Nỗi ám ảnh mang tên động đất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nửa năm sau trận động đất lịch sử tại Nepal và 10 năm sau trận động đất kinh hoàng tại Pakistan khiến hơn 75.000 thiệt mạng, hôm qua (26/10), người dân Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ lại một lần nữa phải trải qua những giây phút hoảng sợ vì trận động đất mạnh hơn 7 độ Richter.

Lịch sử thương đau

Xảy ra tại khu vực phía Bắc Afghanistan, trận động đất mạnh nhất nước này trong vòng một thập kỷ qua đã làm rung chuyển các tòa nhà và gây sạt lở đất. Thống kê ban đầu cho thấy, đã có hàng ngàn người thương vong và hàng triệu người ở Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ bị ảnh hưởng.
Nhân viên y tế chăm sóc cho một bé gái bị thương trong trận động đất.
Nhân viên y tế chăm sóc cho một bé gái bị thương trong trận động đất.
Cả thế giới có lẽ chưa quên những khoảnh khắc kinh hoàng của trận động đất tại Nepal mới diễn ra nửa năm trước khiến gần 9.000 người thiệt mạng và 900.000 ngôi nhà bị phá hủy. Người dân Pakistan hẳn cũng chưa quên được trận động đất 7,8 độ Richter cách đây đúng một thập kỷ khiến hơn 75.000 người bỏ mạng. Đối diện với đợt thiên tai lần này, giới chức 3 nước Nam Á đã có những phản ứng khác biệt, tuy nhiên có phần linh hoạt và khẩn trương hơn.

Vài phút sau trận động đất hôm qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chia sẻ trên mạng xã hội rằng sẵn sàng hỗ trợ cho người dân cũng như 2 quốc gia láng giếng. Hệ thống tàu điện ngầm tại thủ đô New Delhi được ngắt hoạt động ngay lập tức để chờ đợi những diễn biến tiếp theo. Cảnh tượng tương tự diễn ra tại các TP Lahore và Peshawar tại nước láng giềng Pakistan, chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa và khu vực lân cận.

Thiệt hại nghiêm trọng

Một số tổ chức cứu trợ khẩn cấp tại Afghanistan cho biết đường dây điện thoại và mạng điện lưới đã ngưng hoạt động. Do đó, bên cạnh việc đối diện với cảnh bệnh viện quá tải tại một số khu vực, quốc gia này còn đứng trước nhiều thách thức để giữ an ninh ổn định và có những biện pháp ứng phó phù hợp. Nhiều vùng tại Pakistan vẫn đang có bão tuyết, kết hợp với những ảnh hưởng từ động đất đã gây ra UTGT nghiêm trọng.

Đáng nói là trong số các nạn nhân của vụ động đất chủ yếu sống tại các khu vực vùng sâu, vùng xa với cơ sở vật chất yếu kém. Trận động đất xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Pakistan trải qua đợt mưa lớn, do đó rất nhiều khu nhà xây bằng đất chiếm phần lớn tại khu vực này nằm trong nguy cơ sập đổ cao.

Người dân các quốc gia nằm trong vành đai núi lửa này vẫn luôn mong đợi chính quyền sẽ quan tâm đầu tư mô hình cơ sở vật chất “sống chung với động đất” như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác nhằm giảm thiểu những hậu quả tiêu cực do những “cơn thịnh nộ” của Trái đất.

Trong tình hình diễn biến khí hậu ngày càng phức tạp, các hiện tượng như El Nino tại châu Phi hay hạn hán tại châu Mỹ đều lập những kỷ lục thiệt hại mới, năm 2015, thế giới cũng chứng kiến hàng loạt vụ động đất có cường độ lớn hơn 7 độ Richter. Do đó, để có một con đường dài lâu, bền bỉ chống lại những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, các quốc gia cần đầu tư, thực hiện các giải pháp lâu dài, bền vững hơn là bị động đối phó với các sự cố thiên tai ngày càng bất ngờ và bất thường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần