Ninh Bình: xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm

Quán triệt và triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh và Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an về tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh đã chủ động tham mưu Giám đốc Công an tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch chỉ đạo lực lượng Công an toàn tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2024 với nhiều nội dung, biện pháp phù hợp với tình hình thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở và các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, hộ kinh doanh và các tầng lớp nhân dân tự giác thực hiện, đồng thời cảnh giác trước các loại hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Chủ động phối hợp với các ngành chức năng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn, qua đó phát hiện, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm; không để thực phẩm bẩn ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Cũng trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường nắm chắc tình hình, phối hợp rà soát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; các điểm tập kết hàng hóa, thu mua chế biến; các điểm chợ; kho hàng đông lạnh; bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, trường học; nhà hàng, quán ăn.
Qua đó đã phát hiện, xử lý 5 vụ, 5 cá nhân vi phạm về kinh doanh, vận chuyển sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định, kinh doanh thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ và vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm trong chế biến, sản xuất, kinh doanh; xử phạt hành chính với tổng số tiền 42,5 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số tang vật đã vi phạm.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các cơ quan chức năng tổng kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong thời điểm mùa du lịch nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn thực phẩm cho người dân và du khách.
Những nỗ lực trên đã góp phần đảm bảo tốt an ninh trật tự, ổn định thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.
Hà Nội phấn đấu giảm 10% mẫu nông sản vi phạm an toàn thực phẩm
Kinhtedothi - Trong năm 2024, Hà Nội sẽ thực hiện giám sát diện rộng về chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản; phấn đấu tỷ lệ mẫu nông lâm thuỷ sản được giám sát vi phạm quy định về an toàn thực phẩm giảm 10% so với năm 2023.

Quận Thanh Xuân triển khai phong trào thi đua “an toàn thực phẩm” năm 2024
Kinhtedothi - Hội đồng Thi đua - Khen thưởng quận Thanh Xuân đã ban hành kế hoạch về tổ chức phong trào thi đua “an toàn thực phẩm” (ATTP) trên địa bàn quận năm 2024.

Báo động mất an toàn thực phẩm
Kinhtedothi-Thời gian qua, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn, gần nhất là vụ ngộ độc do ăn bánh mì ở Đồng Nai khiến hơn 500 người phải nhập viện, cho thấy an toàn thực phẩm (ATTP) luôn là vấn đề rất nóng và phức tạp, gây lo ngại trong Nhân dân.