Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ vụ học sinh đuối nước khi học bơi:

Những nguyên tắc quan trọng khi dạy và học bơi trong nhà trường

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hai vụ học sinh đuối nước tại bể bơi trường học vừa xảy ra ở Hà Nội và Nghệ An gây nỗi xót xa cho xã hội. Các nguyên tắc để đảm bảo an toàn, phòng chống đuối nước một lần nữa được đặt ra, không chỉ cho nhà trường mà còn cho phụ huynh và học sinh.

Hai vụ việc đuối nước đau lòng

Ngày 22/8, một học sinh lớp 9 trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam (quận Hà Đông, Hà Nội) tử vong do đuối nước trong giờ học bơi.

Bể bơi Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam - nơi xảy ra vụ việc học sinh đuối nước (Ảnh: VIS)
Bể bơi Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam - nơi xảy ra vụ việc học sinh đuối nước (Ảnh: VIS)

Giáo viên dạy bơi Nguyễn Lâm Thắng (SN 1999) đã bị Cơ quan CSĐT Công an quận Hà Đông (Hà Nội) tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Tại cơ quan công an, Thắng cho hay: Nhà trường quy định mỗi tiết dạy bơi thực hành sẽ có 1 giáo viên phụ trách bộ môn và 2 nhân viên cứu hộ. Tuy nhiên, chiều 22/8, khi chưa phổ biến nội quy, chưa hướng dẫn, bể chưa xuất hiện nhân viên cứu hộ, Thắng đã cho 11 học sinh xuống bể bơi tự do, mặc cho bể chưa nhân viên cứu hộ. Thắng cũng không phát áo phao cho học sinh còn bản thân chỉ ngồi một chỗ và sử dụng điện thoại.

Thậm chí, khi một học sinh vùng vẫy rồi bị chìm xuống đáy bể bơi, Thắng vẫn ngồi vị trí cũ sử dụng điện thoại di động, hoàn toàn không hay biết về sự việc. Hết giờ, Thắng cho học sinh về lớp mà không kiểm tra số lượng. Đến khoảng hơn 14 giờ cùng ngày, nhân viên dọn vệ sinh bể mới phát hiện nam sinh chìm dưới đáy. Khi đưa tới bệnh viện, nạn nhân được xác định đã tử vong ngoại viện.

Cùng thời điểm trên, một vụ đuối nước đau lòng khác xảy ra tại bể bơi trong trường THPT Nguyễn Trường Tộ, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Theo đó, khoảng 15 giờ ngày 22/8, một nhóm học sinh rủ nhau đến bể bơi của trường này để tắm. Trong lúc tắm, mọi người không thấy em N.T.B đâu nên lặn xuống tìm và phát hiện nam sinh này nằm dưới đáy bể bơi. Ngay lập tức, sự việc được thông báo đến bảo vệ và nhà trường.

Em N.T.B sau đó được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Đến khoảng 18 giờ 30 cùng ngày, N.T.B. được chuyển sang Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để tiếp tục cấp cứu. Tuy nhiên, nạn nhân không qua khỏi và tử vong vào tối 23/8.

Những nguyên tắc bắt buộc khi dạy và học bơi

Ths Vũ Văn Thịnh, Trưởng Bộ môn Bơi (Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội) cho biết, tại mỗi bể bơi, các nội quy bể rất quan trọng và cần phải có biển ghi rõ để học sinh đọc; đồng thời thầy cô phải phổ biến kỹ giúp các em nắm rõ. Cùng với đó, học sinh cần hiểu về khu vực nước nào nước nông, khu vực nào nước sâu, độ sâu tối thiểu/tối đa của bể là bao nhiêu, chỗ nào được phép bơi, chỗ nào không được phép bơi…

Có một số nguyên tắc khi dạy và học bơi (Ảnh minh họa)
Có một số nguyên tắc khi dạy và học bơi (Ảnh minh họa)

Trước khi xuống bể, học sinh cần thực hiện các động tác khởi động phù hợp lứa tuổi. Mỗi học sinh nên tắm tráng để vừa giúp cơ thể sạch sẽ, vừa tránh gây sốc nhiệt. Các em cần xuống nước từ từ, không nhảy, không lộn…và bắt buộc phải có người lớn hoặc thầy giáo đi cùng mới được xuống bể.

Khi dạy bơi, giáo viên phải biết rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đuối nước; có thể do ý thức chủ quan nhưng cũng có thể do các vấn đề sức khỏe (ốm, mệt, chuột rút…). Do vậy, người giáo viên cần đảm bảo đầy đủ trang thiết bị như phao, sào, vật nổi, gậy…; cảnh báo học sinh về các khu vực được phép bơi và không được phép bơi; độ sâu mực nước từng vùng nước.

Trước khi nhận lớp, giáo viên phải kiểm tra sỹ số, hỏi từng học sinh về tình trạng sức khỏe và ghi chép đầy đủ thông tin vào sổ. Nếu em nào không đảm bảo sức khỏe thì không cho xuống nước.

Ths Vũ Văn Thịnh nhấn mạnh: Khi học sinh bơi, giáo viên phải luôn quan sát số lượng học sinh trong bể; phân nhóm (tổ) để quản lý lẫn nhau, giao tổ trưởng và bản thân mình liên tục quan sát bể. Vì học sinh thường nghịch ngợm và thích khám phá nên giáo viên càng phải sát sao hơn, nhất là ở những khu vực gianh giới về các mực nước sâu và khu bể nước sâu; không chỉ tập trung vào một em...

Giáo viên bơi luôn nghiêm khắc với học trò, tuyệt đối không mất tập trung; vừa giữ vai trò là người tuyên truyền, hướng dẫn; vừa là người cứu hộ và nắm được quy trình sơ cấp cứu đuối nước.

Kết thực buổi học bơi, giáo viên cần đếm học sinh đã tiếp nhận và bàn giao đầy đủ cho giáo viên chủ nhiệm hoặc phụ huynh. Khi đã đếm đủ, giao đủ, vẫn phải đi quanh bể để kiểm tra lần nữa trước khi bàn giao bể bơi cho nhân viên quản lý.

Ths Vũ Văn Thịnh cũng lưu ý phụ huynh một số điểm, như: Đưa đón con đi bơi đúng giờ, đảm bảo giao con tận nơi cho thầy cô. Cần nhắc nhở con nghe lời thầy cô, không được bơi ra những khu vực không được phép; thường xuyên lấy ví dụ một số vụ việc đáng tiếc để con nâng cao cảnh giác; kết hợp chặt chẽ, báo cáo trung thực tình trạng sức khỏe của con trong ngày học bơi để giáo viên nắm được.

Với nhà trường, phải có quy chế, quy định chặt chẽ đối với giờ học bơi. Cần quy định giáo viên không sử dụng điện thoại trong giờ dạy, yêu cầu giáo viên thường xuyên đi lại kiểm soát học sinh, không ngồi 1 chỗ, nhắc các học sinh cùng để mắt, quản lý lẫn nhau; tuyên truyền cho học sinh về những vấn đề nguy hiểm có thể xảy ra và không được chủ quan.

Thêm nữa, nhà trường phải có lực lượng cứu hộ có chuyên môn, đảm bảo đủ số lượng theo quy định, có phân công nhiệm vụ rõ ràng. Lực lượng cứu hộ thường xuyên đi lại, kiểm tra, tập trung, kết hợp với giáo viên đảm bảo an toàn cho học sinh, kịp thời phát hiện, xử lý mọi tình huống; có như vậy mới hạn chế thấp nhất những vụ việc đau lòng.

 

Nhìn nhận về vụ việc đuối nước xảy ra tại Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam, Ths Vũ Văn Thịnh cho biết: Giáo viên dạy bơi quá chủ quan vì cho rằng học sinh lớn, bể nông thì sẽ không thể đuối nước. Về chuyên môn, giáo viên chưa sàng lọc, đánh giá, phân loại trình độ học sinh để quản lý. Trong giờ dạy, giáo viên không dạy mà chỉ ngồi, không trông, không quan sát và có sử dụng điện thoại. Điều này rất tắc trách, vi phạm nghiêm trọng quy chế giảng dạy. Thêm nữa, giáo viên chưa nắm được cơ sở vật chất của trường, độ sâu của bể, chưa phổ biến nội quy cho học sinh.

“Dù bể có 50cm nước thì người biết bơi vẫn có thể bị đuối nước. Hai vụ việc thương tâm trên là lời cảnh tỉnh cho các giáo viên dạy bơi và nhà trường trong việc quản lý giáo viên, nhân viên, học sinh trong giờ bơi cũng như trong công tác tổ chức, vận hành bể bơi tại trường học...”- Ths Vũ Văn Thịnh cho biết.