Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực thu hút đầu tư và tham gia chuỗi của công nghiệp hỗ trợ

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã, đang và sẽ nhận được nhiều sự quan tâm từ các đối tác. Song tác động của nền kinh tế khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, buộc phải nỗ lực, có chiến lược và cơ chế để thích ứng…

Tận dụng giao thương 

Báo cáo của Bộ Công Thương chỉ ra, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng lên 48,7 điểm trong tháng 7 (so với mức 46,2 điểm của tháng 6; 45,3 của tháng 5 và 46,7 điểm của tháng 4), cho thấy những tín hiệu tích cực khi sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm giảm chậm hơn.

Giới thiệu sản phẩm tại SIE 2023. Ảnh: Khắc Kiên
Giới thiệu sản phẩm tại SIE 2023. Ảnh: Khắc Kiên

Do vậy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 khởi sắc hơn, tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ. Song, do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu nên tính chung 7 tháng năm 2023, IIP toàn ngành ước giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,6%).

Kết quả trên có được một phần từ sự chủ động trong chiến lược kinh doanh, một phần nhờ những nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong đó không thể phủ nhận sự hỗ trợ của các cơ quan quốc tế. Đơn cử phía Nhật Bản có Quỹ tài trợ của JETRO đang hỗ trợ cho việc thành lập các nhà máy sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản nhằm củng cố chuỗi cung ứng; Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đang hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam…

Giới thiệu sản phẩm tại SIE 2023. Ảnh: Khắc Kiên  
Giới thiệu sản phẩm tại SIE 2023. Ảnh: Khắc Kiên  

Phó Chủ tịch cấp cao Khối Thương mại - Khu vực Asia Pacific, Ban lãnh đạo Tập đoàn RELX (Singapore) Yip Je Choong - đại diện RX Tradex Vietnam thẳng thắn, “triển lãm kép” gồm “Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản” (SIE) lần thứ 10 và “Triển lãm công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam” (VME) lần thứ 14 mới đây là cơ hội gặp gỡ, hỗ trợ sự liên kết giữa các nhà sản xuất phụ tùng, công ty trong ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và những lĩnh vực sản xuất có liên quan. Đồng thời thúc đẩy ngành sản xuất, chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.

Từ thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, theo ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện JETRO, khó khăn của doanh nghiệp Nhật Bản là chất lượng các nhà cung cấp còn yếu. Nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa trên 50% nhưng vấn đề gặp phải là giá thành, chính vì thế họ cần tìm kiếm những nhà cung cấp chất lượng và cạnh tranh về giá.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc điều hành Công ty TDI Electronics Yoko Kojima cho hay, để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, ngoài việc cần có những chính sách ưu đãi về thuế, linh hoạt trong điều hành môi trường kinh doanh thì các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng.

Về vấn đề công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể được doanh nghiệp Nhật Bản chuyển giao. Nhưng điều quan trọng là “chữ tín”, vì nhiều doanh nghiệp không giao hàng đúng hẹn, đột ngột hủy đơn hàng hoặc tăng – giảm giá… gây nhiều khó khăn cho đối tác.

Cầu nối vượt khó

Đối diện nhiều khó khăn, thách thức với sự sụt giảm các đơn hàng, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các đối tác. Do đó, việc nâng cao kỹ thuật, tăng cường quản lý chất lượng… đang là vấn đề được các doanh nghiệp trong nước quan tâm để tăng cơ hội hợp tác, kinh doanh.

Ảnh: Khắc Kiên
Ảnh: Khắc Kiên

Để làm được điều đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang thay đổi để tận dụng mọi cơ hội kinh doanh, nhất là trong bối cảnh đơn hàng và thị trường còn nhiều khó khăn như hiện nay. Nhiều chuyên gia quốc tế đã nhận định, những năm qua, Việt Nam ngày càng nâng cao vị thế trong ngành công nghiệp sản xuất chế tạo. 

Theo Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghệ Việt Nam (INTECH) Nguyễn Khắc Dũng, doanh nghiệp đã thực hiện nhiều cải tiến, đầu tư trang thiết bị để thỏa mãn các yêu cầu khắt khe về chất lượng và thấu hiểu khách hàng, từ đó đáp ứng được đơn hàng cho những đối tác Nhật Bản và đủ điều kiện để tiến tới các thị trường khó tính như Mỹ, Canada…

“Trước những thực tế của thị trường, doanh nghiệp cũng liên tục có sự thay đổi tư duy, luôn đề cao chính sách chất lượng và “không ngồi chờ” khách hàng mà chủ động xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng” – vị này thông tin.

Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Công nghệ PMA Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh, vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu rõ yêu cầu của đối tác và thị trường để đầu tư đúng và có những thay đổi phù hợp.

Trong khi đó, là doanh nghiệp đến từ Đức, Tổng giám đốc Công ty TNHH IGUS Việt Nam Trần Nhật Tân cho hay, doanh nghiệp đã dần thay đổi từ việc cung cấp các linh/phụ kiện rời rạc sang mang đến những giải pháp tích hợp thành hệ thống tự động hóa. Điều này sẽ giúp khách hàng tối ưu chi phí cũng như dễ tiếp cận công nghệ hiện đại hơn.

Đứng trước đòi hỏi ngày càng cao, đại diện các doanh nghiệp Việt đều khẳng định bản thân nỗ lực vượt qua thách thức để vươn lên; đồng thời mong muốn cơ quan chức năng kịp thời điều chỉnh những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài để đảm bảo dòng vốn FDI có chọn lọc, ưu tiên công nghệ tiên tiến, bền vững, có sức lan toả cho nền kinh tế.