Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ninh Bình sắp cán đích nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025

Tâm Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Ninh Bình sắp cán đích giai đoạn 2021-2025 khi 100% số xã đã đạt chuẩn, có 8/8 huyện/thành phố lần lượt về đích.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ tỉnh sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ đầu năm 2022, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 321/QĐ-TTg về việc quy định tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Ninh Bình đã thông qua Đề án xây dựng NTM tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Huyện Yên Khánh có 18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 12/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Huyện Yên Khánh có 18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 12/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đến nay, tỉnh Ninh Bình luôn ở trong top đầu cả nước về xây dựng NTM với rất nhiều dấu ấn. Cơ sở hạ tầng, bức tranh nông thôn có nhiều đổi thay tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Các tiêu chí NTM lần lượt được củng cố, hoàn thiện và nâng chất.

Tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn và được rà soát đạt chuẩn 19/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025; có 54,6% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20,2% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và trên 600 thôn, xóm, bản được công nhận đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. 8/8 huyện, thành phố lần lượt đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó huyện Yên Khánh đã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Còn với huyện Yên Mô, tỉnh cũng đã trình hồ sơ đề nghị Trung ương thẩm định.

Toàn tỉnh có 187 sản phẩm OCOP gồm 69 sản phẩm 4 sao và 118 sản phẩm 3 sao. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, góp phần đưa các sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương đến với các thị trường mới tiềm năng.

Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều loại hình, mô hình du lịch nông thôn, du lịch làng nghề phát triển mạnh mẽ gắn với các điểm, trung tâm du lịch lớn của tỉnh... góp phần nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững.

Cơ sở hạ tầng, bức tranh nông thôn Ninh Bình có nhiều đổi thay tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Cơ sở hạ tầng, bức tranh nông thôn Ninh Bình có nhiều đổi thay tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, Bộ tiêu chí tỉnh NTM giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ có 8 yêu cầu. Thời điểm này, Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành 7/8 yêu cầu. Duy nhất chỉ có một yêu cầu về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) là tỉnh chưa đạt.

Thực tế đây là một khó khăn chung, không riêng gì Ninh Bình mà nhiều địa phương khác cũng đang gặp phải. Nguyên nhân là do có sự thay đổi về cách tính toán, lấy mẫu, điều tra, thống kê số liệu. Năm 2023, chỉ số SIPAS trung bình cả nước là 82,66%, còn Ninh Bình là 82,71%, trong khi yêu cầu là trên 90%. Do vậy, Bộ Nội vụ và đa số các tỉnh, thành phố đều đề nghị xem xét, điều chỉnh “đạt từ 90% trở lên” còn “đạt từ 80% trở lên” để đảm bảo việc đánh giá kết quả thực hiện xây dựng NTM chặt chẽ và phù hợp với thực tế.

Bà Lan Anh cho biết, trong khi chờ Trung ương tháo gỡ, khơi thông điểm nghẽn này, Văn phòng điều phối NTM tỉnh vẫn đang gấp rút phối hợp với các ngành, địa phương tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu từ đó xây dựng hồ sơ báo cáo kết quả xây dựng NTM của tỉnh từ khi bắt đầu triển khai năm 2010 đến nay, phấn đấu hoàn thành trình Trung ương trong quý I/2025. Có thể thấy, mục tiêu trở thành một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 đang ngày càng đến gần với Ninh Bình.

Trong năm 2025, tỉnh phấn đấu có thêm huyện Gia Viễn được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; triển khai rà soát, công nhận lại mức độ đạt chuẩn đối với các xã và thành phố Hoa Lư sau khi hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025; phấn đấu công nhận thêm ít nhất 7 xã NTM nâng cao, 5 xã NTM kiểu mẫu.