Những thông điệp mạnh mẽ từ hội nghị G7

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù không có sự tham dự của Trung Quốc hay các quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông,...

Kinhtedothi - Dù không có sự tham dự của Trung Quốc hay các quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông, vấn đề này vẫn nóng trên bàn nghị sự của hội nghị các Ngoại trưởng G7 (10 - 11/4), hướng mũi dùi về phía những tham vọng vô lối của Bắc Kinh trên khu vực biển chiến lược này.

Trong khuôn khổ hội nghị, phía Nhật Bản lên tiếng kỳ vọng, các Ngoại trưởng G7 phản đối những hành động đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng các vùng biển, đồng thời khuyến khích phương Tây góp tiếng nói nhiều hơn để thay mặt các nước Đông Nam Á trong vấn đề liên quan tới Biển Đông. Dù phía Trung Quốc “rào trước” rằng, việc Nhật Bản đề cập tới những tranh chấp trên biển mang tính “khiêu khích”, ảnh hưởng tới “những mối quan tâm đích đáng hơn”. Biển Đông cũng xuất hiện trong tuyên bố chung của hội nghị, với nội dung các Ngoại trưởng thống nhất là nhấn mạnh tầm quan trọng căn bản của quản lý và giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình.
Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Nhật Bản tham dự hội nghị G7 cũng sẽ mở đường cho chuyến thăm tới quốc gia này của Tổng thống Mỹ vào tháng 5.
Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Nhật Bản tham dự hội nghị G7 cũng sẽ mở đường cho chuyến thăm tới quốc gia này của Tổng thống Mỹ vào tháng 5.
Những tuyên bố trước, trong và sau hội nghị cho thấy, đây là cuộc đọ sức ngầm giữa Mỹ - Nhật với Trung Quốc liên quan đến vấn đề tự do hàng hải và các hành động đơn phương của Bắc Kinh trên vùng biển trọng yếu của thế giới. Dù không trực tiếp đề cập tới Trung Quốc, thông điệp này rõ ràng hướng chỉ trích những tham vọng của Bắc Kinh trên Biển Đông. Những cuộc đối đầu gần đây trên Biển Đông, đặc biệt là giữa Mỹ với Trung Quốc, đã gây ra những quan ngại ngày càng lớn trong khu vực và trên thế giới. Washington đã chỉ trích mạnh mẽ các hành động bồi lấp đảo nhân tạo phi pháp, quân sự hóa của Bắc Kinh trên Biển Đông, đồng thời tăng cường các hoạt động tuần tra, giám sát tại đây. Nhật Bản cũng đang dần quan tâm hơn tới vấn đề Biển Đông do phần lớn hàng hóa thông thương với Tokyo đều được vận chuyển qua tuyến đường biển này. Mới đây, Nhật Bản đã điều tàu khu trục, tàu ngầm tới tham gia cuộc diễn tập hải quân với Indonesia, đồng thời ghé thăm một loạt quốc gia ven bờ Biển Đông.

Việc lựa chọn Hiroshima làm điểm đến của các Ngoại trưởng G7 năm nay cũng là điểm thú vị. Trải qua nhiều năm, đây vẫn là một trong hai chứng tích về tội ác của Mỹ với việc sử dụng bom nguyên tử năm 1945, trở thành biểu tượng nhắc nhở thế giới về sự nguy hại của vũ khí hạt nhân. Nhật Bản ngầm nhắc nhở Mỹ về trách nhiệm đạo lý cũng như pháp lý về quá khứ lịch sử, cho thấy mối quan tâm hàng đầu hiện tại về chính trị an ninh là vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Hội nghị G7 là cơ hội để Nhật Bản phát đi những thông điệp này, đồng thời nhấn mạnh lập trường phản đối với vấn đề của Bình Nhưỡng. Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Nhật Bản tham dự hội nghị G7 cũng sẽ mở đường cho Tổng thống Mỹ tới thăm quốc gia này với Hiroshima là điểm đến trong lịch trình sắp tới. Đây cũng là lời khẳng định ngầm về trách nhiệm cam kết phấn đấu vì mục tiêu thế giới không có vũ khí hạt nhân từ Washington tới Tokyo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần