Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những lưu ý khi khám sức khỏe định kỳ

Bác sĩ Trần Quốc Khánh - Bệnh viện Việt Đức
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khám sức khỏe định kỳ vô cùng quan trọng, giúp sàng lọc, phát hiện mầm bệnh sớm để có biện pháp, ngăn chặn và xử trí kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý những điều sau khi đi khám sức khỏe định kỳ.

Lấy máu xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn. Ảnh: Thanh Hải
1. Siêu âm ổ bụng, tuyến giáp, tuyến vú (với nữ), tinh hoàn và tiền liệt tuyến (với nam): Siêu âm có ưu điểm là nhanh, rẻ tiền, không độc hại, nhiều nơi làm được, tuy nhiên, nên tìm những cơ sở có bác sĩ siêu âm có chuyên môn giỏi.
2. Nội soi toàn bộ đường tiêu hóa (từ miệng đến hậu môn): Đây là việc vô cùng quan trọng. Rất nhiều người chỉ đi nội soi mỗi dạ dày, trong khi còn hơn 7 mét ruột phía sau và nguy cơ các tổn thương ở tất cả các đoạn đường tiêu hoá đều như nhau. Vậy nên, mọi người nên nội và nên chọn soi có mê tĩnh mạch nếu không có chống chỉ định. Tốt nhất nên nội soi định kỳ mỗi năm một lần.
Với mỗi gia đình, việc lập “quỹ tài chính cho sức khoẻ”, hằng năm đi kiểm tra sức khỏe toàn diện là điều rất cần thiết. Đừng để nhiều năm chưa đi kiểm tra sức khỏe một lần. Và đã có những hậu quả thật đáng tiếc xảy ra, có những bệnh không thể chữa khi quá muộn, có những cuộc đời đành khép lại khi tuổi thanh xuân tưởng chừng đang phơi phới.
3. Xét nghiệm máu: Trong xét nghiệm máu có rất nhiều nội dung như xét nghiệm nhóm máu, đông máu, công thức máu, sinh hoá máu, miễn dịch, chất chỉ điểm khối u… Về nhóm máu, chỉ cần làm một lần duy nhất và ghi nhớ cũng như thông báo cho các thành viên trong gia đình biết nhóm máu của nhau, đề phòng lúc cần đến. Đông máu cũng ít thay đổi trừ khi những người có biểu hiện dễ chảy máu. Xét nghiệm hằng năm chủ yếu ưu tiên làm sinh hoá máu (biết chức năng gan thận, tiểu đường, axit uric, mỡ máu, điện giải..) và công thức máu (biết thiếu thừa và bất thường tế bào máu) và chất chỉ điểm khối u!

4. Chụp Xquang phổi thẳng-nghiêng và điện tim: Đơn giản, nhanh, biết nhiều thông số về tim mạch & phổi. Chỉ lưu ý với những người đang mang bầu thì nên tránh chụp Xquang nếu không có chỉ định của bác sĩ.

5. Tổng phân tích nước tiểu: Đơn giản và nhanh, có rất nhiều giá trị về các bệnh lý của hệ thận - tiết niệu, nên làm hằng năm.

6. Đo loãng xương: Nên làm với bất cứ ai trên 50 tuổi hoặc làm sớm hơn với những chị em cắt buồng trứng, bệnh lý nội tiết hoặc sau tai nạn nằm lâu, các bệnh lý khối u.

7. Khám sản phụ khoa: kỹ mỗi năm một lần với các chị em là điều vô cùng quan trọng để sàng lọc bệnh lý, đặc biệt là nhưng bệnh hay gặp như u xơ, ung thư cổ tử cung

8. Chụp cộng hưởng từ sọ não-mạch não: Nên thực hiện với bất cứ ai hay đau đầu, khám sâu về tim mạch với bất cứ ai béo phì, tiểu đường nhiều năm, đặc biệt những người nghiện thuốc lá, lười vận động, cao huyết áp…

9. Bệnh nhân sau mổ ung thư: Mỗi lần khám lại nên đến gặp trực tiếp bác sĩ đã mổ hoặc điều trị cho mình để được tư vấn kỹ, từ đó mới đưa ra phác đồ theo dõi về sau tốt nhất. Chẳng hạn, với K vú, nguy cơ di căn xương tương đối cao, vậy có cần xạ hình xương hoặc thậm chí là chụp PET-CT sau một thời gian mổ nhất định hay không? Hoặc với ung thư cổ tử cung-phần phụ cũng vậy. Nếu có điều kiện, việc chụp PET-CT sau một thời gian điều trị ung thư là một lựa chọn rất tốt.

10. Khám sớm và khám chuyên sâu: Nên đi khám sớm các chuyên khoa sâu hoặc đến gặp bác sĩ tư vấn ngay khi có bất thường như nghẹt mũi kéo dài, nốt ruồi to lên và đau hoặc thay đổi màu sắc, đêm ngủ ra nhiều mồ hôi trộm, nhức mỏi toàn thân về đêm và gần sáng, gầy sút cân, nổi hạch ấn đau, ho trên một tuần, sốt về chiều, tiểu buốt hoặc đỏ, đục…