Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi nhớ khôn nguôi của Mẹ Việt Nam anh hùng

Lâm Thơ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những lần tiễn chồng, con trai ra trận thì chừng ấy lần mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngày đau đớn nhận giấy báo tử. Dẫu chiến tranh đã lùi xa, nhưng mẹ vẫn khôn nguôi nỗi nhớ chồng và 3 người con đã hy sinh giành lại độc lập, tự do cho đất nước hôm nay.

Bước qua tuổi 95, thân hình gầy gò nhưng trí óc mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngày (95 tuổi, xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) khá minh mẫn. Tuy nhiên, sức khỏe của mẹ đã yếu đi nhiều, không đủ sức để vào bếp như trước đây nữa. Ngày 27/7 năm nay, mẹ đôn đốc con cháu, gia đình chuẩn bị đâu vào đấy, làm mâm cơm tươm tất làm giỗ chung cho chồng và 3 người con trai. 

Bốn lần tiễn chồng con đi không về, có những tháng năm mẹ Ngày đã hóa điên dại. Nhưng sau những đau thương, giờ mẹ tự hào vì chồng con đã góp xương máu để đất nước vững bền, ngày càng giàu mạnh.
Bốn lần tiễn chồng con đi không về, có những tháng năm mẹ Ngày đã hóa điên dại. Nhưng sau những đau thương, giờ mẹ tự hào vì chồng con đã góp xương máu để đất nước vững bền, ngày càng giàu mạnh.

Khi được hỏi về sự hy sinh của chồng và con trai, khóe mắt mẹ Ngày bỗng rưng rưng. Mẹ kể, chồng mẹ là cụ Lê Văn Huỳnh (SN 1927), là cán bộ kinh tài (kinh tế - tài chính) của chính quyền cách mạng. Con trai đầu của cụ Ngày là liệt sĩ Lê Thành Lũy (SN 1947). Năm 1965, khi mới 17 tuổi, ông Lũy đã theo đồng đội của cha đi "bộ đội miền" (Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam).

Rồi trong một tối tháng 4/1969, có 2 cán bộ ghé nhà báo ông Lũy đã hy sinh cuối năm 1968, nhưng vì điều kiện chiến đấu ngặt nghèo nên tin tức từ Tây Ninh đến bấy giờ mới về tới Bến Tre. Cầm tờ giấy báo tử trên tay khiến trái tim người phụ nữ ấy như tan vỡ. Dẫu vẫn hiểu mất mát hi sinh trong chiến trận là điều không tránh khỏi, nhưng nỗi đau của người mẹ cứ quặn thắt trong tim.

Bàn thờ đơn sơ thờ 3 người con liệt sĩ của mẹ Ngày .
Bàn thờ đơn sơ thờ 3 người con liệt sĩ của mẹ Ngày .

"Ngày nhận báo tử của con trai, mấy mẹ con chỉ dám ôm nhau khóc thầm, cũng không dám lập bàn thờ vì sợ địch biết", mẹ Ngày nhớ lại.

Hay tin con mất, cụ Huỳnh chuyển về công tác gần nhà để an ủi vợ. Nhưng rồi chỉ hơn một tháng sau, cụ Huỳnh lại bị trực thăng của địch bắn trong một trận càn, hy sinh ở bờ sông cách nhà vài trăm mét. Lần này, biết chồng đã hy sinh, cụ Ngày lại phải nén đau, chờ giặc rút đi mẹ con mới dám chạy ra đưa thi thể về. 

Nối gót cha và anh, con trai thứ 2 của mẹ Ngày là ông Lê Văn Nghị (SN 1955) cũng gia nhập đội du kích. Cuối năm 1971, trong một chiều đi thăm dò đồn địch, ông Nghị không về nữa. Nỗi đau mất chồng, mất 2 con khiến mẹ như kiệt quệ, nhưng nghĩ đến các con, mẹ Ngày vực dậy để nuôi dạy các con.

Khi nỗi đau mất chồng, mất con chưa nguôi ngoai, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, mẹ Ngày tiếp tục gạt nước mắt để tiễn Thiếu úy Lê Văn Nhiệt (SN 1959) ra chiến trận. Đau đớn thay, năm 1979, người con trai thứ 5 của mẹ Ngày hy sinh khi đang chiến đấu ở bên kia biên giới.

Ông Khiết (nay 69 tuổi, con trai thứ 4 trong nhà) kể: "Nhận giấy báo tử, mẹ tôi gục hẳn, không còn khóc được nữa. Rồi khi tỉnh lại, mẹ hóa điên dại. Mấy năm liền, mẹ tôi khóc không ngừng, chỉ cần sơ ý là mẹ bỏ đi, ra bờ sông nơi ba ngã xuống". 

Với những hy sinh, đóng góp cao cả, năm 1992, mẹ Ngày được phong danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Đến bàn thờ thắp nén hương cho chồng, con, mẹ Ngày tâm sự: Những hy sinh của chồng con đã góp phần xây dựng đất nước vững bền, ngày càng giàu mạnh. Những cống hiến của người thân giờ đây thành niềm tự hào của gia đình. Mỗi dịp 27/7, gia đình tôi lại quây quần làm mâm cơm, vừa làm giỗ chung cho chồng, con, cũng là dịp để dạy con cháu về lòng yêu nước và tinh thần hy sinh, sẵn sàng cống hiến cho đất nước.