Khi người dân ở Lai Châu đau xót vì phải chứng kiến quá nhiều trường hợp tử vong trong cùng một thời điểm thì ngay giữa Thủ đô Hà Nội, dư luận lại bàng hoàng khi có đến 24 người ngộ độc rượu phải cấp cứu, trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Câu chuyện ngộ độc rượu chưa bao giờ “nóng bỏng” đến thế, đi đến đâu, người dân cũng bàn tán, xôn xao, lo lắng, không biết “thần chết” sẽ điểm mặt ai khi mà các nhà hàng, quán nhậu mọc lên như nấm khắp cả nước mà ngành chức năng khó bề kiểm soát. Câu chuyện càng “đốt nóng” hơn khi cơ quan chức năng công bố số liệu khiến ai nấy đều giật mình: Có đến 2/10 mẫu rượu được xét nghiệm có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép hàng nghìn lần. Nhiều đoàn kiểm tra đã lập tức vào cuộc, phát hiện hàng nghìn lít rượu không rõ nguồn gốc. Dù rằng, đây chỉ là con số quá nhỏ bé so với vi phạm tràn lan trên cả nước.
Sau những vụ ngộ độc, tử vong do rượu vừa qua, cơ quan chức năng đã cùng ngồi lại với nhau tìm cách “tuyên chiến”. Việc thanh, kiểm tra chất lượng rượu dịp này được người tiêu dùng hoan nghênh và ủng hộ, nhưng dường như đây cũng chỉ là biện pháp ứng phó tình thế. Còn nhớ cách đây mấy năm, tại Quảng Ninh cũng đã xảy ra vụ việc 6 trường hợp tử vong do uống “Rượu nếp 29 Hà Nội” do một công ty tại quận Long Biên (Hà Nội) sản xuất. Khi những lùm xùm qua đi, nỗi đau lắng xuống, tình trạng vi phạm lại tái diễn. Cơ quan chức năng không kiểm soát xuể nguồn gốc, chất lượng rượu được sản xuất, kinh doanh trên khắp cả nước. Từ quán ăn bình dân đến nhà hàng sang trọng, đâu đâu cũng ngập tràn bia rượu, mà đố ai dám chắc được loại rượu mình sử dụng có bảo đảm chất lượng hay không.
Pháp luật về ATTP đã quy định rõ từ luật cho đến các nghị định, thông tư với chế tài cụ thể, nhưng xem ra chưa thực sự đi vào cuộc sống, việc thực thi còn quá nhiều bất cập, và quản lý, xử lý các vụ vi phạm về rượu cũng không ngoại lệ. Rõ ràng, công tác quản lý ATTP đang có nhiều vấn đề đặt ra, trách nhiệm thuộc về ai? Câu hỏi của Đoàn giám sát của Quốc hội khi làm việc với các Bộ Y tế, Công Thương, NN&PTNT về việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP mới đây cũng là câu hỏi của người dân với các cơ quan có trách nhiệm, với các cấp chính quyền.
Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý ATTP đối với sản phẩm rượu, nghiên cứu bổ sung chế tài, tăng mức xử phạt đối với các vi phạm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh rượu. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu các ngành chức năng kiểm soát chặt, xử lý nghiêm, không bao che, dung túng vi phạm. Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, ngành công an cũng đã quyết định khởi tố, điều tra để làm rõ vi phạm.
Song, sự vào cuộc của cơ quan chức năng dù sát sao thế nào cũng không thể kiểm soát hết nếu người tiêu dùng thiếu ý thức với sức khỏe, tính mạng của chính mình.