Những “đầu tàu” xuất khẩu thủy sản

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bấp chấp khó khăn của kinh tế thế giới, lần đầu tiên kim ngạch toàn ngành thủy sản đạt ngưỡng 11 tỷ USD (tăng khoảng 25% so với năm 2021). Đây cũng là con số cao kỷ lục trong vòng hơn 20 năm Việt Nam tham gia thị trường xuất khẩu thủy sản thế giới.

Bội thu

Năm 2022, ước tính ngành thủy sản chiếm 3% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. So với tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, ngành thủy sản đóng góp gần 12% so với tổng giá trị. Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần của thị trường thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Ảnh: Phạm Hùng
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Ảnh: Phạm Hùng

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 3 sản phẩm/nhóm sản phẩm đóng góp lớn nhất vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 là tôm, cá tra và hải sản. Trong đó, xuất khẩu tôm có đóng góp giá trị xuất khẩu lớn nhất với hơn 4,3 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Công ty CP Tập đoàn Minh Phú vẫn là “lá cờ đầu” của khu vực DN trong xuất khẩu tôm. Đứng kế tiếp về giá trị xuất khẩu tôm năm 2022 là các DN: Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng, Công ty CP chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau, Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước, Công ty CP chế biến thủy sản Tài Kim Anh…

Năm 2022, xuất khẩu cá tra cũng ước đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Công ty CP Vĩnh Hoàn tiếp tục khẳng định là DN xuất khẩu cá da trơn số 1 của Việt Nam. Một số DN khác có đóng góp lớn trong tổng giá trị xuất khẩu cá tra có thể kể tới như: Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, Công ty CP Nam Việt, Công ty TNHH Đại Thành, Công ty CP Gò Đàng, Công ty CP thủy sản Trường Giang…

Hải sản là nhóm sản phẩm thứ 3 có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất trong năm 2022, với ước tính giá trị khoảng 2 tỷ USD. Trong đó, cá ngừ lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD giá trị xuất khẩu, với sự tham gia tích cực của hai DN tiêu biểu là Công ty CP thủy sản Bình Định và Công ty TNHH Hải Vương.

Ngành thủy sản năm nay thu ngoại tệ nhiều nhất từ thị trường Mỹ với hơn 2 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2021. Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Nhật Bản mang lại giá trị tương đương nhau, khi mỗi quốc gia giúp các DN Việt Nam thu về khoảng 1,6 tỷ USD. Trong khi thị trường châu Âu và Hàn Quốc cũng lần lượt mang về cho thủy sản Việt Nam khoảng 1,2 tỷ USD và gần 1 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong năm 2022…

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho rằng, bên cạnh các yếu tố thuận lợi về thị trường, xuất khẩu thủy sản đạt kết quả ấn tượng trong năm 2022 là bởi các DN đã có sự chủ động trong bảo đảm vùng nguyên liệu và sản xuất; thích ứng linh hoạt với thị trường cũng như xu hướng tiêu dùng. Đặc biệt, nhiều DN đã nhận thức và nỗ lực theo đuổi mục tiêu hiện đại hóa quy trình sản xuất.

Nhận diện khó khăn, thách thức

Dù tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt được là ấn tượng, tuy nhiên dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ đối diện nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn đầu năm 2023. Một trong những nguyên nhân là do lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến thị trường thế giới khiến nhu cầu nhập khẩu thủy sản chịu tác động sụt giảm trong quý I/2023.

Để ứng phó với tình hình này, nhiều chuyên gia khuyến nghị các DN cần nắm bắt nhu cầu của thị trường và sức mua của nhà nhập khẩu.

Các DN cũng cần cố gắng duy trì sản xuất và mối quan hệ với các bạn hàng đối tác thân thiết, những thị trường lớn. Đây được xem là giải pháp nhằm giữ ổn định vùng nuôi trồng, giúp nông dân yên tâm sản xuất vụ mới, tránh tình trạng khi nhu cầu thị trường thế giới tăng lên lại không có hàng để bán.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 14 tỷ USD vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu trên trước những thách thức ngày một lớn của thị trường, ngành thủy sản nói chung, các DN nói riêng cần tiếp tục thay đổi phương thức sản xuất, chú trọng vào chế biến sâu; sử dụng nguồn nguyên liệu có thể truy xuất nguồn gốc.

Về phía Bộ NN&PTNT, trong năm 2023, sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, tổ chức, hội nghề nghiệp và các địa phương nhằm tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình tiêu thụ và yêu cầu của thị trường thế giới nhằm giúp các DN ứng phó chủ động, linh hoạt; mở rộng tìm kiếm những thị trường mới, giàu tiềm năng và ít cạnh trạnh hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần