Những tiến bộ trong lĩnh vực tim mạch can thiệp

BS Nguyễn Hữu Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tim mạch học gồm 3 mảng lớn: Nội tim mạch, tim mạch can thiệp (TMCT) và phẫu thuật tim.

Mỗi mảng đóng vai trò riêng trong quá trình dự phòng, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch. Ba mảnh ghép này có mối liên kết tương trợ lẫn nhau tạo một vòng tròn khép kín nhằm mục tiêu tối ưu việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân có bệnh tim mạch.

Tim mạch can thiệp là gì?

TMCT là những thủ thuật xâm lấn tối thiểu giúp chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch, không giống như phẫu thuật truyền thống, những thủ thuật này được thực hiện qua một hoặc nhiều ống thông (catheter) rất nhỏ có đường kính từ 2 - 3mm, ống thông này được đưa vào trong lòng mạch máu hoặc buồng tim để thăm dò về chức năng hoặc cấu trúc cũng như thực hiện điều trị những tổn thương của những cấu trúc này. Vị trí đưa ống thông thường là tại động mạch quay ở cổ tay hoặc động mạch hoặc tĩnh mạch bẹn đùi.

Một ca phẫu thuật thị phạm can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng
Một ca phẫu thuật thị phạm can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng

So với mổ tim, TMCT có những ưu điểm sau: Không cần gây mê; ít đau; ít chảy máu; tỷ lệ biến chứng thấp; thời gian thực hiện thủ thuật ngắn; bệnh nhân có thể đi lại, sinh hoạt sau 24 giờ; thời gian hồi phục nhanh; có thể thực hiện trên bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh lý mạn tính đi kèm.

Những bệnh lý được điều trị bằng TMCT:

- Bệnh lý động mạch vành, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim có thể điều trị bằng tim mạch can thiệp như nong động mạch vành bị hẹp và đặt gía đỡ (stent mạch vành).

- Bệnh lý van tim như nong van tim bị hẹp, thay van động mạch chủ qua da cho những bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ nặng, hay thủ thuật clip van 2 lá trong điều trị hở van 2 lá.

- Một số bệnh tim bẩm sinh như thông liên nhĩ, thông lên thất hoặc còn ống động mạch.

- Ngoài ra, TMCT còn điều trị một số bệnh mạch máu ngoại biên khác như hẹp động mạch cảnh, hẹp động mạch dưới đòn, hẹp động mạch chi, động mạch thận, động mạch mạc treo, hẹp eo động mạch chủ...

- Bít tiểu nhĩ trong điều trị phòng ngừa thuyên tắc huyết khối từ tim ở bệnh nhân rung nhĩ.

- Đặt stent điều trị phình động mạch chủ ngực, bụng, bóc tách động mạch chủ bụng.

Những tiến bộ

Tiến bộ trong điều trị bệnh động mạch vành: Can thiệp động mạch vành qua da (nong và/hoặc đặt stent) ĐMV đã được nhiều bệnh viện trong cả nước đã thực hiện ngày một tinh vi, an toàn và hiệu quả hơn.

Stent là một khung đỡ bằng kim loại không gỉ chịu được sự mài mòn và oxy hóa cao được đặt vào trong lòng mạch vành - mạch cấp máu cho cơ tim, nhằm mục đích khai thông lòng mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn hoàn toàn.

Việc dùng thiết bị hút cục máu đông trong lòng ĐMV giúp làm thông thoáng lòng ĐMV, đặc biệt trong trường hợp NMCT cấp có nhiều huyết khối vì các biện pháp nong hoặc đặt stent thông thường tỏ ra bế tắc. Đối với những tổn thương ĐMV cứng và vôi hóa có thể dùng thiết bị khoan khá mảng xơ vữa (rotablator) để làm rộng lòng mạch.

Tiến bộ trong điều trị các bệnh van tim: Những tiến bộ nổi bật nhất phải kể đến trong bệnh lý van tim là những kỹ thuật can thiệp qua da.

Nong van hai lá bằng bóng Inoue qua da đã trở thành phương pháp điều trị được lựa chọn hàng đầu cho bệnh nhân bị hẹp van hai lá.

Thay van động mạch chủ và động mạch phổi qua da theo đường ống thông từ đường mạch máu lớn ở đùi đưa lên đang là vấn đề khá thời sự hiện nay.
Sửa van hai lá qua đường ống thông cũng đang được thử nghiệm ở một số trung tâm tim mạch trong nước.

Tiến bộ trong điều trị một số bệnh tim bẩm sinh: Rất nhiều bệnh tim bẩm sinh đã được phát hiện kịp thời và được chữa trị một cách rất hiệu quả, trong nhiều trường hợp có thể khỏi hoàn toàn.

Đóng thông liên nhĩ bằng dụng cụ Amplatzer qua đường ống thông: Đây là một loại thiết bị đặc biệt bằng lưới kim loại Nitinol nhớ hình, có hình dáng hai dù áp vào nhau và nối với nhau bởi một eo. Khi đưa vào thì dụng cụ đã được thu vào trong ống thông. Từ tĩnh mạch đùi phải đưa ống thông lên qua lỗ TLN để sang nhĩ trái. Qua đó đẩy dù lên và mở cánh phía nhĩ trái trước sau đó kéo lại mắc vách liên nhĩ và mở tiếp cánh còn lại bên nhĩ phải để ép lại và đã đóng kín vách liên nhĩ. Phương pháp này giúp tránh được cuộc mổ trên tim hở mà vẫn cho kết quả tương tự như nhiều nghiên cứu trên thế giới.

Đóng ống động mạch trong bệnh còn ống động mạch bằng dụng cụ Amplatzer hoặc bằng coil cũng gần giống nguyên tắc trên nhưng dụng cụ có hình dáng khác để phù hợp với ống động mạch. Đóng lỗ thông liên thất phần màng bằng dụng cụ Amplatzer có phức tạp hơn và đang trong giai đoạn thử nghiệm. Đây cũng là phương pháp hứa hẹn nhiều triển vọng và mang lại lợi ích đáng kể cho người bệnh.

Một số bệnh lý bẩm sinh khác cũng có thể được điều trị qua đường ống thông khá hiệu quả như: Nong van động mạch phổi bị hẹp qua da, nong van động mạch chủ bị hẹp qua da, nong hẹp eo động mạch chủ, đóng một số lỗ dò bất thường của động mạch vành hoặc các động mạch khác cúng theo đường ống thông mà không cần phải mổ...

Đối với bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn, trước đây thường phải mổ khoét vách liên thất với nhiều biến chứng phức tạp, nay có thể làm mỏng vách liên thất bằng cách tiêm cồn vào nhánh động mạch vành nuôi vách liên thất một cách chọn lọc qua đường ống thông. Phương pháp này rất ít xâm lấn hơn mổ và cho kết quả rất khả quan.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần