Nỗ lực xây dựng “công dân số” từ công tác truyền thông

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Để triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ một cách hiệu quả, đúng tiến độ, công tác truyền thông nhằm thúc đẩy người dân thực hiện dịch vụ công, bằng hình thức trực tuyến được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Các thành viên của "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà" đầu tiên tại Hà Nội trao đổi nghiệp vụ và các phương án tiếp cận, hỗ trợ người dân. Ảnh: Trung Nguyên.
Các thành viên của "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà" đầu tiên tại Hà Nội trao đổi nghiệp vụ và các phương án tiếp cận, hỗ trợ người dân. Ảnh: Trung Nguyên.

Nhận thức được điều đó, chính quyền các cấp, ngành TP Hà Nội đang vào cuộc quyết liệt, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Hiệu quả từ truyền thông trực tiếp

Qua quá trình tiếp nhận hồ sợ tại bộ phận một cửa quận, huyện, phường, xã cho thấy, đa số người dân vẫn có tâm lý, thói quen thực hiện các thủ tục hành chính bằng hình thức nộp hồ sợ trực tiếp. Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ người dân có nhiều hạn chế khi tiếp cận với công nghệ thông tin và sử dụng máy tính.

Với mục tiêu thay đổi thói quen của người dân khi tiếp cận với các dịch vụ công và triển khai Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” vào thực tiễn cuộc sống, UBND phường Trúc Bạch, quận Ba Đình đã thí điểm mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” trên địa bàn phường.

Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy cho biết, phường thành lập 2 đội cơ động với thành phần gồm cán bộ, công chức của UBND phường, các tình nguyện viên là tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, cầm tay hướng dẫn từng người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến”, các thành viên Đội cơ động được trang bị máy tính xách tay, được tập huấn kỹ năng giao tiếp và được trang bị các kiến thức về dịch vụ công trực tuyến. Các thành viên trong Đội đã đến từng nhà các hộ dân trên địa bàn phường để hướng dẫn cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến, vận động người dân mở tài khoản định danh điện tử và tích hợp các thông tin vào căn cước công dân, các lợi ích khi sử dụng căn cước công dân gắn chip, cách phòng tránh những hình thức lừa đảo trên mạng xã hội, lừa đảo bằng công nghệ thông tin…                             

Quá trình thí điểm đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người dân. Tỷ lệ công dân mở tài khoản định danh điện tử và tích hợp các thông tin vào căn cước công dân của phường Trúc Bạch đạt 62,2%. Tỷ lệ hồ sơ đã thực hiện trên cổng dịch vụ công trực tuyến đạt 100% trên tổng số hồ sơ phường tiếp nhận, các hồ sơ đều được giải quyết đúng hạn và trước hạn.

“Với kết quả bước đầu trên, chúng tôi mạnh dạn nhân rộng mô hình, thành lập 8 Đội cơ động tại 8 tổ dân phố với nòng cốt là các bạn tình nguyện viên là thanh niên, công dân sinh sống trên địa bàn phường tham gia để nhiều người dân được tiếp cận nhanh hơn với dịch vụ công trực tuyến” – ông Nguyễn Dân Huy nói.

Các thành viên của Đội cơ động của phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) đến từng nhà hộ dân để tuyên truyền về sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Trung Nguyên. 
Các thành viên của Đội cơ động của phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) đến từng nhà hộ dân để tuyên truyền về sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Trung Nguyên. 

Tại huyện Thanh Trì, Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện Đề án 06 từ huyện đến 16 xã, thị trấn, có hơn 1.000 thành viên. Các thôn, tổ dân phố, các tổ công tác thường xuyên tuyên truyền bằng các hình thức tuyên truyền trực tiếp. Ngoài ra, tổ chức tuyên truyền các lợi ích của việc triển khai Đề án qua hệ thống Đài phát thanh huyện, Đài truyền thanh xã để từng người dân hiểu rõ và phối hợp thực hiện.

Huyện Thanh Trì cũng đã tổ chức tập huấn thực hiện Đề án 06 cho hơn 230 đại biểu là thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo Đề án 06 huyện và xã tham dự. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đề án 06 huyện Thanh Trì, huyện đã thu nhận hồ sơ xác thực định danh điện tử cho hơn 75.700 công dân, trong đó xác thực định danh điện tử cho hơn 6.000 học sinh (sinh năm 2004, 2007).

Là một quận đông dân và có nhiều trường Đại học, Cao đẳng, quận Cầu Giấy cũng rất chú trọng trong công tác tuyên truyền. Để triển khai hiệu quả Đề án 06, 100% cán bộ công chức, các tổ công tác Đề án 06 tại tổ dân cư đã được tập huấn nhuần nhuyễn. Quận Cầu Giấy đã chủ động phát tờ rơi hướng dẫn và đề nghị các chủ nhà trọ, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trí đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, UBND phường đăng các pano các nhóm Zalo, hướng dẫn người dân cách mở tài khoản và khai báo các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến.

Kết quả, sau hơn 2 tháng triển khai, đã có 850 công dân lập tài khoản tại điểm dịch vụ công trực tuyến; gần 4.000 hồ sơ thông báo lưu trú hộ gia đình; gần 160 hồ sơ đăng ký thường trú…

Để người dân thực sự hiểu được lợi ích của Đề án 06

Mặc dù tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến được nâng lên, nhưng tỷ lệ này chưa tương xứng với tình hình thực tế triển khai Đề án.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Đình Cường, một bộ phận người dân vẫn chưa thay đổi thói quen muốn lên trực tiếp cơ quan công an để làm thủ tục hành chính vì sợ thiếu giấy tờ phải bổ sung nên vẫn ngại làm qua cổng dịch vụ công. Đồng thời, khả năng sử dụng, thao tác trên các thiết bị điện tử của nhiều người còn hạn chế, dẫn đến số lượng người sử dụng dịch vụ chưa cao.

Hướng dẫn trực tiếp từng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến đang cho thấy đây là cách làm hiệu quả, được người dân phản hồi tích cực. Ảnh: Trung Nguyên. 
Hướng dẫn trực tiếp từng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến đang cho thấy đây là cách làm hiệu quả, được người dân phản hồi tích cực. Ảnh: Trung Nguyên. 

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do công tác tuyên truyền về nội dung này chưa mạnh mẽ, nên nhiều người dân chưa nắm được những tiện ích, quyền lợi được hưởng. Việc thanh toán trực tuyến khi thực hiện dịch vụ công còn một số khó khăn, vướng mắc, nhất là trường hợp trả lại kinh phí cho người dân khi thủ tục không thực hiện được. Giao diện đăng ký cho người dân khi đăng ký trên cổng thông tin còn phức tạp, nhiều trường thông tin gây khó khăn trong việc đăng ký. Do vậy, cần đơn giản hóa các thao tác tạo lập tài khoản cũng như giao diện đăng ký các thủ tục về đăng ký cư trú và cấp căn cước công dân để người dân nào cũng có thể thực hiện.

Điểm mấu chốt quyết định thành công của việc thực hiện triển khai mô hình Dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06 là ý thức của người dân, thay đổi từ việc sử dụng dịch vụ công trực tiếp tại các cơ quan hành chính sang sử dụng dịch vụ công trên cổng thông tin điện tử bằng điện thoại thông minh, máy tính hoặc tại các điểm dịch vụ công trực tuyến tại địa bàn dân cư.

 

“Với hình thức 1 người trực tiếp hướng dẫn 1 người, chúng tôi cho rằng, để thay đổi một thói quen, để người dân chấp nhận một cách thức tiếp cận mới với dịch vụ công, đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực, cố gắng. Nếu chúng ta không có “công dân số” thì sẽ không thể có “chính quyền điện tử”, không thể có “quốc gia số” – Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) Nguyễn Dân Huy.

Do vậy, việc truyền thông, hướng dẫn trực tiếp đến từng hộ gia đình của tổ công tác Đề án 06 khu dân cư và lực lượng Cảnh sát khu vực là vô cùng quan trọng. Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị các đơn vị của TP tập trung và đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông cơ sở và xây dựng các mô hình truyền thông, mô hình hỗ trợ hướng dẫn công dân trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

“Tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai, thực hiện Đề án trong các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân, nhất là cán bộ trực tiếp giải quyết dịch vụ công từ cấp cơ sở. Phải làm cho các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân hiểu thực hiện Đề án 06 là đột phá, liên quan trực tiếp đến các lợi ích của người dân, doanh nghiệp và quốc gia” – Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP nói. Đồng thời, yêu cầu huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, cán bộ, công chức là những tuyên truyền viên trong việc vận động, hướng dẫn người dân, tổ chức tham gia thực hiện các thủ tục hành chính trên dịch vụ công trực tuyến.

 

“Đề án 06 lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích. Người dân chỉ phải cung cấp thông tin, giấy tờ một lần cho các cơ quan nhà nước khi thực hiện trong quản lý thông tin cơ bản của công dân; tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp; góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà, sách nhiễu…” – Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Đình Cường.