Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi lo bữa ăn học đường

Nhật Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bữa ăn học đường không chỉ đảm bảo cho học sinh đủ sức khỏe học tập cả ngày ở trường, mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài tới học sinh đang ở tuổi ăn tuổi lớn.

Trước thềm năm học mới, bên cạnh cơ sở vật chất, giáo viên, môi trường giáo dục, nhiều phụ huynh cũng rất quan tâm đến chất lượng bữa ăn học đường.

Nhiều băn khoăn khi lựa chọn đơn vị cung ứng suất ăn

Năm 2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 2195/QĐ-BGDĐT phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học; Quyết định số 4280/QĐ-BGDĐT phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh trung học cơ sở.

Sau quy định của Bộ GD&ĐT, theo đánh giá của nhiều phụ huynh, giáo viên, chất lượng bữa ăn tại trường học được cải thiện rõ rệt. Dù vậy trên thực tế, an toàn bữa ăn học đường vẫn luôn là nỗi lo lắng của phụ huynh khi vẫn còn những trường hợp ngộ độc thực phẩm hay bữa ăn chưa đảm bảo chất lượng.

Chị Phạm Phương Thảo, phụ huynh có con năm nay học lớp 6 tại quận Long Biên, Hà Nội cho hay, chị luôn trăn trở với bữa ăn học đường của học sinh. “Suốt những năm học tiểu học, tôi thường xuyên phải tự tìm hiểu thông tin về năng lực của đơn vị cung cấp bữa ăn cho con. Biết được đó là đơn vị tốt, uy tín, mới có thể nhẹ nhõm yên tâm” – chị Phạm Phương Thảo cho biết.

Phụ huynh này cũng bày tỏ trăn trở khi con vào THCS, trường mới, môi trường mới, không biết nhà trường sẽ chọn đơn vị cung cấp suất ăn theo tiêu chí nào.

Lo ngại về việc thông tin bữa ăn học đường, chị Thanh Xuân (ở Cầu Giấy, Hà Nội) là phụ huynh có con năm nay vào lớp 3 chia sẻ: “Mỗi năm, nhà trường đều phát phiếu cho phụ huynh tự nguyện đăng ký ăn bán trú cho con em mình. Trong các cuộc họp đầu năm, giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo số tiền phải đóng và tên đơn vị tổ chức bữa ăn bán trú. Tuy nhiên, thông tin về đơn vị cung cấp bữa ăn chỉ được thông báo lấy lệ. Phụ huynh như chúng tôi không hề biết năng lực của họ ra sao”.

Cùng chung trăn trở này, chị Phùng Ngọc Liên, phụ huynh sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho rằng bữa ăn của học sinh là do phụ huynh trả tiền, nhưng phụ huynh chỉ được biết đơn vị cung cấp suất ăn qua thông báo của nhà trường chứ không được tham gia vào quá trình lựa chọn nhà cung cấp.

“Để học tập tốt, thì điều kiện phát triển trí lực và thể lực của các con phải được đảm bảo. Ngay trong bữa cơm hàng ngày của gia đình, việc lựa chọn thực phẩm an toàn, tươi ngon cũng không phải là điều dễ dàng, vì thế việc cung cấp suất ăn cho hàng nghìn học sinh ở trường học càng khó hơn. Nỗi lo này không chỉ riêng tôi mà của chung rất nhiều phụ huynh khác. Trong năm học mới, tôi sẽ quan tâm nhiều hơn đến bữa ăn của con cũng như tiêu chí chọn nhà cung cấp suất ăn học đường” – chị Liên nói.

Trên thực tế, đã có trường hợp phụ huynh chuyển trường cho con vì bữa ăn học đường không đảm bảo. “Trẻ cần nguồn dinh dưỡng đầy đủ, an toàn, hợp lý để phát triển cả về thể chất và tinh thần. Năm nay tôi đã quyết định chuyển trường cho con vì nhận thấy bữa ăn của các con ở trường năm qua không đảm bảo” – chị Nguyễn Thu Hằng, một phụ huynh sống tại quận Long Biên, Hà Nội nói.

Phụ huynh này bày tỏ mong muốn các phụ huynh được trực tiếp tham gia vào quá trình lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, phối hợp cùng nhà trường kiểm soát bữa ăn hàng ngày của các con.

Phụ huynh muốn cùng tham gia chọn nhà cung cấp

Năm học 2023-2024, không ít vụ việc liên quan đến chất lượng thực phẩm không đảm bảo tại một số trường học trên cả nước. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh mà còn gây mất niềm tin từ phụ huynh đối với nhà trường và các cơ quan chức năng.

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, để nâng cao chất lượng bữa ăn trường học, trước hết cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh và các cơ quan chức năng trong việc lựa chọn và giám sát đơn vị cung cấp suất ăn.

Các tiêu chí lựa chọn cần được thiết lập rõ ràng, minh bạch và dựa trên năng lực thực tế của đơn vị cung cấp. Nhà trường cần công khai thông tin về đơn vị cung cấp suất ăn, bao gồm nguồn gốc thực phẩm, quy trình chế biến và các chứng nhận liên quan đến an toàn thực phẩm. Phụ huynh cần có quyền tiếp cận và tham gia vào quá trình giám sát này để đảm bảo rằng con em mình được sử dụng những bữa ăn chất lượng và an toàn.

Hiện nay, các trường học thường lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn thông qua các tiêu chí nhất định. Câu hỏi đặt ra là những tiêu chí này có đủ để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm hay không? Một số trường hợp, doanh nghiệp chỉ cần nộp đủ hồ sơ là có thể được xét duyệt mà không cần kiểm tra kỹ lưỡng về năng lực thực tế. Điều này đặt ra nghi vấn về sự minh bạch và công bằng trong quá trình lựa chọn.

Trên thực tế, nhiều phụ huynh cho hay, việc lựa chọn các đơn vị cung cấp thực phẩm hay chế biến suất ăn tại trường học hiện nay chưa thực sự công khai minh bạch, việc lựa chọn vẫn mang tính chủ quan theo quan điểm của ban giám hiệu nhà trường.

Phụ huynh không được tham gia trực tiếp cùng với nhà trường đi thẩm định nguồn gốc thực phẩm của đơn vị cung cấp suất ăn trước khi quyết định và chưa được trực tiếp tham gia giám sát công tác nhận thực phẩm, chế biến tại bếp ăn hàng ngày. Nhiều trường cũng chưa chú trọng thông tin về thực đơn bữa ăn hàng tuần, hàng tháng để phụ huynh được biết.

Thực tế, có tình trạng doanh nghiệp cung cấp suất ăn nhập nguồn thực phẩm từ các bên thứ ba, thứ tư mà không ai có thể chắc chắn về chất lượng thực phẩm này. Rất ít đơn vị có thể tự chủ được nguồn cung cấp thực phẩm, dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào bên thứ ba với mục tiêu thu lợi nhuận cao mà chưa thực sự quan tâm đến chất lượng và an toàn thực phẩm.