Chuyển hướng nuôi dê lấy sữa để làm giàu
Đó là trường hợp anh Lê Minh Hải (SN 1978, ngụ ấp 2, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), Giám đốc HTX Chăn nuôi dê xã Đa Phước với 7 thành viên.
Anh Hải cho biết: “Quê tôi ở tỉnh Tiền Giang, hồi học phổ thông mỗi ngày một buổi đi học, một buổi chăn dê nên tôi có chút kinh nghiệm. Năm 1998, tôi lên TP Hồ Chí Minh, thấy người dân TP tiêu thụ thịt dê rất nhiều, trong khi nhiều cửa hàng “treo đầu dê, bán thịt chó”, nên năm 2002 tôi xin cha mẹ ít tiền rồi về xã Đa Phước mua đất dựng nhà và khởi nghiệp với đàn dê”.
Trong những lần đi giao thịt dê, anh Hải thấy một số người cũng nuôi dê nhưng để lấy sữa, anh lại tìm hiểu cách nuôi dê lấy sữa.
Năm 2007, anh Hải quyết định qua Thái Lan mua 20 con dê giống để nuôi lấy sữa: “Lúc đó nhiều người trong khu vực cho rằng tôi bị… khùng, nhưng tôi bỏ ngoài tai, tập trung vào chăm sóc dê. Đến năm 2010, vợ chồng tôi bắt đầu vắt sữa mỗi ngày được khoảng 70-80 lít sữa dê, chở ra huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) để bán nguyên liệu thô cho nhà máy với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/1 lít”, anh Hải kể lại.
Với đàn 20 con dê nuôi lấy sữa để bán, từ năm 2010 đã đem về cho gia đình anh Hải từ 300-500 triệu đồng/năm. Từ thành công với mô hình nuôi dê lấy thịt và sữa, anh Hải quyết định thuê thêm 8.000m2 đất nông nghiệp ở gần nhà để mở rộng chuồng trại, bãi trồng cỏ, bãi chăn thả…
Ứng dụng công nghệ, tự sản xuất sản phẩm, giá trị tăng lên 50-60%
Khu trại dê được anh Hải xây dựng trên diện tích khoảng 400m2, áp dụng kỹ thuật khác với nhiều trại dê thường thấy. Chuồng dê nhà anh Hải xây theo kiểu nhà sàn, cao cách mặt đất gần 2m, chuồng chia thành nhiều ô để tách và nuôi theo lứa, sàn chuồng có nhiều khe hở để khi vệ sinh chuồng thì phân dê trôi xuống đất (đã được lát bê tông), nước thải thoát ra ao, phân dê vẫn nằm lại để dùng bón cho một số cây ăn quả theo hướng nông nghiệp hữu cơ.
Khi đã thành công với việc nuôi dê lấy sữa, bảo quản sữa, anh Hải tiếp tục tìm hiểu cách chế biến sữa dê nguyên liệu thành sữa dê thanh trùng, yaourt…
“Khi đã nắm bắt được kỹ thuật chế biến, tôi quyết định đầu tư công nghệ để sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói…, ngừng bán sữa thô cho nhà máy sữa tại Đồng Nai để tự mình sản xuất sản phẩm, trực tiếp bán ra thị trường. Đến nay, tôi đã sản xuất được 4 sản phẩm: sữa dê thanh trùng, sữa chua dê, sữa dê yooomilk, bánh flan sữa dê. Việc tự sản xuất sản phẩm từ sữa thô, đã nâng giá trị sản phẩm lên từ 50-60% so với đem bán nguyên liệu sữa thô cho nhà máy”, anh Hải bộc bạch.
Trại dê của gia đình anh Lê Minh Hải và một số công đoạn sản xuất sản phẩm sữa dê thanh trùng. Clip: Tân Tiến.
Năm 2022, anh Hải cùng Hội nông dân xã Đa Phước vận động 7 hộ nuôi dê tại xã thành lập HTX Chăn nuôi dê Đa Phước và anh Hải được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX.
Sản phẩm đủ điều kiện xuất ra nước ngoài
Hiện nay, chỉ riêng đàn dê trong trại của gia đình anh Hải luôn có từ 250-300 con, cung cấp dê thịt cho thị trường 40-50 con/năm; mỗi ngày thu hoạch khoảng 80-100 lít sữa dê, sản xuất 300-400 sản phẩm từ sữa; tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với thu nhập từ 6-9 triệu đồng/người/tháng; lợi nhuận bình quân trên 1 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Hữu Diền - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Phước (huyện Bình Chánh) cho biết, anh Hải không những chăn nuôi giỏi, mạnh dạn đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm cho xã hội. Anh Hải luôn hỗ trợ về kinh nghiệm, kỹ thuật, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nuôi dê trong xã và một số hộ khác tại huyện Bình Chánh.
Đối với cộng đồng, anh Hải luôn tích cực phối hợp cùng Hội Nông dân xã thực hiện nhiều công trình an sinh xã hội, như: mua 2 máy xới mini tặng 2 hộ nghèo của xã (30 triệu đồng) cùng nhiều đóng góp khác…
Từ những thành tích trên, anh Lê Minh Hải được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, UBND huyện Bình Chánh tặng nhiều bằng và giấy khen; được UBND xã Đa Phước công nhận điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; được Hội Nông dân TP bình bầu danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” năm 2023.
Sản phẩm sữa dê thanh trùng do anh Lê Minh Hải sản xuất đã được Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh bình chọn là “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu TP năm 2021”, đủ điều kiện xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.