Nỗi lo Omicron phủ bóng kế hoạch đón năm mới trên thế giới

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi biến thể Omicron đẩy số lượng ca nhiễm Covid-19 lên mức kỷ lục ở nhiều nơi trên thế giới, các thành phố lớn buộc phải thu nhỏ hoặc hủy bỏ các sự kiện Giao thừa trong năm đại dịch thứ hai.

Đại dịch phủ bóng đêm giao thừa
Chỉ một tháng trước, với việc triển khai tiêm chủng rộng rãi, thế giới những tưởng có thể tận hưởng đêm giao thừa như trước, đánh dấu 2 năm mệt mỏi với bệnh dịch.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron đã gieo rắc ảm đạm cho dịp lễ Giáng sinh trên khắp châu Âu và có vẻ sẽ tác động tương tự với thời khắc giao thừa năm mới đang cận kề.  
Tại Italia, trung bình 14 ngày qua, số ca mắc mới tăng 128%.  Rome, Venice và các thành phố lớn khác đã tuyên bố bỏ lễ kỷ niệm, cấm các sự kiện lớn ngoài trời và đóng cửa các câu lạc bộ đêm.
 Sự kiện đón năm mới tại nhiều thành phố trên thế giới bị thu nhỏ quy mô hoặc hủy bỏ. 
Tại Pháp, nơi có số ca tăng 48%, Paris đã hủy bỏ việc bắn pháo hoa trên đại lộ Champs-Élysées và các lễ tiệc lớn khác. Thị trưởng Thủ đô London của Anh cũng ngừng kế hoạch cho một sự kiện ở Quảng trường Trafalgar. Đêm kỷ niệm tại Tokyo’s Shibuya Crossing, một trong những tụ điểm kỷ niệm Năm mới lớn nhất trên thế giới đã bị hủy bỏ, trong khi New Delhi cũng cấm tụ tập.
TP New York, Mỹ đã giới hạn lễ kỷ niệm ở Quảng trường Thời đại là 15.000 người, chỉ 25% so với con số thông thường được phép ở các khu vực được chỉ định. Một số TP, như Berlin và Los Angeles, sẽ phát trực tuyến hoặc phát sóng lễ kỷ niệm thay vì cho phép khán giả tham dự trực tiếp.
Tiến thoái lưỡng nan ở châu Âu đầu năm mới
Sự khó lường của biến thể mới đang khiến chính phủ các nước phải đoán già đoán non và chọn ra nhiều chiến lược khác nhau để đẩy lùi đại dịch.
Những phát hiện ban đầu cho thấy Omicron là một biến thể nhẹ hơn dù có khả năng lây nhiễm cao hơn các chủng trước của virus SARS-CoV2. Trước thông tin này, các chính phủ trên thế giới rơi vào tiến thoái lưỡng nan. Một số quyết siết chặt hoàn toàn các biện pháp chống dịch trong khi số khác còn do dự.
 
Cách tiếp cận từng phần, mang tính do dự này có thể thấy ở hầu hết các nước châu Âu. Tại Ba Lan, quốc gia 38 triệu dân, nơi số người tử vong theo ngày vì Covid-19 vượt qua con số 500, các hộp đêm được phép mở cửa trở lại vào đêm giao thừa. Chính phủ vẫn đang cân nhắc có bắt buộc tiêm vaccine hay không.
Ở Italia, chính phủ không bắt buộc bất kỳ quy định nào cho các cuộc tụ họp, dù cấm các sự kiện ngoài trời vào đêm giao thừa và đóng cửa các hộp đêm cho đến cuối tháng 1/2022.
Tại Bỉ, người dân trải nghiệm những biện pháp mới kể từ đầu tuần này. Mua sắm theo nhóm lớn bị cấm, các rạp chiếu phim và phòng hòa nhạc đóng cửa vào thời điểm vô số gia đình đã nghỉ ngơi.
Pháp đã lần đầu tiên ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm Covid-19 và số ca nhập viện do dịch tăng gấp đôi trong tháng qua. Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron họp khẩn đầu tuần này để thảo luận về các bước tiếp theo, và đặt niềm tin vào các đợt tiêm chủng tăng cường. 
Bên cạnh đó thúc đẩy một dự thảo luật yêu cầu người dân phải tiêm vaccine để có thể vào nhà hàng và nhiều địa điểm công cộng, thay vì hệ thống thẻ y tế hiện tại cho phép các cá nhân xuất trình xét nghiệm âm tính hoặc bằng chứng hồi phục khỏi Covid-19.
Một loạt hạn chế được công bố dự kiến bắt đầu có hiệu lực vào năm mới. Trong đó: Các sự kiện lớn sẽ giới hạn 2.000 người trong nhà và 5.000 người ngoài trời và yêu cầu các công ty cho nhân viên làm việc tại nhà ít nhất 3 ngày/tuần.
Hà Lan đã tiến xa hơn hầu hết các quốc gia châu Âu khác. Nước này cho đóng cửa tất cả các dịch vụ không thiết yếu, nhà hàng và quán bar và kéo dài thời gian nghỉ học kỳ nghỉ học – hướng đến đến một đợt phong tỏa toàn quốc mới.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần