Cách đây 93 năm, từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930, tại Hương Cảng, (Hồng Kông) Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản là: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960) đã quyết nghị lấy ngày 03/2 mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đó là kết quả của sự vận động, phát triển và thống nhất phong trào cách mạng trong cả nước; sự chuẩn bị công phu về mọi mặt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự đoàn kết nhất trí của những chiến sỹ tiên phong vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc; là thành quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.
Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945)
Sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền với 3 cao trào cách mạng có ý nghĩa to lớn đưa đến thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đó là: Cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh; cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939); cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 - 1945). Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết của Đảng, đứng đầu là Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng với sự đoàn kết hăng hái, chiến đấu ngoan cường và hy sinh to lớn của biết bao đảng viên cộng sản, chiến sĩ và đồng bào yêu nước đã kết thúc thắng lợi bằng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã khai sinh ra Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; củng cố vững chắc địa vị lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng lãnh đạo Nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi (1945-1954)
Sau khi bị lật đổ quyền cai trị trên toàn cõi Đông Dương, thực dân Pháp với sự che chở của quân Anh, đã âm mưu quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ 2. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng lại đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp. Qua 9 năm trường kỳ kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã giành được những thắng lợi to lớn, giữ vững chính quyền nhân dân non trẻ, đánh đuổi thực dân Pháp, lập lại hòa bình ở miền Bắc. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu” là minh chứng hùng hồn cho sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng.
Đảng lãnh đạo Nhân dân thực hiện thắng lợi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954 - 1975)
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta bắt tay vào xây dựng, khôi phục kinh tế - văn hóa, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó ở miền Nam, đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định Giơnevơ, hất chân thực dân Pháp, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng. Nhiệm vụ của Đảng ta trong giai đoạn này hết sức nặng nề, đó là phải lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược gồm cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc là chúng ta đã thiết lập được một cơ sở chính trị, xã hội của chế độ xã hội chủ nghĩa, bước đầu xây dựng nền kinh tế mới, góp phần làm hậu thuẫn vững chắc cho cách mạng miền Nam. Thắng lợi to lớn trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là Đại thắng mùa xuân năm 1975, với chiến thắng 30/4 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, ghi thêm một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc và lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam.
Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên cả nước (từ năm 1975 đến năm 1986)
Sau chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế vừa tiến hành hai cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc và Tây Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Đồng thời tập trung lãnh đạo xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế mới trong cả nước, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân lao động. Tuy nhiên, việc duy trì lâu dài mô hình, cơ chế kinh tế tập trung bao cấp không còn phù hợp và đã bộc lộ những hạn chế, nhược điểm; việc hoạch định và thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, có lúc, có nơi đã mắc sai lầm khuyết điểm chủ quan, duy ý chí. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội trong những năm đầu cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trước những thách thức của thời kỳ mới, Đảng đã tổng kết thực tiễn, tìm tòi, hoạch định đường lối đổi mới, ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20/9/1979 của Hội nghị T.Ư 6 (khóa IV) về “Phương hướng nhiệm vụ phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp địa phương"; Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp"; Nghị quyết Hội nghị T.Ư 8, khóa V (tháng 6/1985) thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa; Kết luận của Bộ Chính trị (tháng 8/1986) về 3 quan điểm kinh tế trong tình hình mới...
Lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay
Qua đánh giá tình hình đất nước và quá trình tìm tòi, khảo nghiệm, Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Đại hội VII của Đảng (tháng 6/1991) khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, triệt để trên các lĩnh vực với những bước đi, cách làm phù hợp và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xác định những quan điểm và phương hướng phát triển đất nước, khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.
Các nghị quyết của Đảng từ Đại hội VIII đến nay tiếp tục khẳng định sự kiên định, kiên trì thực hiện đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới không ngừng được bổ sung và phát triển. Ðảng Cộng sản Việt Nam từng bước hoàn thiện và cụ thể hóa toàn diện các định hướng đổi mới, phát triển, xác định rõ trọng tâm trong từng giai đoạn.
Qua hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 37 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta vượt qua khủng hoảng kinh tế đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Văn hóa - xã hội có bước phát triển, công tác xóa đói giảm nghèo đạt được những thành tựu quan trọng, sớm đạt được nhiều chỉ tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, được quốc tế đánh giá cao. Diện mạo đất nước và đời sống của Nhân dân có nhiều thay đổi. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên.
Tại Đại hội XIII của Đảng (năm 2021), nhiều quyết sách mới, những đột phá mới và tầm tư duy mới được mở ra. Tại các Hội nghị Trung ương khóa XIII, nhiều nghị quyết quan trọng định hướng phát triển đất nước đã được ban hành. Tính đến năm 2022, quy mô nền kinh tế của Việt Nam ước đạt 9,513 triệu tỷ đồng (tương đương 409 tỷ USD); thu nhập bình quân đạt 95,6 triệu đồng/ người, tương đương hơn 4.100 USD. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu, Việt Nam đã có quan hệ với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng.
Số lượng đảng viên không ngừng gia tăng. Từ Đại hội lần thứ I (1935) Đảng ta có khoảng 500 đảng viên đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta có gần 5,2 triệu đảng viên. Đa số cán bộ, đảng viên và Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc đổi mới và triển vọng phát triển của đất nước. Nhiều đảng viên đã để lại nhiều tấm gương tốt thể hiện tinh thần tiên phong và tính gương mẫu. Những thành tựu qua 37 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước đã tạo đà cho sự phát triển trong những năm tiếp theo; đồng thời cũng là minh chứng sinh động khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta.