Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi niềm “công bộc” xã, phường - Bài 1: Gồng mình trước áp lực công việc

Thùy Linh - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Việc gì cũng đến tay” - nhiều người vẫn nói vậy về công việc của những cán bộ làm việc tại cơ sở. Nhưng khi áp lực về khối lượng, thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và nhất là đòi hỏi của người dân về chất lượng phục vụ ngày càng cao, thì thách thức đặt ra cho cán bộ, công chức (CBCC) xã, phường, thị trấn cũng ngày càng lớn.

Bài 1: Gồng mình trước áp lực công việc 
Với đặc thù địa bàn đô thị hóa nhanh, dân số đông, thành phần lại phức tạp, trong khi trình độ dân trí ngày càng cao, nhiều CBCC ở phường thực sự đang rơi vào tình trạng quá tải bởi công việc phải giải quyết mỗi ngày.
Mỗi ngày phải “ngốn” hàng trăm hồ sơ

Mặc dù đã gần 11 giờ nhưng CBCC bộ phận Một cửa (BPMC) phường Vĩnh Tuy vẫn không ngơi tay. Trong khoảng nửa tiếng phải tiếp hàng chục công dân. 2 công chức nhận, giải quyết hồ sơ và giải đáp mọi thắc mắc về mọi TTHC chứng thực, tư pháp, địa chính, LĐ-TB&XH…, trung bình khoảng 120, có khi tới 150 hồ sơ/ngày. “Từ sáng tới giờ tôi nhận gần 70 hồ sơ. Thường đúng 7 giờ 30 phút tôi có mặt để nhận kết quả từ bộ phận chuyên môn, sau đó nhận hồ sơ, trả kết quả cho công dân… Theo quy định sáng từ 8 giờ đến 11 giờ, chiều từ 13 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút (trừ chiều thứ Bảy), nhưng sau giờ đó mà còn công dân, chúng tôi vẫn phục vụ. Sau đó, tôi lại sắp xếp, bàn giao sang bộ phận chuyên môn để kịp xử lý, trả đúng hẹn. Thường 18 - 19 giờ tôi mới rời được cơ quan” - chị Nguyễn Thị Giang kể. Là một trong những phường có số dân đông nhất Hà Nội, Vĩnh Tuy được định biên 25 CBCC, trong đó BPMC bố trí hai công chức Văn phòng - Thống kê trực tiếp nhận, một lao động hợp đồng (LĐHĐ) chuyển hồ sơ cho lãnh đạo phường hoặc bộ phận chuyên môn, một LĐHĐ cập nhật văn bản, hỗ trợ người dân về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)... Ngoài tiếp nhận, thẩm định, xử lý hồ sơ, CBCC còn phải đến địa bàn, vận động người dân..., nhất là vào những chiến dịch như chống sốt xuất huyết thì càng phải “căng” ra.

Cán bộ tư pháp - hộ tịch phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến. Ảnh: Linh Chi

Tại phường Nghĩa Tân, một địa điểm trung tâm tiếp giáp 4 - 5 phường, BPMC cũng rất đông người làm TTHC. Công chức Phạm Thị Thúy cho biết mỗi ngày nhận 70 - 80 hồ sơ, chưa kể việc hướng dẫn công dân làm TTHC. Với lượng lớn hồ sơ như vậy, CBCC thường xuyên phải làm thêm giờ, thậm chí nhiều hôm 20 giờ mới xong để kịp trả kết quả. Hầu hết thời gian ở cơ quan, thêm gần 30km đi lại, chị Thúy không khỏi lo lắng làm sao sắp xếp thời gian dành cho gia đình, con nhỏ. Hơn nữa, người dân Nghĩa Tân có mặt bằng học thức tương đối cao, nên yêu cầu cũng cao hơn. “Chúng tôi không thể chậm trả kết quả, càng không thể để sai sót trong quá trình xử lý, sẽ ảnh hưởng đến uy tín của phường” - công chức Địa chính - xây dựng phường Nghĩa Tân Hà Thanh Phong chia sẻ.

Tìm hiểu cũng được biết, tại những phường “trung tâm” như Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm..., dù ít dân hơn, nhưng CBCC cũng không hề nhàn hơn. Bởi trụ sở UBND nằm gần nhiều cơ quan, DN, CBCC hàng ngày phải chứng thực biết bao loại hợp đồng, bằng cấp..., trong khi một quy trình chứng thực rất nhiều thao tác: Công chức “soi” bản chính, dập dấu bản sao, dấu có số - ngày, đi lấy chữ ký lãnh đạo, lại đóng dấu tròn, dấu tên…, nhiều lúc hàng xấp tài liệu. Đó mới là TTHC quy định trả kết quả ngay; với một số TTHC, cán bộ chuyên môn phải đến địa bàn xác minh, rất mất thời gian.

Trước tình trạng thiếu nhân lực, không ít phường phải bố trí thêm LĐHĐ ở BPMC để hỗ trợ phân loại hồ sơ, hướng dẫn DVCTT... Nhưng xem ra thế vẫn chưa đủ, và áp lực công việc vẫn đang “đè nặng” đôi vai CBCC phường.

Nhiều hồ sơ phải trả kết quả tận nhà

Dân trí ngày càng cao, đòi hỏi khắt khe về chất lượng phục vụ, nên yêu cầu hiện đại hóa hành chính cũng đặt ra càng cao với các phường. Hiện TP đã có 391 DVCTT được cung cấp mức độ 3, 4, trong đó, không ít phường ở Nam Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông, Thanh Xuân... đã áp dụng DVCTT mức độ 4.

Theo chân công chức Tư pháp - hộ tịch Đỗ Đắc Tiến (phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm) mang kết quả trích lục khai tử trả tận nhà hộ dân ở tổ 1 Ngọc Trục vào 12 giờ một ngày nắng nóng, chúng tôi phần nào cảm nhận được nỗi vất vả của CBCC phường trước đòi hỏi cải cách hành chính ngày càng cao hiện nay. Ngoài tiếp nhận hồ sơ, xử lý tại trụ sở, công chức thường tranh thủ buổi trưa, buổi tối mang trả kết quả tận nhà cho công dân, để giờ hành chính còn giải quyết nhiều việc chuyên môn.

Thực tế, lợi ích mang lại cho người dân từ DVCTT mức độ 4 tại một số phường như Đại Mỗ (Nam Từ Liêm), Kiến Hưng (Hà Đông), Hạ Đình (Thanh Xuân)… là rất lớn, nhất là trong giải quyết TTHC liên thông “3 trong 1” cho trẻ: Quy định mất 27 ngày nhưng Đại Mỗ giảm chỉ còn 3 ngày; người dân từ chỗ 6 lần đi lại 3 cơ quan thì nay chỉ một lần ra nộp giấy tờ gốc, nhận kết quả tại nhà. Anh Nguyễn Đắc Thắng (tổ 2 Ngọc Trục, Đại Mỗ) nhận xét: “5 năm trước, Đại Mỗ còn là xã, muốn làm khai sinh cho con, người dân phải ra UBND xã kê khai tỉ mỉ, sang Công an huyện, rồi nửa tháng sau quay lại xã mới có kết quả. Nay được giải quyết nhanh gọn chỉ 2-3 ngày, họ không còn “sợ” ra cơ quan hành chính. Nhưng để mang lại những tiện ích như vậy, đúng là đổi lại, CBCC đã phải hy sinh, vất vả rất nhiều”.
Với những TTHC thông thường như chứng thực, xác nhận lý lịch…, công chức BPMC không chuyển hồ sơ đến bộ phận chuyên môn mà phải thẩm định luôn để trình lãnh đạo (có thể Phó Chủ tịch UBND phường ngồi ngay tại BPMC để ký). Sau đó, công chức nhận lại kết quả, chuyển sang đóng dấu, thu phí… và trả ngay cho người dân, thời gian chờ chỉ khoảng nửa tiếng.

(Còn nữa)