Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nơi EU từ chối hỗ trợ Ukraine, Nga lại tuyên bố "miễn phí" cho 6 nước

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27/7 đã tuyên bố cung cấp ngũ cốc miễn phí cho 6 quốc gia châu Phi, khi ông bắt đầu hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo từ lục địa này vài ngày sau khi rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc với Ukraine.

Hơn một chục nhà lãnh đạo châu Phi, trong đó có Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nga - Châu Phi kéo dài 2 ngày 27-28/7 tại Saint Petersburg. Đây được xem như một phép thử đối với sự ủng hộ Nga ở châu Phi, giữa bối cảnh chiến dịch đặc biệt của Moscow tại Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tuần trước, Nga đã từ chối gia hạn thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đi qua Biển Đen đến các thị trường toàn cầu, bao gồm cả châu Phi. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 27/7 đã lên tiếng gây áp lực với các nhà lãnh đạo châu Phi tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Nga về sự gián đoạn ngũ cốc.

Trong bài phát biểu quan trọng tại hội nghị cùng ngày, Tổng thống Putin đã khẳng định Nga có thể "thay thế ngũ cốc của Ukraine" và hứa sẽ gửi ngũ cốc tới 6 quốc gia châu Phi. "Trong những tháng tới, chúng tôi có thể đảm bảo cung cấp miễn phí 25.000 - 50.000 tấn ngũ cốc cho Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Cộng hòa Trung Phi và Eritrea" - nhà lãnh đạo Nga nói.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - Châu Phi ở Saint Petersburg hôm 27/7. Ảnh: TASS
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - Châu Phi ở Saint Petersburg hôm 27/7. Ảnh: TASS

Trong hơn một năm có hiệu lực, thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã cho phép khoảng 33 triệu tấn ngũ cốc rời khỏi các cảng của Ukraine, giúp ổn định giá lương thực toàn cầu và ngăn chặn tình trạng thiếu hụt. Kể từ khi bị đình chỉ hôm 17/7, các cuộc tấn công đã nổ ra liên tiếp nhắm vào khu vực phía Nam Odesa, nơi có các cảng của Ukraine.

AFP dẫn lời phát ngôn viên quân đội Ukraine Nataliya Gumenyuk nói rằng Nga đã áp đặt lệnh phong tỏa "gần như tất cả" các cảng của nước này "để đóng cửa Ukraine với tư cách là một quốc gia có thể nuôi sống cả thế giới". Ông Gumenyuk cho biết Kiev cần hệ thống phòng không của phương Tây để bảo vệ các cơ sở sản xuất ngũ cốc khỏi các cuộc tấn công, đồng thời cho biết thêm Ukraine "có thể không còn cảng" trong 2 hoặc 3 tháng nữa.

Trong một bức thư gửi Giám đốc thương mại Liên minh châu Âu (EU) ngày 21/7, Bộ Nông nghiệp Ukraine đã đề xuất Ủy ban châu Âu (EC) cung cấp hỗ trợ tài chính cho chi phí vận chuyển phụ trội, khi Kiev phải sử dụng các tuyến đường thay thế của EU - được gọi là Làn đường Đoàn kết - để xuất khẩu ngũ cốc.

Ukraine ước tính chi phí phụ trội là 30-40 USD/tấn nông sản xuất khẩu. Trong thư, Ukraine cũng yêu cầu EU mở rộng các tuyến đường này thêm 1-1,5 triệu tấn mỗi tháng thông qua "hành lang xanh" tới Biển Adriatic, các nước vùng Baltic, Đức và Hà Lan.

Tuy nhiên, các nguồn tin trong EC nói với Reuters rằng EU hiện không có nguồn tài chính bổ sung cũng như kế hoạch cụ thể để hỗ trợ xuất khẩu của Ukraine. Nguồn tài trợ cho nhu cầu của Kiev chỉ có thể đến sau khi khối xem xét ngân sách giữa kỳ, do đó có thể sẽ mất vài tháng nữa, mặc dù vụ thu hoạch ngô mùa Thu dự kiến ​​sẽ sớm bắt đầu.

Cũng theo nguồn tin này, việc phản đối nhập khẩu ngô của Ukraine sang EU đang gia tăng vì một số quốc gia thành viên của khối cảm thấy mâu thuẫn quyền lợi.

Theo Điện Kremlin, Tổng thống Putin sẽ thảo luận thêm về vấn đề Ukraine trong bữa trưa làm việc với một nhóm các nguyên thủ quốc gia châu Phi vào hôm nay (28/7).

Người phát ngôn Điện Kremlin cũng nhấn mạnh về tình hình ở Niger, nơi Tổng thống Mohamed Bazoum đang bị binh lính giam giữ trong âm mưu đảo chính, đang được thảo luận tích cực bên lề hội nghị thượng đỉnh. Trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao, Nga kêu gọi quân đội Niger "nhanh chóng thả tự do cho Tổng thống Bazoum.