Từ đó đến nay, "cánh cửa bầu trời” vẫn không ngừng mở rộng, tạo tiền đề quan trọng để hàng không phục hồi sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi trên thị trường bay quốc tế của hàng không Việt Nam vẫn diễn ra chậm hơn nhiều so với kỳ vọng.
Trái ngược, hai thị trường nội địa và quốc tế
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2022, vận chuyển hành khách quốc tế đạt 11 triệu khách (chỉ bằng 28% so năm 2019 - thời điểm trước khi bùng phát dịch).
Đến 2 tháng đầu năm 2023, thị trường mới đạt 64% so năm 2019, thấp hơn nhiều so các khu vực như châu Âu, châu Mỹ. Điều này cho thấy tốc độ hồi phục diễn ra chậm, mặc dù Việt Nam đã dỡ bỏ các hạn chế đối với hành khách nhập cảnh từ thời điểm 15/3/2022, khôi phục lại chính sách miễn thị thực cho 25 quốc gia từ tháng 5/2022.
Trong khi đó, thị trường bay nội địa đang có tốc độ phục hồi thần tốc. Ngành hàng không dần phục hồi và hết năm 2022 thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn, có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019
Còn thị trường quốc tế đang dần dần hồi phục và dự báo sẽ đạt được mức 2019 vào cuối năm 2023. Dự báo, tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam năm 2023 đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022.
Sự phục hồi chậm của thị trường bay quốc tế là một trong những nguyên nhân chính khiến các hãng hàng không Việt Nam chưa thể thoát khỏi tình trạng khó khăn về tài chính do đại dịch Covid-19 mang lại.
Điển hình là Vietnam Airlines. Năm 2022, tổng doanh thu và thu nhập khác của hãng bay này tăng 150%, tương đương 30.258 tỷ đồng.
Thế nhưng, trong quý IV/2022, hãng này tiếp tục báo lỗ từ công ty mẹ, Pacific Airlines và công ty dịch vụ mặt đất so với cùng kỳ năm 2021. Và, tính chung, cả năm 2022, Vietnam Airlines vẫn lỗ hơn 8.634 tỷ đồng.
Tương tự là Vietjet Air. Báo cáo tài chính của hãng cho thấy doanh thu quý IV/2022 dù tăng gấp hơn 2,7 lần nhưng vẫn lỗ hơn 3.330 tỷ đồng sau nhiều năm cầm cự. Đây là khoản lỗ sau thuế lớn nhất trong lịch sử của VietJet Air.
Bởi vậy, dù lũy kế cả năm 2022, VietJet ghi nhận doanh thu thuần 39.342 tỷ đồng, gấp 3 lần năm ngoái nhưng lỗ sau thuế của hãng vẫn lên tới 2.171 tỷ đồng, đảo ngược với kết quả lãi 122 tỷ đồng của năm 2021.
Hành trình “mở cửa bầu trời” vào Trung Quốc
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” vừa diễn ra, đại diện các hãng hàng không đã đưa ra những số liệu và phân tích tình hình phục hồi của thị trường bay quốc tế sau hơn một năm được nối lại.
Nhìn chung những con số mà chúng ta đạt được vẫn còn rất hạn chế. Đại diện Vietnam Airlines cho biết, năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, tuy nhiên chỉ đón 3,66 triệu lượt khách, được 73% kế hoạch.
Nhìn sang các quốc gia trong khu vực có thể thấy sự lép vế rõ rệt của du lịch Việt Nam. Cụ thể, năm 2022, lượng khách quốc tế đến Singapore đạt 6,3 triệu lượt khách; Malaysia 7,2 triệu lượt khách… Đặc biệt là Thái Lan với 11,8 triệu dù trước đó kế hoạch mà đất nước “triệu voi” này đặt ra chỉ là 8 triệu lượt khách.
Theo đánh giá của các hãng hàng không, một trong những nguyên nhân khiến các chỉ số phục hồi của hàng không và du lịch nước ta chưa được như kỳ vọng là các thị trường hàng không truyền thống đi/đến Việt Nam đều chưa mở cửa hoặc mở rất thận trọng. Trong đó, điển hình nhất là thị trường Trung Quốc.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến Trung Quốc đóng cửa hàng không thì có tới 11 hãng hàng không của quốc gia này khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam, gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc và Nha Trang, với tổng tần suất đạt 240 chuyến/chiều/tuần.
Còn về phía Việt Nam, có các hãng hàng không khai thác như Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air, với 72 đường bay từ 5 điểm tại Việt Nam, gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc và Nha Trang đến 48 điểm tại Trung Quốc, với tổng tần suất đạt 276 chuyến/chiều/tuần thường lệ và 145 chuyến/tuần/chiều không thường lệ, tổng cộng là 421 chuyến/tuần.
Nhờ đó, doanh thu từ thị trường hàng không quốc gia tỷ dân này lâu nay luôn chiếm khoảng 30%. Đơn cử, sản lượng vận chuyển năm 2019 đạt xấp xỉ 8 triệu khách, trong đó các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt trên 4,6 triệu khách, chiếm trên 60% thị phần. Trung Quốc cũng là thị trường quốc tế lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ đứng sau thị trường
Hàn Quốc với lượng hành khách đi lại phần lớn là khách du lịch.
Rõ ràng, trong giai đoạn ngắn hạn, thị trường khách quốc tế lớn nhất Việt Nam đến từ Trung Quốc vẫn chưa thể hồi phục như thời điểm trước dịch, sẽ là lực cản trong tiến trình phục hồi của DN ngành hàng không.
Hàng không và du lịch có cơ hội phục hồi nhanh hơn
Chiều 19/3 vừa qua, những vị khách Trung Quốc đầu tiên từ Bắc Kinh đã tới Hà Nội trên chuyến bay thường lệ sau 3 năm gián đoạn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Chuyến bay của Vietnam Airlines mang số hiệu VN513 khởi hành lúc 15h30 (giờ địa phương) từ Bắc Kinh và hạ cánh tại Hà Nội lúc 17h55 với hơn 100 hành khách.
Trước đó, từ ngày 15/3, Trung Quốc đã khôi phục hoạt động việc cho phép khách du lịch Trung Quốc đi theo đoàn được tới Việt Nam. Sau khi Trung Quốc cho phép khách theo đoàn đi du lịch tới Việt Nam, các hãng hàng không Việt Nam đã tăng cường nối lại các đường bay với thị trường này.
Trên thực tế, từ lâu các hãng hàng không Việt Nam đã có những bước chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho việc khai thác thị trường đất nước tỷ dân này khi nước bạn chính thức mở cửa với hàng không.
Vietnam Airlines cho biết sẽ nối lại đường bay giữa Hà Nội và Bắc Kinh từ tháng 3/2023 với tần suất ba chuyến bay một tuần. Đồng thời, hãng tăng tần suất các chuyến bay kết nối Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với Quảng Châu và Thượng Hải - mỗi đường bay sẽ được Vietnam Airlines khai thác bốn chuyến bay một tuần.
Đây là mức tăng tần suất đáng kể khi so sánh với hiện tại, hãng chỉ khai thác từ 1 - 2 chuyến bay/tuần trên các đường bay này.
Từ tháng 4/2023, hãng sẽ mở lại bốn đường bay giữa Đà Nẵng và Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô; giữa Hà Nội và Thành Đô, với tần suất hai chuyến bay một tuần trên mỗi đường bay.
Dự kiến tháng 9, đường bay đến Trung Quốc sẽ sử dụng đội tàu bay thân rộng A350 hoặc B787.
Vietjet Air cũng dự kiến từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 sẽ khai thác trở lại các đường bay đến với Thiên Tân, Trương Gia Giới, Thành Đô,... Ngoải ra, hãng hàng không này đã lên kế hoạch khôi phục thêm các đường bay khác ngay trước giai đoạn cao điểm Hè để đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, du khách.
Với tín hiệu tích cực từ Trung Quốc, Vietjet tin tưởng mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch quốc tế trong năm nay của Việt Nam sẽ sớm đạt được, góp phần quan trọng phục hồi du lịch, kinh tế.
Các chuyên gia nhận định, việc các hãng bay của Việt Nam chính thức nối lại đường bay thương mại với Trung Quốc sẽ mang đến sự thay đổi lớn trong tốc độ phục hồi của ngành hàng không, từ đó tạo ra động lực lớn để nền kinh tế tiếp tục phục hồi.
“Muốn hàng không phục hồi nhanh thì cần phải sớm khôi phục thị trường bay quốc tế. Bởi đây mới là nguồn lực chính cho hàng không phục hồi chứ không phải bay nội địa” - PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.
Chuyên gia kinh tế này cho rằng, việc nối lại các đường bay thương mại với quốc gia này sẽ mang đến lợi ích kép cho cả hàng không và du lịch khi trong nhiều năm qua, lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc luôn chiếm số lượng rất lớn trong tổng khách du lịch đến với Việt Nam hàng năm.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cũng lưu ý rằng, không nên quá kỳ vọng vào một hiệu ứng tức thì từ việc thị trường Trung Quốc mở cửa. Bởi, trên thực tế trong thời gian qua quốc gia này vẫn cho thấy sự thận trọng lớn trong việc mở cửa với quốc tế sau một thời gian dài đóng cửa vì Covid-19.
Do đó, dù đường bay Hà Nội - Bắc Kinh đã được nối lại song những đường bay khác cũng không thể khơi thông trong thời gian ngắn. Các hãng hàng không nước ta cần có sự kiên nhẫn, vừa làm vừa quan sát những chính sách mới, thay đổi mới của nước bạn để có sự điều chỉnh kế hoạch khai thác phù hợp và hiệu quả.
Hàng không và du lịch là hai lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch bệnh Covid-19. Trong thời gian qua, mặc dù hai ngành này đã có những bước phục hồi tốt nhưng vẫn chưa thật sự như kỳ vọng do lượng khách quốc tế đến với Việt Nam vẫn còn hạn chế. Việc thị trường Trung Quốc mở cửa sẽ mang đến rất nhiều cơ hội cho hàng không và du lịch nước ta. Khi hàng không và du lịch phục hồi, nền kinh tế cũng sẽ được phục hồi.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long