Những người lấy đêm làm ngày ở chợ đầu mối nông sản TP Quảng Ngãi

Đỗ Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi thành phố chìm vào giấc ngủ cũng là lúc những người làm nghề cửu vạn bắt tay vào công việc. Suốt 4 mùa, không kể nắng mưa, cuộc sống về đêm của họ cứ tiếp diễn, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác...

Đêm trắng

Đồng hồ điểm 1 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Quỳnh (48 tuổi, phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) nặng nhọc kéo chiếc xe đẩy nép vào một góc chợ. Chiếc xe chất hàng hóa cồng kềnh tương phản với vóc dáng nhỏ bé của người phụ nữ. Mặt nhăn nhó vì đau, bà Quỳnh lấy túi băng cá nhân treo trên xe kéo, cúi người cẩn thận băng lại ngón chân bị thương. 

Xe đẩy - phương tiện chính được dùng trong nghề cửu vạn.
Xe đẩy - phương tiện chính được dùng trong nghề cửu vạn.

Bà Quỳnh chuyển sang nghề cửu vạn ở chợ đầu mối nông sản TP Quảng Ngãi được 5 năm. Trước đây nhà bà Quỳnh bán bánh bèo, tuy nhiên không chịu nổi cảnh người chồng sáng xỉn chiều say, đánh vợ đánh con, bà Quỳnh quyết tâm li dị rồi một mình lặn lội, bươn chải để nuôi 2 đứa con.

“Chỉ bán bánh bèo thì làm sao mà đủ tiền, đành phải chuyển sang làm bốc vác. Bữa đầu tiên bốc hàng, không quen nên cả người đau ê ẩm, bỏ cơm mất mấy ngày liền. Lúc đó tính bỏ luôn rồi, nhưng khi nghĩ đến 2 đứa con, lại phải cố gắng”, bà Quỳnh trải lòng.

Sau đợt đó, bà Quỳnh bỏ ra 1 triệu đồng để sắm chiếc xe kéo - phương tiện không thể thiếu trong nghề cửu vạn, rồi theo nghề mãi cho đến nay.

Cuộc trò chuyện ngắn ngủi kết thúc, mặc kệ ngón chân vẫn còn đau nhức, bà Quỳnh khom người nâng càng xe. Chiếc xe chất đầy các bao tải khoai tây, cà chua nặng nhọc lăn bánh để chuyển đến các vựa hàng của tiểu thương. Bóng dáng liêu xiêu của bà và chiếc xe đẩy khuất nhanh trong chợ đêm.

Bà Lê Thị Đào gắn bó với nghề cửu vạn hơn 12 năm.
Bà Lê Thị Đào gắn bó với nghề cửu vạn hơn 12 năm.

Ở tuổi 50, bà Lê Thị Đào (phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi) có hơn 12 năm làm nghề cửu vạn. Một ngày làm việc tại chợ đầu mối của bà thường bắt đầu từ 22 giờ đêm hôm trước đến 4, 5 giờ sáng hôm sau. Làm hôm nào nhận tiền công hôm đó. Mỗi đêm, bà Đào kiếm được trung bình từ 200 - 300 nghìn đồng. Ngày rằm, mùng một, hàng trái cây nhiều, có thể kiếm được từ 500 - 600 nghìn đồng.

“Với những người lao động tay chân thì đây là số tiền khá lớn, nhưng công việc nặng nhọc, tốn sức nên nhiều người thường xuyên bị đau nhức xương khớp, bong gân”, bà Đào chia sẻ.

Ít ai biết, từ công việc bốc vác ở chợ đầu mối nông sản, vợ chồng bà Đào đã nuôi 2 đứa con tốt nghiệp đại học và đứa con út vừa sang Nhật du học theo diện tự túc được hơn 1 tháng.

“Trước đây, cả hai vợ chồng đều làm nghề bốc vác. Giờ còn lo mỗi đứa út nên ông chồng chuyển sang làm công việc khác vào ban ngày, mình tôi tiếp tục làm nghề này. Vợ chồng ít học nên cuộc sống khó khăn, bây giờ phải cố gắng để đời con mình sáng sủa hơn”, bà Đào cười, phấn chấn.

Muôn nẻo mưu sinh

Chợ đầu mối nông sản TP Quảng Ngãi hiện có hơn 70 người làm nghề cửu vạn, chủ yếu ở độ tuổi từ 35 - 60. Người làm lâu thì hơn 20 năm, người ít hơn thì cũng đã gắn bó được 5 - 7 năm. Mỗi người mỗi cảnh ngộ, mỗi duyên phận, nhưng tất cả đều vì mưu sinh nên gắn bó với nghề “lấy đêm làm ngày” đầy nặng nhọc, vất vả này. Người thì ở quê không có đất làm ruộng; người nuôi vợ, nuôi chồng đau ốm...

Ông Bùi Thanh Lưu có "thâm niên" 24 năm trong nghề bốc vác.
Ông Bùi Thanh Lưu có "thâm niên" 24 năm trong nghề bốc vác.

Còn tầm 1 tiếng nữa là đồng hồ điểm sang ngày mới, ông Bùi Thanh Lưu (51 tuổi, ở xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa) chạy chiếc xe máy cà tàng vào chợ đầu mối nông sản. Suốt 24 năm qua, mỗi ngày cứ đến gần 0 giờ, ông Lưu vượt 10km để đến chợ làm công việc bốc vác, rạng sáng lại trở về nhà.

“Những người làm nghề này đùa với nhau rằng sống ở Việt Nam nhưng giờ giấc sinh hoạt như ở Mỹ. Có cái khác là lúc người ta ngủ thì mình thức nhưng lúc họ thức chưa chắc mình đã ngủ vì còn phải lo toan chuyện ruộng vườn, nhà cửa”, ông Lưu nói.

Làm nghề cửu vạn ở chợ đầu mối đa phần là người trung niên, làm lâu năm và đã quen với việc thức đêm. Có nhiều người đến làm thử một vài hôm không chịu nổi vất vả, không thức đêm được nên đành nghỉ việc. 

Đánh đổi sức lao động để kiếm tiền mưu sinh, nghề cửu vạn cũng có khi gặp phải "sự cố" mất hàng. Mỗi thùng hàng 10kg, tiền công bốc vác, di chuyển đến thương lái chỉ nhận được 1.000 - 2.000 đồng, nhưng nếu chẳng may bị mất hàng phải đền đến vài trăm nghìn đồng.

“Mấy loại trái cây như táo Mỹ hay măng cụt thì phải đền cả triệu đồng. Lỡ làm mất hàng thì hôm đó xem như làm cả đêm không đủ bù tiền”, ông Lưu chia sẻ kinh nghiệm xương máu.

Nghề cửu vạn ở chợ đầu mối lấy đêm làm ngày.
Nghề cửu vạn ở chợ đầu mối lấy đêm làm ngày.

23 giờ, chợ đầu mối nông sản TP Quảng Ngãi vào khung giờ cao điểm. Tiếng nói cười, tiếng thúc giục hòa cùng âm thanh bốc dỡ, kéo hàng xua tan sự tĩnh lặng của đêm tối. Chiếc xe tải chở hàng vừa vào đến chợ, chưa kịp tắt máy, một tốp chừng 5 - 7 người đã nhanh chóng mang theo xe kéo đến phân chia bốc vác nông sản từ trên xe di chuyển đến các chủ vựa.

Những chiếc xe kéo chất đầy hàng, nặng đến vài tạ nặng nề lăn bánh trong đêm, mồ hôi của cửu vạn tứa ra, ướt đẫm áo và rơi thành giọt bên thái dương. Càng về khuya, nhịp làm việc càng tấp nập. Những chiếc xe kéo cứ vậy ngược xuôi đến mọi góc chợ. 

Một nhóm cửu vạn bốc dỡ hàng từ xe tải.
Một nhóm cửu vạn bốc dỡ hàng từ xe tải.

Trời về sáng, ánh dương dần ló dạng cũng là lúc những cửu vạn tại chợ đầu mối nông sản lại kết thúc công việc sau một đêm dài vất vả. Mang theo số tiền vừa kiếm được, họ hòa mình vào dòng xe tấp nập để trở về nhà, tranh thủ nghỉ ngơi, sẵn sàng cho những cuốc xe đẩy và những đợt bốc xếp hàng của đêm hôm sau. Một ngày mới lại bắt đầu!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần