Điều này, phản ánh nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp ngành từ TP đến cơ sở và là tiền đề cho những năm tiếp theo.
Chuyển biến mạnh nhất trong cải cách thủ tục
Hà Nội đạt Chỉ số CCHC năm 2014 là 91,21%, được xếp vào nhóm tỉnh, TP dẫn đầu cả nước. Đáng chú ý, chỉ số này đã có sự cải thiện theo từng năm, trong đó, Bộ Nội vụ đánh giá Thủ đô đạt cao nhất trong các địa phương; còn về điều tra xã hội học, Hà Nội được người dân, DN và cơ quan Nhà nước xếp thứ 5/63 tỉnh, thành.
Trong 8 lĩnh vực tương ứng 8 chỉ số thành phần (CSTP) được chấm điểm, đáng chú ý, chỉ số “Cải cách TTHC” của Hà Nội đạt tối đa 100%. Cùng với đó, lĩnh vực Chỉ đạo điều hành CCHC của Hà Nội năm 2014 cũng đạt tới 96,56%, đứng thứ 5/63 và tăng đáng kể so với hai năm trước, cho thấy TP đã có giải pháp khắc phục được tồn tại về xử lý các vấn đề phát hiện qua kiểm tra công tác CCHC. Hà Nội cũng được người dân đánh giá cao về chất lượng ban hành văn bản chỉ đạo, bố trí nguồn lực, tuyên truyền CCHC… Bên cạnh đó, lĩnh vực xây dựng - tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của Thủ đô cũng đứng đầu cả nước, với 96,46%, trong khi năm 2012 đứng thứ 58/63 và năm 2013 đứng thứ 41/63. Có được kết quả này một phần do TP đã khắc phục triệt để những nội dung tồn tại trước đây như “mức độ thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm”, “xử lý các vấn đề phát hiện qua kiểm tra”...
Giải pháp đột phá nâng cao chất lượng đội ngũ
Trong khi nhiều CSTP tăng điểm, xếp cao so với các tỉnh, thành khác thì Hà Nội vẫn có một lĩnh vực CCHC năm 2014 cải thiện không nhiều, đó là “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC)”. Chỉ số này chỉ đạt 70,96%, xếp thứ 27/63 (trong khi năm 2013 xếp thứ 7 và năm 2012 thứ 5/63). Trong đó, 5 tiêu chí thành phần không được Bộ Nội vụ chấm điểm tối đa là: Xác định cơ cấu CC, VC theo vị trí việc làm; tỷ lệ cơ quan chuyên môn bố trí CC theo đúng vị trí việc làm và ngạch CC; tỷ lệ đơn vị sự nghiệp công lập bố trí VC theo đúng vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp; ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CC hàng năm; thực hiện thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo cấp sở và tương đương trở xuống.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, 3 năm liên tiếp, các tiêu chí thành phần này của Hà Nội chưa cải thiện, chưa có giải pháp hữu hiệu khắc phục tồn tại của những năm trước. Dù người dân và DN đã đánh giá cao hơn về tinh thần trách nhiệm, không lợi dụng quyền hạn để trục lợi cá nhân của CC TP, song vẫn có một số tiêu chí chưa đạt điểm cao là: Năng lực chuyên môn, thái độ phục vụ của công chức… Đặc biệt, lãnh đạo UBND TP nhận định, một nguyên nhân quan trọng là “Đề án xác định cơ cấu CC, VC theo vị trí việc làm” dù đang được triển khai, nhưng chưa đạt yêu cầu. Để khắc phục tồn tại, Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan cần giúp TP khẩn trương hoàn thành Đề án này, đề nghị Bộ Nội vụ phê duyệt, sớm có văn bản hướng dẫn.
“Nhằm duy trì, cải thiện Chỉ số CCHC, trước tiên TP cần nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, VC, điều này đòi hỏi sớm có nhiều giải pháp đồng bộ, đột phá” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh. Các sở, ngành, đơn vị liên quan khắc phục ngay việc ban hành muộn và thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ, đề án của TP phải đảm bảo chất lượng; nhất là về cơ cấu CC, VC theo vị trí việc làm và thi tuyển chức danh lãnh đạo. Đồng thời, các đơn vị chú trọng nâng cao năng lực, nhận thức, thái độ ứng xử của đội ngũ CB, CC, VC tiếp dân và tiếp nhận, giải quyết TTHC; tăng cường thanh, kiểm tra CCHC.
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Thanh Xuân.
|