70 năm giải phóng Thủ đô

Quảng Ngãi:

Những ngôi làng chỉ có người già và trẻ con

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trước Tết Nguyên đán chừng vài tháng, những ngôi làng của đồng bào H’re ở huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) vắng lặng lạ thường, bởi phần đông người trẻ, trung niên đều ngược lên Tây Nguyên làm thuê.

Làng "ngược ngàn" kiếm tiền tiêu Tết

Tranh thủ những ngày mưa tạnh, anh Phạm Văn Bôn (44 tuổi, thôn Gò Ghềm, xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ) trèo lên sườn núi dọc Quốc lộ 24 để kiếm củi. Quệt những giọt mồ hôi túa đầy trên đôi má đen sạm, anh Bôn nhìn những đoàn xe máy 4-5 chiếc, mỗi xe đều có 2 người với lỉnh kỉnh túi lớn, nhỏ bon bon chạy về hướng đèo Violak mà lắc nhẹ đầu, khe khẽ thở dài.

Năm nay, anh Phạm Văn Bôn không đi làm thuê ở Tây Nguyên. Ảnh: HP 
Năm nay, anh Phạm Văn Bôn không đi làm thuê ở Tây Nguyên. Ảnh: HP 

Năm ngoái, cũng tầm này, anh Bôn đã ngược xe lên Kon Tum hái cà phê thuê (người dân quen gọi hái cà). Năm nay, đứa con lớn đau ốm triền miên nên anh đành ở nhà. Nếu đi hái cà thì chỉ trong 2 tháng trước Tết, anh Bôn sẽ dắt túi được chừng chục triệu đồng, đủ đón Tết no ấm. Còn ở nhà, anh lên núi chặt củi bán cho thương lái, mỗi ngày cũng kiếm được gần trăm nghìn đồng, chi tiêu dè dặt hơn.

“Làng tôi phần lớn đi Tây Nguyên cả rồi, người đi Kon Tum, người đi Đắk Nông, Đắk Lắk... Có nhà kéo nhau đi hết, khóa cửa để đó”, anh Bôn nói.

Từ chỉ dẫn của anh Bôn, chúng tôi men theo con đường bê tông xi măng gập ghềnh, nhiều đoạn đã vỡ nát vì thời gian, vì mưa lũ để tìm về Gò Ghềm. Đường làng vắng hoe, phần lớn các ngôi nhà đều đóng kín cửa, cổng. Thỉnh thoảng mới bắt gặp nhà có người ở, nhưng chủ yếu là người già, con nít, phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ.

Một ngôi nhà ở Gò Ghềm đóng kín cổng vì cả gia đình đều đi Tây Nguyên. Ảnh: HP 
Một ngôi nhà ở Gò Ghềm đóng kín cổng vì cả gia đình đều đi Tây Nguyên. Ảnh: HP 

Trên căn nhà sàn nằm sâu trong nhánh rẽ ở Gò Ghềm, chị Phạm Thị Lành (25 tuổi) đang sửa soạn quần áo, ngóng ba mẹ và em trai trở về. Em trai của Lành là Phạm Văn Hoàng, mới 16 tuổi, nhưng vì kinh tế khó khăn nên đã nghỉ học, theo cha mẹ làm thuê để kiếm thêm thu nhập.

“Mọi năm vợ chồng tôi đều đi hái cà thuê, năm nay không có người trông con nên đành ở nhà, chỉ có ba mẹ và em trai đi. Nhưng giờ ông nội đang bệnh nên ba mẹ về chăm sóc. Vợ chồng tôi sẽ nhờ ba mẹ chăm 2 đứa nhỏ để đi Tây Nguyên”, chị Lành chia sẻ.

Chị Phạm Thị Lành cũng sắp rời làng đi Đắk Lắk làm thuê. Ảnh: HP
Chị Phạm Thị Lành cũng sắp rời làng đi Đắk Lắk làm thuê. Ảnh: HP

Vợ chồng chị Lành dự tính sẽ không tới Đắk Nông, thay vào đó sẽ đi Đắk Lắk để hái cà thuê. Theo lời chị, đã có vợ chồng người bà con lên trước, chủ rẫy đang cần nhân công nên họ điện thoại về rủ làm chung.

"Tiền công được chủ rẫy khoán và tính theo sản lượng cà hái được, trung bình 900 đồng đến khoảng 1.100 đồng/kg. Cơm nước mình tự lo. Cứ đến mùa cà là người dân trong làng rủ nhau lên Tây Nguyên làm thuê, kiếm tiền tiêu Tết và nuôi con", chị Lành cho hay.

Vất vả mưu sinh

Chiếc ô tô khách đỗ xịch ở góc đường ngay trung tâm huyện Ba Tơ, anh Phạm Văn Phế 2 tay vác 2 chiếc ba lô nặng trĩu bước xuống, đi phía sau là vợ anh- chị Phạm Thị Hà.

Anh Phạm Văn Phế mang hành lý trở về quê sớm hơn dự kiến. Ảnh: HP 
Anh Phạm Văn Phế mang hành lý trở về quê sớm hơn dự kiến. Ảnh: HP 

Mệt mỏi sau 1 tháng hái cà thuê ở xã Đạo Nghĩa (huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông) và phải ngồi xe qua chặng đường dài hàng trăm cây số, chị Hà lộ rõ vẻ tiều tụy, bơ phờ. Vợ chồng chị kẻ trước, người sau đi bộ thất thểu trên vỉa hè.

“Hà bệnh, sốt, mệt mấy ngày liền nên phải trở về sớm hơn dự kiến. 2 vợ chồng mới đi hái thuê bữa 25/10, làm cực mà cà ít nên thu nhập chưa được là bao. Hôm đi, 2 vợ chồng gửi xe máy ở nhà người quen rồi bắt xe khách, giờ phải đi bộ qua đó lấy xe. Nhà tôi ở thôn Đồng Lâu, xã Ba Lế”, anh Phế cho hay.

Chị Phạm Thị Hà - vợ anh Phế. Ảnh: HP 
Chị Phạm Thị Hà - vợ anh Phế. Ảnh: HP 

Công việc hái cà thuê dù mang lại thu nhập khá cao cho người đồng bào H’re ở Ba Tơ nhưng lại rất vất vả. Họ thường thức dậy lúc 4 giờ sáng hàng ngày, chuẩn bị cơm sáng và trưa. Đến 6 giờ sáng, mọi người bắt đầu ra vườn để hái cà. Ai cũng tranh thủ đi làm sớm và nghỉ muộn để đạt ngày công.

Nếu làm giỏi, từ sáng đến chiều, một người có thể thu hoạch đạt từ 7 đến 8 tạ, kiếm được khoảng hơn 800.000 đồng/ngày. Nhưng cũng không ít người đau ốm, phải trở về sớm hơn dự kiến, như trường hợp của vợ chồng anh Phế.

“Vợ chồng tôi cũng lớn tuổi, không vướng bận con nhỏ nên nghỉ ít hôm cho Hà khỏe. Hà hết bệnh rồi lại kiếm chỗ khác đi làm thuê”, anh Phế nói.

 

Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh, việc đi các tỉnh hái cà phê thuê hoặc làm keo thuê nhiều năm qua rất phổ biến trong cộng đồng người H’re ở địa phương và mang lại thu nhập khá cao so với mức sống của họ. “Về góc độ tích cực thì đây cũng là tín hiệu vui, cho thấy bà con rất chăm chỉ làm ăn, không sa đà vào tệ nạn rượu chè. Mặt khác, để tạo điều kiện cho bà con có công ăn việc ổn định tại quê nhà, không phải đi xa, huyện tích cực đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, chuyển đổi trồng keo sang trồng cây ăn quả hoặc trồng rừng lâu năm để cho thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, cần thay đổi về nhận thức tới hành động nên không thể thực hiện trong một sớm một chiều”, ông Vinh chia sẻ.

Không rõ từ bao giờ, phong trào rời làng đi làm thuê đã trở nên "thịnh hành" ở nhiều huyện miền núi của Quảng Ngãi như Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng, Minh Long…

Riêng tại Ba Tơ (huyện giáp ranh với 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum), từ thời điểm tháng 10, tháng 11 dương lịch mỗi năm, rất nhiều ngôi làng của đồng bào H’re ở huyện này ở trong tình trạng vắng người vì cà phê các tỉnh Tây Nguyên đang vào chính vụ.

Dù phần lớn người dân đều có rẫy keo, ruộng ở quê nhà, nhưng tranh thủ lúc nhàn rỗi, sắp xếp việc đồng áng, họ đều rời làng đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập.

Trong khi phần lớn người dân ngược hướng Quốc lộ 24 đi lên các tỉnh Tây Nguyên hái cà thuê, thì có một số khác lại xuôi hướng Quốc lộ 24 để vào Bình Định làm keo thuê.

Những chiếc xe mang biển số 76 (tỉnh Quảng Ngãi) chở đầy đồ đạc để ngược lên Tây Nguyên. Ảnh: TL 
Những chiếc xe mang biển số 76 (tỉnh Quảng Ngãi) chở đầy đồ đạc để ngược lên Tây Nguyên. Ảnh: TL 

Thường họ đi rất đông, thành từng cụm hoặc từng đoàn. Có gia đình gần cả chục người cùng bồng bế, dắt díu nhau rời làng. Nhà nào có con nhỏ thì gửi con cho ông bà hoặc đưa theo luôn vào rẫy cà.

Người đồng bào đi các tỉnh làm thuê nhiều đến mức, có cán bộ xã ở huyện Ba Tơ "cười như mếu" vì thời điểm cần huy động nhân lực để làm đường giao thông nông thôn lại không thể kiếm ra người. Bởi nhìn quanh chỉ thấy toàn người người già, con nít.

Ngôi làng ở xã Ba Vì dịp trước Tết vắng bóng thanh niên, trai trẻ, chỉ còn người già và trẻ em. Ảnh: HP 
Ngôi làng ở xã Ba Vì dịp trước Tết vắng bóng thanh niên, trai trẻ, chỉ còn người già và trẻ em. Ảnh: HP 

Hết mùa cà cũng là thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, người dân lại trở về quê. Số tiền dành dụm từ việc đi làm thuê sẽ dùng để tích góp hoặc mua sắm vật dụng đón Tết. Những ngôi làng vắng lặng trở nên đông vui náo nhiệt, ầm ĩ tiếng nói cười.

Già Phạm Thị Hỏ cũng có con đi hái cà phê ở Tây Nguyên. Ảnh: HP 
Già Phạm Thị Hỏ cũng có con đi hái cà phê ở Tây Nguyên. Ảnh: HP 

“Trước Tết là mùa cà, sau Tết là mùa tiêu. Ăn Tết xong bà con lại rủ nhau đi hết. Hoặc ngược lên Tây Nguyên, hoặc xuôi về Bình Định kiếm tiền. Bao năm rồi ở đây đều như thế”, già Phạm Thị Hỏ (74 tuổi, thôn Gò Ghềm, xã Ba Dinh) vừa nói, vừa dõi mắt ra xa. Già cũng đang nhẩm tính ngày các con đi hái cà trở về…