách nhanh chóng, kịp thời đã trở thành công cụ đắc lực, một kênh truyền thông hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19.

Sở TT&TT Hà Nội cũng đã phối hợp với các DN thiết lập trung thông tin điện tử tổng hợp lan tỏa trên các trang thông tin điện tử lượng người đọc lớn (như baomoi, 24h, soha, tintuc, tinmoi, netnews..) 4.115 tin, bài về công tác phòng chống dịch Covid-19, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP. Từ ngày 27/4 đến nay, Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội đã đăng tải 255 văn bản, 182 video, 1.496 tin, 119 bài, 2.720 ảnh, 493 câu hỏi về thực hiện Chỉ thị, Công điện và các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT Nguyễn Thị Mai Hương, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, việc phòng, chống, xử lý các tin giả, tin sai sự thật cũng được đẩy mạnh.

Trước hàng loạt thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, xuyên tạc tình hình dịch bệnh, công tác phòng chống dịch của Trung ương và TP thời gian qua, cơ quan cũng đã nhanh chóng, kịp thời kiểm tra, “mạnh tay” xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật. Đồng thời, khuyến cáo người dân không đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin giả mạo, sai sự thật nói chung và các thông tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP nói riêng, bà Hương nói.

Áp dụng triệt để “lá chắn thép” công nghệ

Trao đổi về việc ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch, Phó Giám đốc Phụ trách Sở TT&TT Nguyễn Thị Mai Hương cũng cho biết: “Thời gian qua, cùng với các biện pháp về y tế, quản lý hành chính, thông tin tuyên truyền thì việc triển khai các nền tảng ứng dụng CNTT cũng là một trong những biện pháp rất quan trọng, đóng vai trò then chốt phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch của TP”.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, vừa qua, Sở TT&TT đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an để triển khai hệ thống quản lý công dân vùng dịch qua hệ thống kết nối với dữ liệu dân cư quốc gia. Phần mềm này được tích hợp qua hệ thống camera tại các điểm chốt ra, vào TP, và tại điểm chốt của các quận, huyện được gắn camera và quét mã QR khi đi qua.

Ngoài ra, TP đã phát triển và đưa vào sử dụng thêm các phần mềm phục vụ điều phối, phân luồng, chuyển bệnh nhân Covid-19; phần mềm quản lý đối tượng tiếp xúc gần (f1) thực hiện cách ly y tế tại nhà; phần mềm quản lý F0 và F1 tại nhà. TP cũng đã xây dựng hệ thống camera giám sát tại các khu cách ly để quản lý sự tuân thủ của người dân khi ở trong các khu cách ly; phối hợp với VOV giao thông để có những camera giám sát trong lúc TP đang thực hiện giãn cách, từ đó, sẽ phát hiện được những tuyến phố, tuyến đường nào đông người, đông phương tiện để khuyến cáo các quận, huyện quản lý chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, “TP cũng đang triển khai các hệ thống phần mềm giải đáp kiến nghị của công dân qua Tổng đài 1022. Đây là những giải pháp cốt lõi trong phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ đô. Từng nền tảng, từng phần mềm đã giúp công tác phòng, chống dịch Covid-19 rất nhanh, rất hiệu quả. Có thể nói rằng, TP Hà Nội đã cơ bản ứng dụng toàn diện những giải pháp công nghệ để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19”- bà Nguyễn Thị Mai Hương chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần