Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những vùng sản xuất nông nghiệp nào có nguy cơ bị hạn hán trong tháng 6/2023?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 5/2023, lượng mưa thấp tại nhiều tỉnh, TP khiến mực nước các hồ chứa đạt mức rất thấp. Nhiều diện tích canh tác nông nghiệp trên cả nước đứng trước nguy cơ hạn hán, thiếu nước trong tháng 6/2023, nhất là tại các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Trị, Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên…

Lượng mưa thiếu hụt, dung tích hồ chứa hạ thấp

Số liệu từ Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong tháng 5/2023, lượng mưa tại khu vực miền núi phía Bắc phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ khoảng 50-70%. Tương tự, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội), lượng mưa cũng phổ biến thấp hơn TBNN cùng kỳ khoảng 40-60%.

Tình trạng lượng mưa thấp hơn TBNN cùng thời kỳ cũng được ghi nhận tại khu vực Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, mức độ thiếu hụt thấp hơn so với các khu vực phía Bắc, Trung du  và Đồng bằng Bắc Bộ.

Tình trạng thiếu hụt nguồn nước khiến nhiều công trình Thủy lợi không thể vận hành.
Tình trạng thiếu hụt nguồn nước khiến nhiều công trình Thủy lợi không thể vận hành.

Cũng theo Cục Thủy lợi, tại khu vực miền núi phía Bắc, dung tích trữ các hồ chứa thủy lợi hiện đạt 20-68% dung tích thiết kế (DTTK), thấp hơn so với TBNN và cùng kỳ các năm 2020-2022 từ 26-36%. Trong khi tại khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, dung tích trữ các hồ chứa từ 25-72% DTTK, thấp hơn so với TBNN và thấp hơn cùng kỳ năm 2020-2022 từ 19-21%.

Tương tự tại khu vực Bắc Trung Bộ, dung tích các hồ chứa thủy lợi hiện đạt từ 44-76% DTTK, thấp hơn 8% so với cùng kỳ năm 2022. Khu vực Nam Trung Bộ, dung tích toàn bộ các hồ chứa thủy lợi hiện đạt từ 44%-85% DTTK, trung bình giảm khoảng 6% so với tháng trước.

Tại khu vực Tây Nguyên, số liệu của Cục Thủy lợi cho thấy, dung tích toàn bộ các hồ chứa thủy lợi hiện đạt từ 32%-51% DTTK, thấp hơn 5% so với TBNN, trung bình ở mức tương đương so với kỳ trước. Tại khu vực Đông Nam Bộ, hiện tại dung tích trữ các hồ chứa thủy lợi đạt từ 28-64% DTTK, thấp hơn khoảng 3% so với TBNN, thấp hơn từ 1-12% so với giai đoạn 2018-2022.

Nhiều diện tích nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng

 

Theo số liệu của Cục Thủy lợi, dung tích bình quân của các hồ chứa Thủy lợi tại Hà Nội hiện chỉ đạt 25% so với thiết kế. Dự kiến đến cuối tháng 6/2023, mực nước các hồ chứa có thể đạt 59% DTTK, tuỳ vào lượng mưa.

Theo thống kê của Cục Thủy lợi, trong tháng 5/2023, do nắng nóng kéo dài, lượng mưa thiếu hụt dẫn đến 190ha lúa và hoa màu không gieo trồng được tại tỉnh Cao Bằng, và 50ha diện tích gieo trồng bị thiếu nước tại tỉnh Lào Cai. Hiện nay tại nhiều địa phương vẫn có nguy cơ hạn hán, thiếu nước cao. 

Cụ thể tại khu vực Bắc Trung Bộ, với tình hình nguồn nước như vậy, vụ Hè Thu-Mùa 2023 cơ bản các hồ đáp ứng được nhu cầu cấp nước. Tuy nhiên, thời điểm cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài một số vùng có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phải triển khai giải pháp ứng phó cho 9.500-14.000ha canh tác.

Diện tích có nguy cơ thiếu nước cụ thể là: Thanh Hóa 3.000-5.000ha, Nghệ An 5.000-6.000ha, Hà Tĩnh 300ha; Quảng Bình 100-600ha; Quảng Trị 1.000-2.000ha; Thừa Thiên Huế 100ha. Cục Thủy lợi khuyến cáo đối với các diện tích này, cần tăng cường giải pháp thủy lợi như bơm dã chiến, đắp đập tạm, nạo vét kênh mương, tưới tiết kiệm nước; đồng thời theo dõi và phối hợp chặt chẽ với nhà máy thủy điện xả nước để bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất. 

Mực nước hồ chứa Thủy lợi Ba Cơi (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) đang xuống thấp.
Mực nước hồ chứa Thủy lợi Ba Cơi (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) đang xuống thấp.

Hiện tại trên địa bàn các tỉnh vùng Nam Trung Bộ đã kết thúc vụ Đông Xuân 2022-2023. Vụ Hè Thu 2023, tổng diện tích sản xuất toàn vùng khoảng 350.300ha lúa, hoa màu và cây hàng năm khác. Cục Thủy lợi đánh giá nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn với tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng 3.000-5.000ha trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Tại khu vực Tây Nguyên, hiện tại các địa phương trong vùng đã cơ bản thu hoạch xong lúa vụ Đông Xuân 2022-2023. Vụ Mùa 2023, toàn vùng dự kiến bố trí gieo trồng khoảng 431.000ha cây trồng hàng năm và khoảng 855.000ha cây công nghiệp dài ngày.

Trong vùng đang bước vào thời kỳ mùa mưa, do đó nguồn nước sẽ cơ bản đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt từ nay đến cuối năm 2023. Tuy nhiên nguy cơ thiếu nước cục bộ vẫn có thể xảy ra tại những vùng mùa mưa đến muộn hơn như huyện Krông Pa, Phú Thiện, Ayun Pa (Gia Lai); Huyện M’Đrăk, Ea Soup, Ea Kar, Krông Pắk (Đắk Lắk).

Cũng theo Cục Thủy lợi, tại khu vực Đông Nam Bộ, hiện tại đang bước vào mùa mưa, dự báo dung tích trữ trung bình các hồ chứa đến cuối tháng 6/2023 đạt khoảng 42% DTTK. Với lượng nước trữ của các hồ chứa hiện tại và lượng mưa dự báo trong thời gian tới đây thì nguồn nước cơ bản đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu 2023.

Tuy nhiên, Cục Thủy lợi khuyến cáo các địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, xây dựng phương án phòng, chống úng, ngập, đề phòng ngập úng cục bộ do mưa; bảo đảm chủ động ứng phó, bảo vệ sản xuất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với những diện tích mới gieo sạ...