Nỗi lo ô nhiễm từ ngành dệt may

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Việt Nam, ngành dệt may là một trong các ngành sử dụng lực lượng lao động lớn, tạo kim ngạch xuất khẩu quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Song đây cũng là ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn, đặc biệt môi trường nước, thậm chí chất thải rắn.

Nhuộm nguyên liệu dệt may tại tỉnh Phú Yên.
Gây ô nhiễm nguồn nước
Thực tế cho thấy, với kim ngạch xuất khẩu hơn 30 tỷ USD/năm, tạo việc làm cho khoảng 3 triệu lao động, dệt may là ngành có vai trò lớn trong phát triển kinh tế. Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tính đến năm 2017, cả nước có xấp xỉ 7.000 DN dệt may, trong đó có các DN gia công hàng may mặc, sản xuất vải, nhuộm, chế biến bông, sản xuất xơ, sợi. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Phương Mai - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), ngành nhuộm là ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là nước thải và ô nhiễm mùi.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã và đang phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) triển khai dự án “Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững”. Dự án được triển khai từ năm 2018 – 2020 với trọng tâm chính là cải thiện hiệu suất nước và năng lượng, từ đó giảm thiểu tác động của ngành tới môi trường.

Việt Nam hiện có khoảng 177 DN đang hoạt động trong lĩnh vực nhuộm in hoa và xử lý hoàn tất vải; 66 dây chuyền in hoa; 193 dây chuyền nhuộm liên tục; 750 máy nhuộm gián đoạn và khoảng 100 thiết bị nhuộm dạng sợi. Tuy nhiên, trình độ công nghệ trong ngành nhuộm chậm hơn các khu vực xung quanh khoảng 15 - 20 năm. Số DN sử dụng công nghệ đồng bộ cao chỉ chiếm khoảng 15 - 20%, DN sử dụng dây chuyền công nghệ trung bình tới 70%, khoảng 10 – 15% DN sử dụng công nghệ thấp…

Đáng nói, lượng hóa chất các loại sử dụng trong DN dệt, nhuộm khoảng 500 – 2.000 kg/tấn sản phẩm, trong đó có cả hóa chất dạng vô cơ là axit, kiềm, dung môi và các loại muối khác nhau. Bên cạnh đó, đa số các DN trong ngành dệt may ở nước ta có quy mô vừa và nhỏ nên thường chỉ chú trọng tới việc sản xuất, bán sản phẩm của mình và phản ứng rất thụ động đối với công tác quản lý hóa chất. Nhiều DN chỉ quan tâm đến công tác này sau khi có sự cố xảy ra hay vấn đề liên quan đến sử dụng hóa chất trong sản xuất ở DN.

Kết quả nghiên cứu về ô nhiễm môi trường làng nghề của Sở TN&MT Hà Nội cho thấy, các làng nghề dệt may đa phần không sử dụng lò đốt, vì vậy ô nhiễm không khí với các làng nghề trên chủ yếu mang tính cục bộ, trong khu vực sản xuất như bụi phát sinh từ các nhà máy dệt. Làng nghề dệt Đồng Nhân (huyện Hoài Đức) là một ví dụ khi không sử dụng lò đốt, chưa có hệ thống xử lý nước thải và nước thải chủ yếu được thải ra các rãnh, mương máng và đổ ra sông. Không những vậy, chất thải rắn tại các làng nghề được đổ ra bãi chôn lấp chung và được các công ty môi trường đến thu om, đưa đi xử lý chung với rác thải sinh hoạt.

Cần áp dụng giải pháp sản xuất sạch

Được biết, những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết cũng đều có rào cản về môi trường, phát triển bền vững, phát triển xanh. Điều này đòi hỏi DN phải nỗ lực cải thiện không chỉ về chất lượng sản phẩm mà cả quá trình sản xuất ra sản phẩm. Đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết cắt giảm 8% lượng khí thải đang gây ô nhiễm môi trường, càng đòi hỏi các DN dệt may cần phải cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng xanh, sạch, giảm thiểu sử dụng năng lượng để phù hợp với môi trường kinh doanh toàn cầu.
Năm 2019, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD, đồng thời cam kết tuân thủ về mỗi quan hệ hợp tác gắn kết sự phát triển bền vững trong việc thực hiện chương trình xanh hóa ngành dệt may và tiết kiệm nguồn nước. Ngành sẽ tiếp tục xây dựng giải pháp về công nghệ và quản trị, xây dựng tầm nhìn trong chiến lược phát triển xu hướng hội nhập.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Đồng thời, để nâng cao năng lực sản xuất và giảm thiểu chất thải, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, ngành dệt may cần triển khai mạnh hơn việc áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, nhằm thay đổi mô hình sản xuất theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích các DN dệt may sử dụng các công nghệ quy trình sản xuất sạch, từng bước thực hiện nghiêm các giải pháp quản lý môi trường.

Cùng với đó, nhiều DN cho rằng cần phải quản lý chặt chẽ hơn nữa các cơ sở dệt nhuộm làng nghề. Bởi lẽ, các cơ sở này chủ yếu có quy mô hoạt động sản xuất nhỏ, lạc hậu, không đồng bộ, phát triển tự phát chủ yếu chịu sự chi phối của thị trường, không có hệ thống xử lý nước thải bài bản do chi phí lắp đặt hệ thống xử lý nước thải dệt nhuộm cao. Trong khi đó, nhiều chủ cơ sở và người làm chưa hiểu hết được về tác hại của nước thải dệt nhuộm ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần