70 năm giải phóng Thủ đô

Những điều cần biết để hạ huyết áp

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huyết áp cao là một trong những dấu hiệu báo trước các vấn đề về tim. Ngoài việc dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ (tuyệt đối không tự mua thuốc uống), chế độ ăn uống hợp lý và lối sống lành mạnh ảnh hưởng đến việc kiểm soát huyết áp.

Nguyên nhân gây huyết áp cao

Do tăng huyết áp làm hỏng động mạch và giảm lưu lượng oxy đến tim và não nên các chuyên gia y học gọi huyết áp cao là "nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim và đột quỵ".

Khoảng 877.500 người Mỹ chết vì bệnh tim, đột quỵ hoặc các bệnh tim mạch khác mỗi năm, khiến bệnh tim và đột quỵ trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước này.

Tất nhiên, mặc dù không ai muốn huyết áp cao, nhưng một số người không biết cách hạ thấp nó thông qua các hành vi hoặc chế độ ăn uống và có rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc làm như vậy một cách an toàn.

Tăng huyết áp ảnh hưởng đến khoảng 65 triệu người trưởng thành ở Mỹ và xảy ra do nhiều yếu tố rủi ro. Riêng ở nước ta không có con số cụ thể nhưng tỷ lệ khá cao và đang có xu hướng trẻ hóa.

Tăng huyết áp có liên quan đến yếu tố gia đình, các vấn đề về giấc ngủ, mức độ căng thẳng cao, béo phì, tiểu đường và đang mang thai hoặc sau mãn kinh…

Các chuyên gia tim mạch cho biết: bất cứ điều gì ảnh hưởng đến độ đàn hồi của động mạch hoặc lượng máu trong hệ thống tuần hoàn của bạn sẽ ảnh hưởng đến huyết áp.

Làm thế nào để hạ huyết áp an toàn?

Tin tốt là những thay đổi lối sống đơn giản có thể có tác động lớn đến huyết áp của một người.

Điều quan trọng là phải giữ cho huyết áp của bạn ở mức phù hợp. Phạm vi này thường là 90/60 đến 140/80mmHg, nhưng các mục tiêu có thể được điều chỉnh dựa trên sức khỏe của một cá nhân.

Chỉ số trên cùng đại diện cho huyết áp tâm thu của một người (áp lực cao hơn xuất hiện khi tim ép máu đi khắp cơ thể); số dưới cùng đại diện cho huyết áp tâm trương của một người.

Nếu chỉ số huyết áp không ở trong vùng khỏe mạnh, điều quan trọng là phải giảm huyết áp.

Hạ huyết áp có thể được quản lý thông qua chế độ ăn uống, lối sống, mức độ hoạt động và đôi khi với sự trợ giúp của thuốc.

Tập thể dục đóng một vai trò quan trọng trong việc hạ huyết áp. Ảnh: Thanh Hải
Tập thể dục đóng một vai trò quan trọng trong việc hạ huyết áp. Ảnh: Thanh Hải

Chế độ ăn uống của một người có tác động rất lớn đến chứng tăng huyết áp cả về mặt hạ huyết áp và vì cân nặng quá mức khiến người ta có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.

Hạn chế lượng muối ăn vào là cách đã được chứng minh hiệu quả nhất để giảm huyết áp khi lựa chọn thực phẩm; nhưng chế độ ăn giàu các sản phẩm từ sữa ít chất béo, rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt cũng có thể giúp bạn kiểm soát huyết áp.

Chế độ ăn uống khuyến nghị người lớn nên hạn chế lượng muối ăn vào dưới 2.300mg natri mỗi ngày. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, những người được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp nên hạn chế lượng muối ăn vào nhiều hơn tới 1.500mg mỗi ngày.

Tập thể dục đóng một vai trò quan trọng khác trong việc hạ huyết áp. Chuyên gia tim mạch khuyến nghị nên có ít nhất 150 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi tuần để giảm huyết áp.

Việc không hút thuốc cũng có tầm quan trọng, nhất là nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp.

Tránh uống quá nhiều rượu (không quá một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly mỗi ngày đối với nam giới). Cần đối phó với căng thẳng và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Mặc dù huyết áp cao là một vấn đề đáng lo ngại, nhưng nó là thứ có thể tự kiểm soát được, khi người bệnh thay đổi lối sống và chế độ ăn theo xu hướng lành mạnh, hợp lý hơn.

Cuối cùng, nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp, hãy hợp tác với bác sĩ để xây dựng kế hoạch điều trị, nhằm sống khỏe với bệnh.

Chú ý: Khi bác sĩ cho thuốc uống, người bệnh tuyệt đối không được tự ý bỏ, hay điều chỉnh, thay đổi thuốc, vì như vậy sẽ dẫn đến vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, như việc huyết áp tăng đột ngột.