Những dấu mốc phát triển mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/8/2015 đánh dấu 7 năm ngày Hà Nội bắt đầu thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính, mở ra những vận hội mới nhưng cũng là những thử thách mới.

Nhìn lại những năm qua, mặc dù khó khăn vẫn còn không ít, nhưng thành quả đã rõ ràng, và Hà Nội vẫn duy trì vững vị trí “đầu tàu” của cả nước về mọi mặt.
Hạ tầng đô thị Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển khang trang, hiện đại. 	Ảnh: Phạm Hùng
Hạ tầng đô thị Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển khang trang, hiện đại. Ảnh: Phạm Hùng
Bước phát triển vượt bậc

Sau 7 năm, có thể thấy Hà Nội hôm nay đã phát huy khá tốt những nguồn lực mới để đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài và bền vững. Từ thực tế, mỗi người đều có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa Hà Nội trước thời điểm chưa mở rộng và Hà Nội hôm nay. Điều đầu tiên thấy rõ nhất chính là sự “thay da đổi thịt” ở vùng ngoại thành - địa chỉ luôn nhận được sự ưu tiên đặc biệt sau ngày mở rộng. Chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây, TP đã huy động bình quân khoảng 5.800 tỷ đồng/năm cho đầu tư xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở được bê tông hóa đạt 100%; đường trục thôn và liên thôn được bê tông hóa đạt 95%; tỷ lệ thôn, xóm, cụm dân cư có nhà văn hóa đạt 80,5%. TP đã không còn phòng học tạm dột nát và tình trạng phải học 3 ca; 100% số xã có trạm y tế, có bác sỹ và nhiều xã đạt chuẩn quốc gia về y tế... Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tiếp tục tăng lên, năm 2015 ước đạt 33 triệu đồng, tăng gấp nhiều lần so với năm 2008. Dự kiến đến cuối năm 2015, toàn TP có 166/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 43% tổng số xã (cả nước đạt 20%)... Những con số này cho thấy những thành quả rất rõ ràng và vững chắc của một vùng nông thôn Thủ đô.

Phải khẳng định rằng, từ thời điểm mở rộng địa giới hành chính, dù trong hoàn cảnh nào, Hà Nội vẫn giữ được vị trí đầu tàu với mức tăng trưởng kinh tế luôn bằng 1,5 lần trở lên so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm gần đây ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Bộ mặt đô thị cũng chuyển biến không ngừng với hàng loạt công trình, dự án lớn; chất lượng đô thị không ngừng được nâng lên. Hà Nội không chỉ rộng mà thực sự lớn mạnh và hiện đại.

Sự vươn lên không ngừng và khẳng định bản lĩnh của Thủ đô Hà Nội trong suốt 7 năm qua còn thể hiện ở sự quan tâm, chăm lo đời sống dân sinh, bảo đảm an sinh xã hội. TP không chỉ mở rộng đối tượng miễn giảm học phí đến 13 xã miền núi, 2 xã ven sông, còn thực hiện chế độ học phí ở mức thấp nhất và thể hiện sự quan tâm chăm sóc các đối tượng nghèo, khó khăn. Trung bình hàng năm, TP có trên 20.000 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 1,5 - 2%, đến năm 2015 chỉ còn 2%. Đáng chú ý, chuẩn nghèo và một số mức trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội của Hà Nội luôn được nâng lên và cao hơn mức chung toàn quốc. Trên địa bàn TP cũng không còn hộ dân nào phải sống trong cảnh nhà ở dột nát, nguy hiểm.

Và những kỳ vọng

Sau 7 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội vẫn phải đối mặt với không ít thách thức khi dân số tăng nhanh, hạ tầng kỹ thuật còn sự chênh lệch giữa các vùng miền... Nhưng TP đang nỗ lực để kéo dần những khoảng cách ấy. Trong lĩnh vực văn hóa, bên cạnh việc bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, TP thực sự trăn trở trong việc xây dựng được nếp sống văn hóa người Hà Nội, để không mất đi nét hào hoa, thanh lịch mà vẫn văn minh, hiện đại.
Một góc Thủ đô Hà Nội sau 7 năm mở rộng. 	Ảnh: Phạm Hùng
Một góc Thủ đô Hà Nội sau 7 năm mở rộng. Ảnh: Phạm Hùng
7 năm đã qua, rất nhiều công việc trên các lĩnh vực giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố chính quyền Nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân cũng luôn đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, công tác tổ chức cán bộ được Hà Nội chọn là khâu đột phá đã thực sự tạo nên những bước chuyển tích cực nhất. Các cán bộ được bố trí, sắp xếp, luân chuyển hợp lý đã thực sự nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, mở rộng dân chủ trong Đảng, từ đó thay đổi từng bước cả phương thức lãnh đạo lẫn việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao; góp phần nâng cao tính dân chủ trong đời sống xã hội.

Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nên những hệ lụy, những khó khăn, thử thách nảy sinh là khó tránh khỏi. Riêng về vấn đề mất cân đối trong phát triển đô thị, phát triển hạ tầng xã hội không theo kịp sự phát triển của nhà ở và dân cư, đòi hỏi TP phải tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát, để có phương án giải quyết. Sau Quy hoạch chung, Hà Nội cũng đã tiến hành triển khai hàng loạt quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phân khu trên địa bàn... chính là cái gốc quan trọng cho TP giải quyết những vướng mắc phát sinh.

Như lãnh đạo TP đã khẳng định, sau 7 năm mở rộng, giờ đây mọi việc đã đi vào “nếp”, Hà Nội đã là một cơ thể thống nhất hoàn toàn, mạnh mẽ và đầy sức sống. Dù còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng bằng tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, bằng quyết tâm cao độ như đã thể hiện trong những năm qua, những mục tiêu đã đặt ra xây dựng Hà Nội “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” đang tiến về đích.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần