Chỉ số PAPI năm 2021 của Hà Nội:

Nỗ lực cải thiện hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ địa phương có điểm Chỉ số PAPI thấp, TP Hà Nội vươn lên xếp thứ 9, lọt top 15 tỉnh, TP có điểm cao nhất cả nước. Điều đó cho thấy nỗ lực vượt bậc của chính quyền TP trong việc cải thiện chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công cho người dân. 

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa UBND phường Hàng  Bài. Ảnh: Công Thọ.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa UBND phường Hàng Bài. Ảnh: Công Thọ.

Những con số biết nói

Kết quả Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2021 cho thấy, Chỉ số PAPI năm 2021 của Hà Nội có sự cải thiện rõ rệt.

Cụ thể, tổng số điểm chỉ số PAPI năm 2021 của Hà Nội đạt 44,45 điểm. Đặc biệt, 3 chỉ số nội dung nằm trong nhóm cao nhất là “công khai, minh bạch”, “thủ tục hành chính công”, “quản trị điện tử”; trong đó “quản trị điện tử” là chỉ số nội dung cao nhất cả nước. Cần nhấn mạnh rằng, năm 2020 không có chỉ số nội dung nào của Hà Nội thuộc nhóm cao nhất.

Cụ thể về các chỉ số nội dung của Hà Nội gồm: Chỉ số “tham gia của người dân ở cấp cơ sở” đạt 5,01/10 điểm; “công khai, minh bạch” đạt 5,93/10 điểm; “trách nhiệm giải trình với người dân” đạt 4,33/10 điểm; “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt 7,08/10 điểm; “thủ tục hành chính công” đạt 7,54/10 điểm; “cung ứng dịch vụ công” đạt 7,79/10 điểm; “quản trị môi trường” đạt 3,16/10 điểm; “quản trị điện tử" đạt 3,61/10 điểm.

Chỉ số PAPI cấp tỉnh năm 2021 của TP Hà Nội. 
Chỉ số PAPI cấp tỉnh năm 2021 của TP Hà Nội. 

Năm 2021, Hà Nội cũng không còn nhóm chỉ số nội dung nào nằm trong nhóm điểm trung bình thấp (năm 2020 có 4 chỉ số nội dung nằm trong nhóm này); có 4 chỉ số nội dung nằm trong nhóm trung bình cao là “tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “trách nhiệm giải trình với người dân”, “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “cung ứng dịch vụ công” (năm 2020 có 2 chỉ số). TP cũng có sự chuyển biến tích cực khi chỉ còn 1 chỉ số nội dung “quản trị môi trường” nằm trong nhóm điểm thấp nhất.

Những con số “biết nói” trên đã thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của Hà Nội trong cải thiện điểm tổng hợp chỉ số PAPI, cũng như các chỉ số nội dung. Từ xếp thứ 48 năm 2020, Hà Nội đã vươn lên xếp thứ 9 năm 2021 trong các tỉnh, thành phố trên cả nước được xếp hạng Chỉ số PAPI. Với kết quả này, Hà Nội nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có điểm tổng hợp chỉ số PAPI cao nhất.

Tập trung giải pháp hướng về cơ sở, phục vụ người dân

Năm 2021, UBND TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chỉ số PAPI. Trong Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền TP, đặc biệt là cấp cơ sở; tăng ít nhất 5 bậc so với năm 2020. Để đạt được mục tiêu đó, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu Kế hoạch phải được triển khai rộng khắp gắn với thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của các ở các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương của TP. Đối với các chỉ số nội dung, nội dung thành phần thuộc Chỉ số PAPI giao cho một số cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu, theo dõi.

Với các chỉ số nội dung và nội dung thành phần bị giảm điểm so với năm trước, lãnh đạo TP yêu cầu Giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành: Tài chính, TT&TT, TN&MT, Xây dựng, Công Thương, GTVT, Văn phòng UBND TP chịu trách nhiệm chủ trì, tập trung phân tích sâu về nguyên nhân. Đồng thời đề xuất giải pháp quyết liệt, cụ thể nhằm cải thiện căn bản điểm số năm 2021.

Biểu đồ chỉ số thành phần Chỉ số PAPI năm 2021 của TP Hà Nội. 
Biểu đồ chỉ số thành phần Chỉ số PAPI năm 2021 của TP Hà Nội. 

Đáng chú ý, năm 2021, TP Hà Nội đã rà soát 550 thủ tục và thông qua phương án đơn giản hóa 177 thủ tục hành chính, phê duyệt 1.754 quy trình giải quyết nội bộ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Trong năm 2021, Đoàn kiểm tra công vụ TP đã có 536 cuộc kiểm tra, tái kiểm tra, trong đó lồng ghép các nội dung liên quan đến Chỉ số PAPI.

Là địa phương được triển khai khảo sát Chỉ số PAPI, quận Hoàn Kiếm là đơn vị có nhiều mô hình sáng tạo trong cải cách hành chính. Trong đó, điển hình là sáng kiến thí điểm 5 thủ tục hành chính không chờ của phường Hàng Bài. Sau 8 tháng thí điểm, 1.800/4.000 hồ sơ được thực hiện theo mô hình thủ tục không chờ, chiếm 44,9%. Với tỷ lệ trên, việc giải quyết số lượng hồ sơ lớn đã rút ngắn thời gian đi lại, chờ đợi của công dân, giảm thời gian giải quyết thủ tục từ nửa ngày đến một ngày xuống còn 15 phút. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, hiện nay, quận Hoàn Kiếm đã triển khai mô hình này đồng loạt trên 18 phường với quy trình thực hiện thống nhất

Nhằm tạo thuận lợi cho công dân khi đến thực hiện các thủ tục hành chính, quận Hà Đông triển khai hệ thống nhận diện khuôn mặt trong lấy số để thay thế việc xếp hàng lấy phiếu theo công nghệ cũ tại bộ phận Một cửa của UBND quận. Điểm khác biệt của hệ thống là công dân không cần chạm vào máy để lấy số thứ tự, chỉ cần đứng trước máy lựa chọn lĩnh vực là tự động nhận diện khuôn mặt và dữ liệu của giao dịch được lưu trữ. Các thông tin về căn cước công dân, dữ liệu công dân cũng được lưu trữ vào cơ sở dữ liệu khách hàng để quản lý thông tin của người giao dịch. Hệ thống cũng tự động nhận diện thông tin ở lần giao dịch sau, giúp việc giao dịch của công dân được nhanh chóng hơn.

Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền, là uy tín của chính quyền với người dân, theo Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà: TP Hà Nội sẽ xây dựng mô hình mẫu “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại các cấp của thành phố Hà Nội”. Tập trung vào đầu tư trang thiết bị và vận hành, từ đó xem xét, xây dựng lộ trình phân cấp đầu tư, nâng cấp và thực hiện thống nhất trên toàn TP.

Nhiều dư địa để tiếp tục cải thiện

Theo chuyên gia nhận định, Chỉ số PAPI năm 2021 của Hà Nội là 44,45 điểm/80 điểm, tức là dư địa để đổi mới, cải cách còn lớn. Vì vậy, TP Hà Nội cần nhìn sâu vào từng chỉ tiêu để đề ra giải pháp và tiếp tục phấn đấu cải thiện hơn nữa trong năm tiếp theo.

Các cấp, ngành, địa phương cần triển khai những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện hiệu quả những nội dung trong tiêu chí đánh giá của Chỉ số PAPI. Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm và chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, chú trọng vào chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các nội dung của Chỉ số PAPI, trong đó tập trung vào nội dung công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình với người dân, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm, thiếu sót.

Tại cấp cơ sở, phát huy hơn nữa vai trò giám sát của HĐND, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng Nhân dân; tăng cường các hình thức nắm thông tin, nắm bắt ý kiến đánh giá của người dân đối với hoạt động của chính quyền địa phương. Nghiêm túc thực hiện quy định về đối thoại giữa chính quyền và Nhân dân, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân tham gia công tác xây dựng chính quyền, tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

 

“Công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá luôn được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, coi đó là động lực then chốt nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh.