Những thành phố sống chung với nước

Thế Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khủng hoảng khí hậu dẫn đến lũ lụt và các TP thường bị ngập nặng. Thay vì dùng bê tông để che chắn nước, các TP đang có xu hướng là sống chung, tìm cách dung nạp nước. Dưới đây là 5 TP có những công trình sống chung với nước.

Bangkok, Thái Lan: Công viên “má khỉ”

Bangkok - được xây dựng trên vùng đồng bằng ngập lũ của sông Chao Phraya - rất dễ bị lũ lụt. Năm 2011, lũ lụt kinh hoàng tràn vào TP, giết chết hàng trăm người.

Công viên Chulalongkorn Centenary ở Bangkok. Ảnh: CNN
Công viên Chulalongkorn Centenary ở Bangkok. Ảnh: CNN

Thêm áp lực, khi mực nước ở Vịnh Thái Lan dâng cao, TP có gần 11 triệu dân, nằm ở độ cao khoảng 1,5m so với mực nước biển, đang bị chìm do quá trình đô thị hóa ngày càng tăng.

Kiến trúc sư Thái Lan Kotchakorn Voraakhom, người sáng lập công ty kiến trúc cảnh quan Land process, đã cống hiến phần lớn công việc của mình để tìm hiểu cách thiết kế tốt hơn cho lũ lụt.

Kiến trúc sư này đặt câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể thiết kế các TP phù hợp với thiên nhiên thay vì chống lại nó? Biến đổi khí hậu đang khiến các TP bị lún xuống và cơ sở hạ tầng hiện tại của chúng ta càng khiến chúng ta dễ bị lũ lụt nghiêm trọng hơn”.

Một trong những giải pháp của kiến trúc sư này cho Bangkok là Công viên Centenary tại Đại học Chulalongkorn ở trung tâm Bangkok.

Hoàn thành vào năm 2017, công viên rộng 11 mẫu Anh (45.000m2) được thiết kế để sử dụng và thu nước. Được xây dựng trên một sườn dốc, nó có thể dẫn nước qua các khu vườn và vùng đất ngập nước nhân tạo, sau đó vào một ao chứa.

Có lẽ tính năng khéo léo nhất của nó nằm ngoài tầm nhìn. các bể ngầm có thể chứa 640.000 lít nước. Toàn bộ công viên có thể chứa tới 4 triệu lít nước.

Ý tưởng về công viên xuất phát từ ý tưởng về “má khỉ” (Monkey cheek), bà Voraakhom nói với tờ New York Times: Khỉ dùng má để dự trữ thức ăn khi đói; đó là mục tiêu của công viên với nước.

Bắc Kinh, Trung Quốc: Kiến trúc "thành phố bọt biển"

Trung Quốc, quốc gia chịu cả lũ lụt và hạn hán, từ lâu đã ủng hộ xây dựng “các TP bọt biển” (sponge cities). Ý tưởng cho phép các TP hấp thụ và giữ lại lượng nước dư thừa bằng các thiết kế bao gồm vườn, mái nhà xanh, vùng đất và vỉa hè cho phép nước vừa thấm xuống đất vừa chảy ra ngoài.

Năm 2015, Chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch thí điểm 16 "TP bọt biển".

Kiến trúc sư Kongjian Yu, người sáng lập Công ty thiết kế Turenscape và là người tiên phong của các "TP bọt biển", cho biết: “Mục đích của các "TP bọt biển" là cung cấp thêm không gian cho nước”.

Công viên sông Yongxing ở Bắc Kinh là một trong nhiều dự án “TP bọt biển” của Yu. Trước đây là một kênh thoát nước bằng bê tông, Turenscape đã biến nó thành một “sông bọt biển”, được thiết kế để quản lý nước lũ và lọc nước mưa.

Một mạng lưới các con đường kết nối công viên, nơi có nhiều cây cối, bao gồm cả cây liễu, táo. Nó cũng có sân chơi cho trẻ em.

Amsterdam, Hà Lan: Biến nhà thành thuyền

Hà Lan, khoảng 1/3 trong số nhà cửa nằm dưới mực nước biển, đang cố gắng sống chung với nước bằng cách xây dựng nhà trên nước theo đúng nghĩa đen.

Một cộng đồng nhà nổi ở Schoonschip, Amsterdam. Ảnh: CNN
Một cộng đồng nhà nổi ở Schoonschip, Amsterdam. Ảnh: CNN

Tại khu phố Schoonschip phía Bắc Amsterdam, Công ty kiến trúc Space&Matter đã thiết kế một cộng đồng gồm 30 ngôi nhà trên mặt nước. Việc xây dựng được hoàn thành vào năm 2021 và hiện là nơi sinh sống của hơn 100 cư dân.

Được xây dựng bằng khung gỗ và cách nhiệt bằng vải bố và rơm, những ngôi nhà được trang bị máy bơm nhiệt và tấm pin mặt trời. Vườn trên mái nhằm mục đích giúp nhà mát mẻ vào mùa Hè cũng như hấp thụ nước mưa.

Cầu tàu linh hoạt kết nối các ngôi nhà với nhau và với đất liền. Chúng được thiết kế để lên xuống theo dòng nước lên xuống.

Tjeerd Haccou, đồng sáng lập Space&Matter, nói với CNN: “Thay vì chống lại mực nước biển dâng cao, chúng ta nên thích nghi và nắm lấy nước như một điều kiện đô thị”.

Maldives: Lập mô hình thành phố nổi

Rất ít quốc gia có nhiều rủi ro từ khủng hoảng khí hậu hơn Maldives. Phần lớn quần đảo gồm hơn 1.000 hòn đảo ở Ấn Độ Dương nằm trên mực nước biển chưa đến một mét.

Mối đe dọa lũ lụt, kết hợp với nhu cầu có thêm nhà ở, đang thúc đẩy một dự án từ Chính phủ - hợp tác với nhà phát triển Dutch Docklands - để xây dựng một TP nổi mới.

Koen Olthuis, người sáng lập Waterstudio, công ty thiết kế TP, nói với CNN rằng đó là một loại “TP công nghệ… nhưng mang dáng vẻ và cảm nhận của một làng chài cổ ở Maldives.

Nằm trên một đầm phá cách Thủ đô Male khoảng 10 phút đi thuyền, TP sẽ được tạo thành từ một loạt các đơn vị nổi được đóng trên bờ và kéo xuống nước. Chúng sẽ được gắn vào đáy biển trên các cột ống lồng, cho phép TP lên xuống theo sóng và đối phó với mực nước biển dâng cao.

Koen Olthuis cho biết tác động môi trường đã được đánh giá nghiêm ngặt. Ông giải thích rằng thiết kế TP sẽ trông giống như một rạn san hô khi nhìn từ trên cao.

Việc xây dựng bắt đầu một cách nghiêm túc vào cuối năm nay và dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2028.

Các TP nổi đã bị chỉ trích vì cung cấp các giải pháp nhà ở quá đắt đỏ, nhưng Olthuis cho biết khả năng chi trả là một yêu cầu do chính phủ ở Maldives đặt ra. Ông cho biết mục tiêu là 90% cư dân là người địa phương ở Maldives và những ngôi nhà sẽ có cùng mức giá với những bất động sản tương tự ở Male.

“Nhu cầu phát triển mô hình TP này ngày càng tăng”, Olthuis nói, đồng thời cho biết công ty của ông đã nhận được nhiều yêu cầu về các TP nổi: “Không phải vì mọi người thích ý tưởng sống trên mặt nước, mà vì nó có thể là một giải pháp cho nhu cầu nhà ở và cho không gian, sự an toàn do tác động của biến đổi khí hậu gây ra”.

 

Năm 2022, lũ lụt nghiêm trọng đã gây ra sự tàn phá khắp thế giới, bao gồm cả ở Nigeria, Pakistan và Australia. Lũ lụt được dự đoán sẽ trở nên tồi tệ hơn. Một phần của các TP lớn nhất châu Á được dự đoán sẽ chìm dưới nước vào cuối thế kỷ này. Các bờ biển của Mỹ dự kiến sẽ chứng kiến mực nước biển dâng cao từ 30 - 40cm vào năm 2050. Giải pháp xây dựng những TP sống chung với nước đang là xu hướng mang tính toàn cầu, Việt Nam cũng cần nghĩ đến.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần