Những trụ cột trong chính sách của tân Thủ tướng Nhật Bản tương lai

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới quan sát nhận định, cuộc bầu cử tại Nhật Bản sẽ quyết định "lãnh đạo của trật tự tự do ở châu Á".

Ngày 29/9, hãng tin AFP đưa tin ông Fumio Kishida đã chiến thắng vòng bỏ phiếu thứ hai để trở thành chủ tịch Đảng LDP, đánh bại ứng viên thứ 2 là Bộ trưởng phụ trách vaccine Taro Kono. Ông Kishida dự kiến sẽ được bầu làm thủ tướng trong phiên họp quốc hội bắt đầu ngày 4/10.
Cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida nổi tiếng trong khả năng “xây dựng sự đồng thuận”. Theo The Guardian, chính trị gia 64 tuổi sẽ lãnh đạo đảng LDP tiến hành cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 11, đồng thời đối diện với đại dịch Covid-19 vẫn chưa hết nguy cơ tiềm ẩn, cũng như lèo lái nền kinh tế đang vật lộn trước những tác động của đại dịch.
 Ông Fumio Kishida gần như chắc chắn sẽ là Thủ tướng Nhật Bản. Ảnh: Reuters. 
Ông Michael Green, phó chủ tịch phụ trách châu Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế đặt tại Washington (Mỹ), nhận định cuộc bầu cử sẽ quyết định "lãnh đạo của trật tự tự do ở châu Á". Trong khi đó, Yu Uchiyama - Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tokyo, cho biết cuộc bỏ phiếu hôm 29/9 là một cuộc thử nghiệm về sự sẵn sàng của LDP để thoát ra khỏi cái bóng của cựu Thủ tướng Shinzo Abe. 
Dưới đây là một số quan điểm của ông Kishida về các chính sách quan trọng:
Kinh tế
Ông Kishida từng khẳng định, nếu trở thành thủ tướng, sẽ củng cố tài khóa như trụ cột chính trong chính sách kinh tế. Cựu ngoại trưởng từng bày tỏ sự nghi ngờ chính sách nới lỏng của Ngân hàng T.Ư Nhật Bản (BOJ) khi vào năm 2018, khi cho rằng các biện  pháp kích thích kinh tế không thể kéo dài mãi. Với việc nền kinh tế đang hứng chịu đại dịch, ông Kishida thay đổi quan điểm trên khi nói rằng BOJ phải duy trì các gói kích thích lớn. 
Ông đề xuất gói chi tiêu hơn 30 nghìn tỷ Yen, bổ sung rằng Nhật Bản có khả năng sẽ không tăng thuế suất bán hàng từ 10% "trong khoảng một thập kỷ". Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải phân phối nhiều của cải hơn cho các hộ gia đình, trái ngược với trọng tâm của các chính sách "Abenomics" của cựu Thủ tướng Shinzo Abe là thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp với hy vọng lợi ích sẽ giảm xuống cho những người làm công ăn lương.
Ngoại giao, an ninh
Tân lãnh đạo đảng LDP tin rằng Nhật Bản, với sự hợp tác của Mỹ và các quốc gia cùng chí hướng khác, nên đứng vững trước sự trỗi dậy ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
"Để bảo vệ các giá trị phổ quát như tự do, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền, chúng ta cần kiên quyết nói những điều cần nói trước sự gia tăng ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, đồng thời hợp tác với các nước có chung các giá trị đó ", ông Kishida chia sẻ hồi tháng 9.
Ông cũng có kế hoạch tăng cường khả năng của lực lượng bảo vệ bờ biển, vì Nhật Bản vẫn đối đầu với Trung Quốc trong tuyên bố chủ quyền một nhóm các đảo ở Biển Hoa Đông.
Ông cũng hoan nghênh nỗ lực của Đài Loan tham gia Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Năng lượng, biến đổi khí hậu
Thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 đã làm tổn hại nghiêm trọng lòng tin của công chúng đối với năng lượng hạt nhân, nhưng ông Kishida tin rằng đây vẫn nên là một lựa chọn năng lượng để đảm bảo nguồn điện ổn định và giá cả phải chăng.
Nhật Bản đang phấn đấu đạt được mục tiêu trở thành xã hội trung hòa carbon vào năm 2050 và việc giảm mạnh sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch là điều không thể tránh khỏi.
"Tôi nghĩ rằng năng lượng tái tạo là quan trọng. Nhưng liệu chỉ dựa vào năng lượng tái tạo có đủ tốt hay không, tôi tin rằng chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng các lựa chọn khác, như hydro, các cơ sở hạt nhân nhỏ và phản ứng tổng hợp hạt nhân", ông Kishida bày tỏ.
Ứng phó với Covid-19
Giữa những chỉ trích rằng có quá nhiều cơ quan chịu trách nhiệm về các biện pháp chống virus corona, ông Kishida dự kiến sẽ giao một cơ quan chính phủ mới đóng vai trò chỉ huy ứng phó đại dịch. Tân lãnh đạo đảng LDP coi việc nghiên cứu thuốc và tiêm chủng trên diện rộng là chìa khóa để đưa cuộc sống trở lại bình thường.