Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông dân Hà Nội năng động làm giàu

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, trên địa bàn TP Hà Nội đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến phát triển kinh tế. Họ là những “đầu tàu” trong khai thác tiềm năng đất đai, lao động, vốn và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

Luồng gió mới phát triển sản xuất

Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) không chỉ tiên phong đầu tư nghiên cứu công nghệ nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo, mà còn hỗ trợ nhiều nông dân xây dựng mô hình sản xuất nông sản hữu cơ, an toàn, chất lượng cao.

Cơ sở nuôi cấy đông trùng hạ thảo của Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai).
Cơ sở nuôi cấy đông trùng hạ thảo của Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai).

Hiện tại, công ty có 2 cơ sở nuôi cấy tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) và TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), với tổng diện tích gần 15.000m2; năng suất đạt 18 tấn dược liệu tươi/năm. Trung bình mỗi năm, Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc cung cấp khoảng 3 triệu phôi giống cho các cơ sở trên địa bàn cả nước, xuất bán từ 20 - 30 tấn đông trùng hạ thảo.

Giám đốc Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc Nguyễn Thị Hồng cho hay, thời gian qua, Thiên Phúc đã tích cực chuyển giao công nghệ, nghiên cứu mở rộng mô hình, quảng bá sản phẩm. Đến nay, công ty đã xây dựng vệ tinh cho doanh nghiệp là các hộ nông dân; phối hợp với Hội Nông dân huyện Thanh Oai tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về trồng các loại nấm cho 300 hội viên. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ giống, nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động của xã Dân Hòa và địa phương lân cận, với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Với mô hình chăn nuôi gà giống áp dụng công nghệ cao, nhiều năm liền ông Hoàng Mạnh Ngọc (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Từ phong trào dồn điền, đổi thửa, xây dựng nông thôn mới của địa phương, gia đình ông Ngọc có điều kiện tích tụ đất đai, thành lập trang trại chăn nuôi gà quy mô 5ha.

Trang trại áp dụng công nghệ vào sản xuất với 100 máy ấp nở, công suất 20.000 quả trứng/máy, mỗi tháng cung cấp cho thị trường khoảng 600.000 con gà giống các loại. Trung bình mỗi năm, mô hình chăn nuôi gà giống áp dụng công nghệ cao mang lại doanh thu trên dưới 100 tỷ đồng cho ông Ngọc. Năm 2022, ông Hoàng Mạnh Ngọc vinh dự là 1 trong 100 nông dân được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc.

Trang trại sản xuất gà giống của hộ ông Hoàng Mạnh Ngọc (xã Liên Hà, huyện Đông Anh). 
Trang trại sản xuất gà giống của hộ ông Hoàng Mạnh Ngọc (xã Liên Hà, huyện Đông Anh). 

"Trang trại của tôi tự tin lai tạo ra những giống gà chất lượng vượt trội, cạnh tranh bình đẳng với các giống gà ngoại do công ty nước ngoài sản xuất. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, mà tôi luôn sẵn lòng hỗ trợ địa phương trong xây dựng nông thôn mới, cũng như chia sẻ kinh nghiệm với các hội viên khác làm giàu từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao"- ông Hoàng Mạnh Ngọc chia sẻ.

Đó chỉ là 2 trong số những thành viên chủ chốt của Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi TP Hà Nội. Mặc dù mới đi vào hoạt động từ tháng 6/2023 song câu lạc bộ đã thổi luồng gió mới cho phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi Thủ đô.

Lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm

Những năm qua, phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi được lan toả rộng khắp trong các cấp Hội Nông dân trên địa bàn TP Hà Nội, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh có hiệu quả đã giúp cho những hộ nghèo thay đổi cách suy nghĩ làm ăn. Thông qua sự hỗ trợ về giống, vốn, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, tạo việc làm, phong trào đã giúp cho nhiều hộ nghèo có thêm thu nhập, thoát nghèo bền vững.

 

Trong năm 2024 các cấp Hội Nông dân TP phấn đấu triển khai thực hiện 70 công trình, mô hình liên kết, hợp tác sản xuất và ứng dụng chuyển đổi số; có 60% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Đánh giá về hoạt động của Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi TP Hà Nội, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa nhận định, các thành viên câu lạc bộ đã thực sự là cầu nối, tạo điều kiện cho các thành viên câu lạc bộ trao đổi, phát huy ý tưởng sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh; tiên phong trong hoạt động phong trào do các cấp Hội Nông dân phát động. Họ còn là hạt nhân liên kết, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo động lực thi đua phát triển kinh tế trong cán bộ, hội viên, nông dân toàn TP.

Tuy nhiên, một số thành viên câu lạc bộ vẫn đang đối mặt với những khó khăn nhất định như: Nguồn vốn đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, giá thành sản phẩm cao, khó tiêu thụ ở một số thời điểm.  

Theo bà Phạm Hải Hoa, thời gian tới, Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi TP Hà Nội cần tiếp tục nâng cao khả năng ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, kỹ thuật sản xuất hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất giống cây trồng và vật nuôi, nhất là phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.

Cùng với đó, câu lạc bộ cũng phải mạnh dạn đưa một số mô hình nông nghiệp phù hợp vào thực hiện tại các địa phương, gắn với phát triển du lịch nông thôn, nhằm nâng cao đời sống và giải quyết việc làm cho người dân.