Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa lễ hội

Chi Lê - Thu Ngân - Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi lễ hội vào mùa cao điểm, rất nhiều du khách từ các địa phương đổ về Hà Nội. Để phục vụ du khách, các dịch vụ “ăn theo” lễ hội đua nhau nở rộ, dẫn đến nỗi lo về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).

Nhiều cơ sở vi phạm
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 do Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung làm trưởng đoàn vừa đi kiểm tra tại lễ hội đền Sóc, huyện Sóc Sơn. Tại đây, đoàn phát hiện nhiều hộ kinh doanh vi phạm về ATTP.
Cụ thể, 3 cơ sở chưa xuất trình đầy đủ giấy tờ theo quy định về ATTP; cửa hàng ăn uống bún, phở Nguyễn Thị Nga không có tủ kính để thực phẩm chín, tủ bảo quản lạnh còn để lẫn thức ăn sống với nước uống dùng liền, xét nghiệm 10 mẫu bát đựng bún, phở có 2 mẫu bát chưa đạt yêu cầu. Đoàn đã lập biên bản xử lý những cơ sở vi phạm. Đồng thời, Sở Y tế đề nghị Ban tổ chức lễ hội đền Sóc kiên quyết dừng hoạt động những cơ sở kinh doanh ăn uống vi phạm ATTP làm ảnh hưởng tới sức khỏe du khách.
Bánh tôm của nhà hàng chế biến xong được bày ngay bên cạnh rồi đem ra phục vụ khách gần khu vực phủ Tây Hồ. Ảnh: Chi Lê
Cùng ngày, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị cũng đã ghi nhận về công tác bảo đảm ATTP ở một số cửa hàng dịch vụ ăn uống phục vụ tại địa điểm lễ hội nổi tiếng. Tại phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), các hàng quán từ nhỏ đến lớn luôn trong tình trạng hối hả phục vụ thực khách. Song, nhiều hộ kinh doanh thực phẩm chín vẫn phơi trần thực phẩm bên vệ đường, không tủ kính che đậy theo quy định. Thậm chí, nhiều người bốc thực phẩm chín không dùng găng tay, thực khách vẫn “vô tư” ăn bún, bánh.
Tại bến Suối Yến, danh thắng chùa Hương (huyện Mỹ Đức), hàng quán bán thịt tươi sống từ động vật hoang dã để trên mặt bàn không che đậy. Lãnh đạo huyện Mỹ Đức cho biết đã cấm quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ thịt động vật hoang dã trong lễ hội, tập huấn và cấp giấy chứng nhận kiến thức về ATTP cho các chủ hộ trực tiếp kinh doanh thực phẩm. Song, các chủ cửa hàng vẫn “lách luật”, không tuân thủ các quy định về ATTP, cố tình chèo kéo khách mua hàng.
Nói không với thực phẩm bẩn
Ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, vấn đề ATTP luôn được lãnh đạo TP cũng như Chi cục quán triệt và lên kế hoạch ngay từ đầu. Theo đó, các địa phương đã quan tâm sát sao, kiểm soát vấn đề ATTP ở các hộ kinh doanh.
Cũng theo ông Tụ, dù chỉ kinh doanh thời vụ nhưng các cơ sở cũng phải ký cam kết bảo đảm ATTP và đáp ứng những điều kiện bắt buộc như khu vực chế biến, dụng cụ chế biến thực phẩm phải sạch sẽ, có nguồn nước hợp vệ sinh để rửa bát đũa, phải có tủ bảo quản thực phẩm, thực phẩm phải chứng minh được nguồn gốc. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, nhiều chủ hộ vẫn chưa thực hiện ghi chép nguồn gốc thực phẩm đầy đủ.
Qua kiểm tra ATTP dịp trước Tết đến nay, ông Trần Văn Chung đánh giá, công tác ATTP cơ bản đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do tính chất thời vụ nên việc kinh doanh mặt hàng ăn uống tại các lễ hội, ở nhiều cơ sở vẫn thể hiện sự tạm bợ, lộn xộn...
Mùa lễ hội chỉ mới bắt đầu, trong sáng nay (14/2), Đoàn kiểm tra ATTP của Sở Y tế tiếp tục kiểm tra thực phẩm tại chùa Hương (Mỹ Đức). Ông Chung khẳng định, cơ sở nào vi phạm, sẽ xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe.
Với du khách, ông Chung khuyến cáo, không nên sử dụng thực phẩm ở những hàng quán tạm bợ, gần cống rãnh, không có tủ kính, người chế biến thực phẩm không đeo găng tay. Việc đảm bảo ATTP trước hết phải đến từ chính những người dân. Người dân nếu tiếp tục sử dụng những sản phẩm không đảm bảo ATTP, không rõ nguồn gốc, vô tình tiếp tay cho vi phạm và chấp nhận với nguy cơ bị ngộ độc cao, đặc biệt trong thời điểm thời tiết nồm ẩm như hiện nay. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần