Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những khoản tiền người lao động được hưởng khi mất việc làm

Sở LĐTB&XH Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết hiện nay có mấy công ty ở TP Hồ Chí Minh phải cho người lao động nghỉ việc vì không có đơn hàng. Tôi muốn hỏi, khi bị mất việc làm, người lao động sẽ được hưởng những khoản tiền trợ cấp nào? Chị Nguyễn Thanh An, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Trả lời

Bị mất việc làm là điều không mong muốn đối với người lao động, nhất là vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, khi bị mất việc làm, người lao động được nhận các khoản tiền để đảm bảo quyền lợi của bản thân.

Điều 47, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 của Bộ luật này, cứ mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 2 tháng tiền lương. (Khoản 11 Điều 34, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này).

Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động quy định: Trường hợp người lao động có thời gian làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên mất việc nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm ít hơn 24 tháng thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động ít nhất bằng 2 tháng tiền lương

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp mất việc làm. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 6 tháng được tính bằng 1/2 năm, trên 6 tháng được tính bằng 1 năm làm việc.

Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.

Khi mất việc làm, người lao động được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp; đây là khoản tiền do Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả. Để được hưởng khoản tiền này, người lao động mất việc phải đáp ứng các điều kiện là đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cứ đóng đủ 12 tháng đến 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người lao động làm việc đủ 12 tháng sẽ được nghỉ phép hằng năm, hưởng nguyên lương từ 12 - 16 ngày. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc. Trường hợp bị mất việc làm mà chưa nghỉ phép hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

Trong thời hạn 14 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của người lao động, trong đó có tiền lương. Trong một số trường hợp, thời hạn thanh toán khoản tiền này có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.