Nơi “đại bàng” công nghệ làm tổ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau giai đoạn suy giảm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã và đang chảy mạnh mẽ tới Thủ đô, đưa Hà Nội quay lại vị trí dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Đáng chú ý, Hà Nội ngày càng có thêm nhiều dự án đầu tư nước ngoài mang hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiêu hao ít năng lượng.

Các nước có số dự án đầu tư lớn vào Hà Nội là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu và Mỹ...

Mới đây, Hà Nội chào đón thêm một nhà đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao. Đó là Tập đoàn Inventec (IEC) đầu tư nhà máy sản xuất các sản phẩm máy chủ internet, máy tính xách tay, thiết bị đeo tay, thiết bị y tế thông minh,... DN của Đài Loan (Trung Quốc) đã quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy Inventec Việt Nam tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 125 triệu USD. Dự kiến, vào khoảng quý IV/2024 nhà máy sẽ đi vào hoạt động và tạo ra cơ hội việc làm cho 15.000 - 20.000 lao động.

Cuối tháng 6 vừa qua, Tập đoàn N&G (Việt Nam) và Tập đoàn SEIN I&D (Hàn Quốc) đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng "Tổ hợp Techno Park Việt Nam - Hàn Quốc" tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. Hai bên cùng các đối tác lớn khác sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng và các công trình chuyên biệt cho hoạt động phát minh, sáng chế, sản xuất, ứng dụng các sản phẩm micro-chip theo tiêu chuẩn công nghệ cao toàn cầu.

Tính chung 8 tháng năm 2023, vốn FDI đăng ký vào Hà Nội hơn 2,34 tỷ USD, chiếm gần 12,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,89 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Với lợi thế cạnh tranh về kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, thị trường tiềm năng, dịch vụ đa dạng, không chỉ cho thấy vị thế “đất lành chim đậu”, yếu tố chủ quan là Hà Nội được đánh giá cao về cơ sở hạ tầng, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ DN, luôn sát cánh hỗ trợ đồng hành cùng DN.

Trọng tâm ưu tiên của TP là đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI vào công nghệ mới, công nghệ cao có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất, từ đó tạo thêm nhiều giá trị gia tăng. Quan điểm này luôn được lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định trong các cuộc tiếp xúc các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Hà Nội.

Là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp CNTT (ICT) đạt khoảng 320.000 tỷ đồng, với khoảng gần 8.500 DN công nghệ thông tin và có 2/5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước, Hà Nội đã nhận bàn giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong phát triển công nghệ và khoa học.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ tiếp tục thành lập thêm các khu, cụm công nghiệp để thu hút FDI; rà soát, thúc đẩy tiến độ hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo hướng phù hợp nhu cầu thực tế. TP tăng cường rà soát các dự án nhằm đôn đốc nhà đầu tư thực hiện đầy đủ nội dung cam kết được quy định trong giấy phép đầu tư cũng như để nhận diện những vướng mắc, khó khăn nhằm tháo gỡ cho nhà đầu tư với tinh thần đồng hành, chia sẻ.

Vượt qua những khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như những biến động của tình hình thế giới, với những quyết sách phù hợp và kịp thời, Hà Nội đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, dấu ấn nổi bật nhất phải kể đến chính là việc thu hút những công ty, tập đoàn thuộc lĩnh vực công nghiệp điện tử. Điều này mở ra những cơ hội rất lớn để Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao cả nước, nơi thu hút các "đại bàng" công nghệ về làm tổ.