Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những tín hiệu vui

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang đi đầu trong xây dựng mô hình trường chất lượng cao (CLC) nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn lực CLC của Thủ đô và cả nước.

 Dù có những "vật cản" trên đường đi, song TP đã bước đầu khẳng định được, đó là chủ trương đúng.

18 trường thí điểm mô hình  chất lượng cao

Với nhu cầu học tập đa dạng của người Thủ đô, từ năm học 2013 - 2014, Hà Nội áp dụng mô hình trường CLC. Không phải ngẫu nhiên mà Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ tự tin khẳng định: "Cho đến thời điểm này, Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất ban hành được bộ tiêu chí với 5 tiêu chí bắt buộc của trường CLC gồm: Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục". Theo ông Độ, giáo viên trường CLC không chỉ là thợ dạy, mà phải là giáo viên giỏi, đáp ứng yêu cầu, chương trình CLC.
Giờ học tô của các cháu trường mầm non 20-10. Ảnh: Nguyễn Anh
Giờ học tô của các cháu trường mầm non 20-10. Ảnh: Nguyễn Anh
Tất nhiên, học phí của trường CLC cũng khác: 2,9 triệu đồng/tháng đối với trường mầm non và tiểu học; 3 triệu đồng/tháng đối với trường THCS và THPT. Tuy nhiên, HS trường công lập CLC vẫn được áp dụng các chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập như đối với HS tại các trường công lập bình thường (Phần kinh phí miễn giảm, hỗ trợ này, ngân sách Nhà nước chi trả trực tiếp cho HS). Đến năm học 2014 - 2015, các mức học phí sẽ tương ứng là 3,2 triệu đồng và 3,4 triệu đồng/tháng. Vậy nhưng mức học phí này không phải là "quá sức" đối với những gia đình có thu nhập khá, muốn con được học trong một môi trường giáo dục toàn diện. 

Năm học vừa rồi, mô hình này đã được triển khai thí điểm ở 18 trường, trong đó có 14 trường công lập. Tất cả đều nhất quán nguyên tắc mà UBND TP đã đưa ra: Chỉ phát triển mô hình trường này ở những khu vực đã có đủ chỗ học cho học sinh (HS) thuộc các đối tượng phổ cập giáo dục, và việc theo học là tự nguyện. Với các trường mầm non, phổ thông công lập được công nhận là trường CLC, số HS đang theo học tại trường được quyền lựa chọn tiếp tục học chương trình nhà trường áp dụng trước khi được công nhận CLC, hoặc theo chương trình CLC. Điều này đã giải tỏa mối lo của nhiều phụ huynh, những người sợ bị buộc theo học trường CLC trong khi không có nguyện vọng và khả năng đóng góp. Với nguyên tắc này, phụ huynh cũng không phải lo con "mất chỗ" ở trường công lập vào những năm học tới.

Khẳng định chủ trương đúng

Xây dựng trường CLC ở nơi có kinh tế - xã hội phát triển là phù hợp, song khi triển khai mô hình này, Hà Nội cũng "vấp" phải những trở ngại từ phía phụ huynh HS và dư luận xã hội. Ấy là những ý kiến lo ngại: Trường CLC thu học phí cao, biến trường công thành môi trường kinh doanh kiếm lời; Học phí cao, chất lượng có tương xứng?; Trường CLC tạo sự phân biệt đối xử giàu nghèo, ảnh hưởng quyền bình đẳng học tập của HS... Những lo ngại này không phải không có căn cứ, bởi một số trường vẫn chưa đáp ứng đủ tiêu chí về cơ sở vật chất, giáo viên, đặc biệt là sĩ số HS/lớp/trường luôn cao. Một số chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, để triển khai thành công mô hình trường CLC cần có rất nhiều yếu tố làm nền tảng như chính trị, văn hóa, xã hội, luật pháp, chính sách, con người… Nếu thiếu những yếu tố này mà vẫn triển khai, có thể sẽ dẫn đến việc tư lợi và bóp méo mục tiêu của giáo dục.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Độ khẳng định, chủ trương xây dựng trường CLC ở Hà Nội là đúng và phù hợp với nhu cầu thực tế: "Nhu cầu hưởng thụ chất lượng giáo dục cao trong người dân là có. Một bộ phận người dân có thu nhập cao, có điều kiện cho con thụ hưởng mô hình giáo dục CLC, nên đã cho con học ở một số trường dân lập dịch vụ cao hoặc du học ở nước ngoài. Do vậy, việc xây dựng trường CLC là đáp ứng thực tiễn đó. Ngoài ra, yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới xác định giáo dục không chỉ làm nhiệm vụ phổ cập, xóa mù chữ mà còn xây dựng nền giáo dục tiên tiến, CLC (điều này đã được khẳng định trong Luật Thủ đô). Hà Nội xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, song cũng tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc: Chỉ phát triển trường CLC ở những nơi đã có đủ chỗ học cho HS và việc theo học là tự nguyện. HS tùy theo điều kiện có quyền quyết định lựa chọn mô hình học phù hợp".

Ông Độ cũng thừa nhận, thời gian đầu thực hiện gặp không ít khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của HĐND, UBND TP và sự vào cuộc của các cấp, ngành, bước đầu đã có được kết quả nhất định. Đến thời điểm này, 4 trong số 18 trường thực hiện thí điểm đã được công nhận trường CLC: Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, trường THPT Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm), trường Mầm non đô thị Sài Đồng (quận Long Biên) và trường Mầm non 20 - 10 (quận Hoàn Kiếm). Để nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội, đặc biệt trong việc bảo đảm quyền lợi học tập của mọi HS, ngoài khâu tuyên truyền, Hà Nội đã tuân thủ đúng các nguyên tắc đặt ra, trong đó, không để xảy ra bức xúc về tình trạng thiếu chỗ học nơi có mô hình trường CLC.

Mục tiêu mà Hà Nội đặt ra trong năm 2015 là có thêm 30 - 35 trường CLC, song mục tiêu giữ vững chất lượng trường CLC đã được công nhận cũng song hành. "Không phải cứ được "đóng dấu" CLC rồi thì các trường mặc nhiên áp mức phí cao mà thu. Quy trình "hậu kiểm" đã được định rõ theo chu kỳ 4 - 5 năm (tùy theo cấp học), giữa các chu kỳ, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra, thanh tra đột xuất, đơn vị nào vi phạm sẽ bị "tuýt còi" và bị thu hồi quyết định công nhận trường CLC" - ông Độ quả quyết. Việc chặt chẽ khâu hậu kiểm này sẽ "áp" các trường không ngừng nỗ lực về mọi mặt để phát triển, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, đồng thời tạo ra những "sản phẩm" giáo dục có chất lượng toàn diện đáp ứng nguồn nhân lực CLC cho xã hội.