3 quyền lợi về an toàn, vệ sinh lao động
Sự kiện này đã thu hút hơn 300 cán bộ, công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động huyện Đan Phượng tham gia và đặt nhiều câu hỏi gửi tới các chuyên gia với các nội dung khác nhau.
Sau khi vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Nhà máy Xi măng Yên Bái thuộc Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái khiến 7 người tử vong và 3 người bị thương, các công nhân, viên chức, lao động quan tâm nhiều đến vấn đề an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Chị Phan Tú Mây – Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Ứng dụng công nghệ và CNC Việt Nam hỏi về việc: Khi người lao động thực hiện công việc, nếu phát hiện có nguy hiểm hoặc nguy cơ cao thì phải làm gì?
Với câu hỏi này, TS Đỗ Thị Lan Chi – Phó Trưởng khoa Bảo hộ lao động, Trường Đại học Công đoàn cho hay: Khi người lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật, của công ty liên quan đến pháp luật, ATVSLĐ. Khi người sử dụng lao động trang bị các phương tiện bảo hộ lao động, bảo vệ cá nhân thì người lao động cần sử dụng đúng các phương tiện đã được trang bị.
Bà Đỗ Thị Lan Chi cũng cho biết, vấn đề ổn định tâm sinh lý cũng rất quan trọng. Khi làm việc tại nơi có nguy cơ rủi ro cao, ngoài việc tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn lao động, trang bị đúng, đủ phương tiện bảo hộ thì người lao động phải giữ ổn định tình trạng sinh lý; tâm trạng vui quá, buồn quá đều ảnh hưởng đến công việc.
“Quyền lợi về ATVSLĐ của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được quy định như thế nào?”, với câu hỏi này của chị Nguyễn Thị Thường – Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Thọ Xuân, chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi trả lời: Người lao động có 3 quyền lợi về ATVSLĐ. Thứ nhất, người lao động được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ. Thứ hai, người lao động được trang cấp các phương tiện bảo hộ cá nhân.
Thứ ba, người lao động được quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình; phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý. Người lao động chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác ATVSLĐ đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm ATVSLĐ.
Ngoài ra, người lao động còn được hưởng một số quyền khác như quyền thông tin, được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, ATVSLĐ. Người lao động yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi ổn định do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Người lao động được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh
Những trường hợp được hưởng 100% bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cũng là những nội dung được nhiều người lao động quan tâm tại buổi Đối thoại – Giao lưu trực tuyến – Truyền thông chính sách năm 2024. Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội Dương Thị Minh Châu thông tin: Đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội là hai việc độc lập. Người lao động đóng bảo hiểm xã hội ngắt quãng thì được cộng dồn; còn với bảo hiểm y tế, nếu trong 5 năm đóng ngắt quãng 3 tháng thì thời gian 5 năm sẽ được tính lại từ đầu. Với người đã có thời gian 5 năm đóng bảo hiểm y tế liên tục, trong một năm đã chi quá 6 lần tháng lương cơ sở thì sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến do bảo hiểm y tế chi trả.
Trả lời câu hỏi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không phải báo trước cho người sử dụng lao động trong trường hợp nào? Luật sư Đặng Văn Thành – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay: Theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong các trường hợp: không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của bộ luật này; không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động, bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc...