Liên kết theo chuỗi giá trị còn lỏng lẻo
Hải Dương là một trong số ít địa phương đủ điều kiện xuất khẩu rau an toàn ở khu vực phía Bắc.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) Nguyễn Đức Thuật chia sẻ, Hợp tác xã đang canh tác 1.500ha rau màu, trong đó 1.000ha được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, sản lượng hơn 50.000 tấn/năm. 70% lượng sản phẩm được xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, còn lại tiêu thụ nội địa.
Để có được kết quả này, hợp tác xã phải kiên trì trong 7 năm nỗ lực xây dựng chuỗi liên kết; hình thành vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của DN thu mua, chế biến.
Tại Hà Nội, diện tích rau màu mỗi vụ đạt khoảng 20.000ha, trong đó, vụ chính là Đông và Xuân, đạt 23.000 - 28.000ha. Vùng chuyên canh được chứng nhận chất lượng an toàn hơn 5.000ha.
Dù thành công trong liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, nhưng Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh chia sẻ, còn nhiều bất cập khi xây dựng chuỗi rau an toàn chuyên nghiệp do số nông hộ tham gia sản xuất trên vùng rất lớn.
Trong khi đó, muốn sản lượng, quy mô đạt tiêu chuẩn chất lượng thì phải tổ chức liên kết sản xuất rất chặt chẽ. Trong chuỗi liên kết này, chỉ một số ít nông hộ không hợp tác là rất khó, khiến chuỗi bị đứt gãy bất cứ lúc nào.
Theo Chủ tịch UBND xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) Trần Xuân Điệu, hoạt động của các chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn vẫn ở quy mô nhỏ, phân tán, giá thành cao, chưa tạo được sản lượng hàng hóa lớn nên sức cạnh tranh không cao.
Trong khi đó, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học ở một số nông hộ chưa kiểm soát tốt dẫn tới "con sâu làm rầu nồi canh"; chuỗi cung ứng giữa người sản xuất và DN chế biến, tiêu thụ còn ít.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương nhận định, nhiều diện tích sản xuất rau an toàn trên địa bàn các huyện là tự phát, manh mún nên gặp khó khăn trong công tác đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm.
DN, hợp tác xã chưa thực sự quan tâm đến việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chưa thu hút được nhiều nông dân tham gia liên kết, đa phần nông dân còn e ngại việc hợp tác, liên kết không hiệu quả.
Không dễ giải bài toán đầu ra
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, khu vực phía Bắc có diện tích rau màu các loại trung bình khoảng 300.000ha/vụ. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, rau màu đạt gần 20.000ha, trong đó, nhiều vùng chuyên canh rau an toàn đã được chứng nhận.
Khảo sát mới đây của Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện tại một số địa phương chuyên sản xuất rau màu cho thấy, trung bình mỗi hộ gia đình chỉ có 1,7 thương lái đến thu mua.
Các hộ sản xuất bị hạn chế khả năng thương lượng giá cả do không có nhiều kênh bán cho các thương lái khiến nông dân không bán được hàng; các thương lái phải mất nhiều thời gian để làm việc với hộ nông dân. Đây là những rào cản lớn tác động đến hình thành, phát triển ngành rau, củ, quả chuyên nghiệp.
Thực tế cho thấy, đa số hợp tác xã mới chỉ tập trung sản xuất, chưa chú trọng xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong khi đó, để giải bài toán đầu ra cho rau, củ an toàn cần sự nỗ lực từ nhiều phía như: Nông hộ, hợp tác xã, nông dân, chính quyền địa phương. Trong đó, vai trò của ngành nông nghiệp rất quan trọng trong việc tăng cường tập huấn, tổ chức tham quan mô hình, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGAP cho người dân.
Để phát triển chuỗi rau an toàn theo hướng bền vững, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, với đặc thù rau, củ có nhiều loại, hình thức, quy mô canh tác từng loại có điểm khác biệt, do đó rủi ro đến với từng nhóm nông dân cũng khác nhau.
Các địa phương cần tiếp tục định hình, quản trị tốt chuỗi giá trị; chú trọng bảo đảm sự gia tăng giá trị cho từng mắt xích trong chuỗi. Các địa phương cần tuyên truyền, vận động nông dân tham gia hợp tác xã thực hiện quy trình sản xuất tập trung quy mô lớn, góp phần bảo đảm chất lượng sản phẩm, ổn định đầu ra.
Việc tổ chức liên kết sản xuất giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và DN sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất truyền thống, tăng giá trị sản phẩm; giảm chi phí sản xuất, vận chuyển...
Các hợp tác xã, DN sản xuất rau an toàn cần mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Cùng với đó, định hướng các nông hộ thành viên ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cung cấp hình ảnh về nơi sản xuất và quá trình sản xuất lên hệ thống điện tử. Các thương lái, khách hàng có thể quan sát, đánh giá chất lượng trên các nền tảng đó.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến