Đến những địa điểm này, du khách sẽ được tìm hiểu về lịch sử cũng như những điều thú vị nhất của TP.HCM.
Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất)
Nằm tại trung tâm quận 1, Dinh được xây dựng trên diện tích 4.500 m², diện tích sử dụng 20.000 m², gồm 3 tầng chính, 1 sân thượng, 2 gác lửng, tầng nền, 2 tầng hầm và một sân thượng cho máy bay trực thăng đáp xuống. Hơn 100 căn phòng của Dinh được trang trí theo phong cách khác nhau tùy theo mục đích sử dụng bao gồm các phòng khánh tiết, phòng trình ủy nhiệm thư, phòng đại yến ... chưa kể các phần khác như hồ sen bán nguyệt hai bên thềm đi vào chánh điện, bao lơn, hành lang...
Dinh cao 26m, tọa lạc trong khuôn viên rộng 12 ha rợp bóng cây. Bên ngoài hàng rào phía trước và phía sau Dinh là 2 công viên cây xanh. Giữa những năm 1960, đây là công trình có quy mô lớn nhất miền Nam và có chi phí xây dựng cao nhất (150.000 lượng vàng). Giờ mở của từ 7 giờ 30 tới 11h30, chiều từ 13 giờ tới 17 giờ.
Khu sinh thái Rừng Sác – Cần Giờ
Cách trung tâm TP.HCM khoảng 45km về hướng Đông Nam và qua phà Bình Khánh. Cần Giờ - một khu rừng ngập mặn mênh mông, còn có tên là Rừng Sác. Nó có tên như vậy là do người Nam Bộ gọi cây mắm là cây Sác. Đây là loài cây ngập mặn hay sống cùng với các loại cây khác, như sú, vẹt, đước, ô rô, chà là… tạo thành một tập đoàn cây ngập mặn.
Cần Giờ có đến 42 ngàn ha rừng nguyên sinh mọc trên hàng trăm gò đất nửa chìm nửa nổi, hoặc chỉ cao hơn mức nước biển một vài mét và hơn 1/4 diện tích vùng Rừng Sác là sông rạch. Thế giới động vật Rừng Sác thời đó thật khó kiểm đếm hết. Ngoài ra khách thăm quan tới Rừng Sác còn được thăm quan khu di tích Rừng Sác nơi lực lượng bộ đội tường đóng quân và thực hiện những trận đánh lớn.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
Nằm trên đường Võ Văn Tần quận 3, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là Bảo tàng chuyên đề nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về những chứng tích tội ác và hậu quả của các cuộc chiến tranh mà các thế lực xâm lược đã gây ra đối với Việt Nam.
Qua đó, Bảo tàng giáo dục công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, về tinh thần đấu tranh bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, về ý thức chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình và tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.
Bảo tàng lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, trong đó hơn 1.500 tài liệu, hiện vật, phim ảnh đã được đưa vào giới thiệu ở 8 chuyên đề trưng bày thường xuyên. Giờ mở của từ 7 giờ sáng tới 12 giờ trưa, chiều từ 14 giờ tới 17 giờ.
Thảo Cầm Viên
Cách Dinh Độc Lập 1km trên đường Lê Duẩn, Sau hơn 130 năm tồn tại, Thảo Cầm Viên đã trở thành một vườn thú lớn với 590 đầu thú thuộc 125 loài, thực vật có 1800 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài lan nội địa, 33 loài xương rồng, 34 loại bon sai... và đang được bổ sung thêm.
Tuy ở chốn thị thành, nhưng không khí ở đây khá trong lành với tiếng thú, tiếng chim muông cùng vô vàn cây xanh, hoa đẹp...Hơn thế nữa, Thảo Cầm Viên còn có vai trò giáo dục, bảo tồn và nghiên cứu...
Địa dạo Củ Chi
Cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng tây-bắc Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi. Hệ thống này được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất. Hệ thống địa đạo dài khoảng 200 km và có các hệ thống thông hơi vào các vị trí các bụi cây. Địa đạo Củ Chi được xây dựng trên vùng đất được mệnh danh là "đất thép", nằm ở điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh. Trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã sử dụng hệ thống địa đạo này để tấn công vào Sài Gòn.
Địa đạo đào trên một khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở. Hệ thống địa đạo nằm sâu dưới lòng đất, có thể chịu được sức công phá của các loại bom tấn lớn nhất của quân đội Mỹ. Không khí được lấy vào địa đạo thông qua các lỗ thông hơi. Các khu vực khác nhau của địa đạo có thể được cô lập khi cần. Ðường hầm sâu dưới đất từ 3 - 8m, chiều cao chỉ đủ cho một người đi lom khom. Căn hầm đầu tiên ở ngay bìa rừng có giếng ngầm cung cấp nguồn nước uống và sinh hoạt cho toàn khu vực địa đạo. Hệ thống địa đạo gồm 3 tầng, từ đường "xương sống" toả ra vô số nhánh dài, nhánh ngắn ăn thông nhau, có nhánh trổ ra tận sông Sài Gòn. Tầng một cách mặt đất 3m, chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép.
Tầng 2 cách mặt đất 5m, có thể chống được bom cỡ nhỏ. Còn tầng cuối cùng cách mặt đất 8-10m. Ðường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Bên trên nguỵ trang kín đáo, nhìn như những ụ mối đùn, dọc đường hầm có lỗ thông hơi. Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, có giếng nước, có bếp Hoàng Cầm, có hầm chỉ huy, hầm giải phẫu... Còn có cả hầm lớn, mái lợp thoáng mát, nguỵ trang khéo léo để xem phim, văn nghệ.
Bến Nhà Rồng
Bến Nhà Rồng, hay Bảo tàng Hồ Chí Minh, khởi đầu là một thương cảng lớn của Sài Gòn. Nhà Rồng được khởi công xây dựng ngày 4 tháng 3 năm 1863, do "Công ty vận tải đường biển" (tiếng Pháp: Messageries Maritimes) xây cất để làm nơi ở cho viên Tổng quản lý và nơi bán vé tàu. Hơn 1 năm sau đó, ngôi nhà Rồng này được hoàn thành, trên khu vực gần cầu Khánh Hội, nay thuộc quận 4.
Tại nơi đây, vào ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này lấy tên là Hồ Chí Minh) đã xuống con tàu Amiral Latouche Tréville làm phụ bếp để có điều kiện sang châu Âu sau này là Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ở Việt Nam. Từ 1975 toà trụ sở xưa của thương cảng Nhà Rồng đã được xây dựng lại thành khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.