Con đường sự nghiệp đầy thách thức
Năm cuối của thời đại học kết thúc cũng là lúc nhiều cựu sinh viên phải tự quyết định con đường đi tiếp của mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có bước khởi đầu suôn sẻ, xác định có thể thất nghiệp một tháng, hai tháng, thậm chí hàng năm trời… Với bạn Đại Thắng (tân cử nhân trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) con đường sự nghiệp cũng còn nhiều thách thức như vậy.
Năm 2023, Thắng tốt nghiệp đại học ngành Hán Nôm. Đây là một ngành khoa học có khả năng liên kết con người, xã hội hiện đại với lịch sử, truyền thống văn hóa, giúp cung cấp tri thức về lịch sử, văn hóa, ngữ văn và kiến thức cơ bản về Hán Nôm. Cụ thể là các hoạt động như: Sưu tầm, phiên dịch, nghiên cứu, khai thác, giảng dạy Hán Nôm, đáp ứng nhu cầu của các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, cơ quan Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể, công ty, doanh nghiệp.
Bạn trẻ Đại Thắng (bên phải) cùng bạn của cậu theo đuổi ngành Hán Nôm |
Dù vậy, Thắng ra trường đến nay vẫn chưa tìm được công việc theo chuyên ngành đã học. Bạn trẻ chia sẻ: “Sinh viên tốt nghiệp ra trường không dễ dàng kiếm được việc làm. Mình trước khi vào trường, tuy không xác định cụ thể công việc sau khi tốt nghiệp nhưng luôn mong muốn có công việc ổn định. Nay ra trường rồi, mình cảm thấy khó cạnh tranh với các bạn khác, ngoài ra còn yêu cầu về kĩ năng mềm ngoài kiến thức chuyên môn nữa, trong khi đó mình còn yếu thứ này”.
Đại Thắng chọn cho bản thân con đường tiếp tục học một chuyên ngành khác. Cậu bày tỏ: “Trước hết, mình vừa học vừa kiếm việc làm thêm để tích luỹ kinh nghiệm, sau khi học xong sẽ xin những công việc liên quan đến ngành học”.
Dù đã tốt nghiệp được 3 năm với tấm bằng khá nhưng Nguyễn Thị Lan (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn loay hoay xin việc. Lan học sư phạm nhưng dù ở lại Hà Nội hay về quê, cô cũng chưa tìm được công việc theo ngành học. Lan đành đi làm nhân viên bán hàng cho một siêu thị tại Hà Nội. Nay, cô gái trẻ dường như không còn tha thiết với mục tiêu trở thành giáo viên như từng mơ ước nữa.
Lan cho biết: “Mình dự định làm việc ở siêu thị một thời gian rồi sẽ tự ra khởi nghiệp kinh doanh. Khi còn học ở trường đại học và thời điểm mới tốt nghiệp, mình luôn ao ước được trở thành cô giáo đúng như những gì mình học nhưng nay mình nghĩ khác, sẽ làm việc tự do bằng cách tự làm chủ.
Biết rằng gặp rất nhiều khó khăn nhưng mình sẽ cố gắng. Thật sự việc làm cho sinh viên ra trường không hề dễ kiếm. Hơn nữa, mình thấy nhiều người theo nghề xong cũng bỏ ngang vì không đủ kiên nhẫn, không đủ sống bằng tiền lương. Bởi thế, cho đến bây giờ, mình cũng chẳng tiếc vì học xong không theo đúng nghề”.
Thiếu nhiều kỹ năng
Gặp gỡ nhiều tân cử nhân và hỏi về vấn đề việc làm, chúng tôi nghe những lời than vãn như: “Số mình kém may mắn”, “Tìm việc làm không dễ”, “Lương không đủ sống”… Cũng có câu “cửa miệng” than thở tương tự như vậy, Nguyễn Mạnh Hùng (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang rất chán nản. Sau khi tốt nghiệp đại học, Hùng lặn lội tìm việc ở khắp nơi, nộp hồ sơ vào các doanh nghiệp tư nhân với mức lương hấp dẫn nhưng đều “out” khỏi vòng phỏng vấn vì nhà tuyển dụng chỉ hỏi bằng tiếng Anh, mà khoản này cậu rất kém.
Các bạn trẻ tìm kiếm việc làm |
Vài lần nộp CV, đi phỏng vấn tuyển dụng, Hùng nản. Anh chàng Gen Z bày tỏ: “Dù bằng loại khá nhưng mình vẫn khó xin việc vì nhà tuyển dụng muốn ứng viên có kinh nghiệm và nhiều kỹ năng mà chỉ khi tương tác thực tế rồi mới có. Hơn nữa ngoại ngữ của mình lại kém, trong khi nhiều công ty đặt tiêu chí này lên trên hết.
Theo anh Nguyễn Hoàng Tùng, Giám đốc FPT Software chi nhánh Indonesia: Điều khó khăn nhất với các bạn trẻ mới ra trường là sự khác biệt về môi trường doanh nghiệp và đại học. Vì vậy, sự thích nghi nhanh chóng là yếu tố then chốt dẫn tới thành công.
Khả năng thích nghi, giao tiếp tốt và ngoại ngữ là ba yếu tố mà các bạn trẻ nên trau dồi từ khi còn đi học. Khi học, điểm số chỉ là một phần của hành trình, điều cốt lõi là mình học được gì, vận dụng ra sao và chọn được môi trường như thế nào là phù hợp nhất.
Mình cũng đã thử làm việc ở một công ty truyền thông nhưng chỉ được một tháng là cả quản lý và chính bản thân cũng thấy “không ưa” về mình. Giờ mình không biết phải bắt đầu như thế nào, có lẽ phải đi học một nghề gì đó để làm lại”.
Theo các nhà tuyển dụng, mặc dù nhiều bạn trẻ có bằng cấp được xếp loại cao nhưng khi ra thực tiễn thực hành, họ quá yếu kỹ năng mềm. Đó là những kỹ năng thích ứng với cuộc sống. Chúng ta chưa nói đến kỹ năng chuyên môn nhưng nếu đi làm, tiếp xúc với môi trường mà kỹ năng mềm quá yếu hoặc thiếu sẽ là gánh nặng của tổ chức, doanh nghiệp.
Hiện nay, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp hoặc làm trái ngành chiếm tỉ lệ rất lớn mà theo các chuyên gia nhận định, nguyên nhân khách quan là do nhu cầu về nhân lực ở một số ngành chỉ ở mức thấp nhưng mỗi năm các cơ sở giáo dục đào tạo không ngừng cung cấp thêm nguồn nhân lực. Điều này dẫn đến nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc, từ đó thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành.
Còn nguyên nhân chủ quan là do sinh viên đã lựa chọn, định hướng sai ngành nghề. Các bạn không chọn theo đam mê mà chọn theo cảm tính, theo bạn bè hay mong muốn của gia đình… Ngoài ra, nhiều sinh viên tốt nghiệp nhưng năng lực không đáp ứng được yêu cầu công việc đề ra do không trau dồi kiến thức, kỹ năng trên giảng đường đại học dẫn đến thiếu những kỹ năng cần thiết như sự tự tin, khả năng giao tiếp, khả năng ngoại ngữ…
Một số bạn trẻ vừa tốt nghiệp tìm được việc làm như mong muốn chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng ta đừng để lãng phí thời gian. Nếu đi làm thêm ngay từ khi còn học đại học thì rất tốt, từ đó mở ra nhiều cơ hội việc làm. Còn không thì ngay khi tốt nghiệp, chúng ta nên tìm việc đi làm ngay, dù không đúng ngành nghề học nhưng mỗi công việc sẽ mang lại những hiểu biết, kỹ năng nhất định. Có thể bắt đầu từ con số không chứ đừng để mọi thứ dừng lại ở một con số “chết”. Việc ở nhà và đợi một điều kỳ diệu đến là không thể”