[Thuốc&Dinh dưỡng]

Những món ăn tẩm bổ từ vị thuốc tỏa dương

BS Nguyễn Phú Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỏa dương có tên là củ gió đất, củ ngọt núi, hoa đất, cây không lá, xà cô; tên khoa học Balanophora sp; thuộc họ Gió đất - Balanophoraceae.

Tỏa dương là loại cây có hình dạng như cây nấm, màu đỏ nâu sẫm, được cấu tạo bởi cán hoa lớn, trên mang hoa dày đặc, có mo bao bọc, màu tím, có mùi hôi.

Cán hoa nạc và mềm, sần sùi, không có lá. Hoa đực và hoa cái riêng. Cụm hoa đực hình trụ, dài 10 - 15cm. Cụm hoa cái hình đầu, dài 2 - 3cm. Tỏa dương thường mọc và sống ký sinh trên rễ những cây gỗ lớn trong rừng sâu ẩm thấp... ở các vùng rừng núi Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái...

Tỏa dương thường được dùng làm thuốc bổ máu, bổ thận, kích thích ăn ngon miệng, chữa nhức mỏi chân tay, chữa đau lưng mỏi gối, di tinh, liệt dương, phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau khi sinh...

Một số cách dùng dưới dạng món ăn của vị thuốc tỏa dương:

Món ăn, bài thuốc hỗ trợ tráng dương: Tỏa dương 5g, nhục thung dung 5g, thịt dê 50g, bột mì 200g. Trước tiên sắc riêng tỏa dương và nhục thung dung, lấy nước thuốc này nhào với bột mì, cán mỏng, cắt thành sợi, cho vào nấu với thịt dê, nêm gia vị vừa miệng, làm thức ăn điểm tâm hằng ngày.
Bổ thận dương, chữa liệt dương: Canh cẩu pín với tỏa dương; dùng hai thứ này xào hoặc nấu canh để ăn. Thêm gia vị gừng, hành để phối hợp tác dụng và khử tanh. Có thể thay cẩu pín bằng dương vật dê, bò, tinh hoàn gà...
Cháo tráng dương: Tỏa dương nấu với chim sẻ, chim cút, gà, thịt chó, thịt dê, thịt bò, trai, sò, tôm (những thức ăn có tác dụng tráng dương).

Bổ thận dương, ích tinh huyết: Hai quả thận (còn nguyên phần đỏ phía trên) bổ dọc, bỏ phần lõi ở giữa. Rửa sạch với nước gừng, rắc bột tỏa dương vào giữa, úp hai phần lại với nhau, cuốn dọc hành hẹ, nướng vỉ hoặc hấp chín để ăn. Khi ăn có thể thái mỏng. Chấm nước mắm gừng, tỏi...

Xuất tinh sớm và liệt dương: Tỏa dương 20g, tang thầm 20g. Hai thứ tán nhỏ, hãm trong phích nước sôi với 10g mật ong. Sau 15 phút là uống được. Uống thay nước trà hàng ngày. Chú ý, người bị tiêu chảy không nên dùng loại nước này.

Thận, tâm, tỳ đều hư gây tảo tiết: Gà trống choai 1 con, tỏa dương 20g, đảng sâm 50g, hoài sơn 50g, ngũ vị tử 20g. Gà làm sạch mổ moi lấy lòng ra cho thuốc vào hầm cách thủy cho chín chia 2 lần ăn trong ngày. Tuần 1 lần, dùng 3 tuần. Không có gà thay bằng dạ dày lợn làm sạch, nhồi thuốc để hầm.

Chữa liệt dương, ngũ canh tiết tả (buồn đại tiện lỏng sáng sớm của người già do dương hư): Nấu tỏa dương với đậu đen. Phải ăn đều mỗi chiều tối trong nhiều ngày.

Chữa xuất tinh sớm: Thục địa 30g, tỏa dương 20g, đỗ trọng 30g, đuôi lợn 150g, gừng tươi 15g, đại táo 8 quả. Ðuôi lợn cạo bỏ lông, rửa sạch, chặt thành từng khúc. Gừng tươi giã nát. Các vị thuốc rửa sạch. Tất cả cho vào nồi hầm lửa nhỏ trong 2,5 - 3 giờ là được, cho thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Bài thuốc có công dụng: Tư bổ thận tinh, dùng cho những người bị chứng xuất tinh sớm với các triệu chứng như xuất tinh sớm, tinh dịch ít và loãng, cơ thể hao gầy, suy giảm ham muốn tình dục, da mặt nhợt nhạt, tóc rụng nhiều, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng loãng, chất lưỡi nhợt, thường có bệnh mạn tính kèm theo như tiểu đường, u phì đại tiền liệt tuyến mạn tính, suy giảm công năng tuyến thượng thận...

Rượu tỏa dương: Khai vị, cường tráng: củ tỏa dương thái mỏng rửa sạch để cho ráo nước sau đó bỏ vào bình ngâm từ 3 - 5 lít rượu trong 1 tháng là sử dụng được. Rượu có màu đỏ sẫm, vị đắng chát, mùi thơm mỗi ngày uống hai lần mỗi lần 2 ly nhỏ có thể ngâm thêm nhiều loại thảo dược khác như ba kích, nhục thung dung, dâm dương hoắc.