Nông dân mệt mỏi chờ sổ đỏ sau dồn điền đổi thửa
Khoảng 10 năm trước, ông Đinh Duy Long giao hơn 4 sào đất lúa cho địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa ở cánh đồng Tế Bắc (xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) với diện tích gần 25 ha, sau đó phân chia lại cho dân canh tác.

Vấn đề là, dù đã được chia lại đất sau dồn điền đổi thửa đã lâu, thế nhưng đến nay ông Long vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
“Nhiều lần hỏi chính quyền thì họ bảo chưa xong. Tôi giờ già rồi, chỉ mong đất được cấp sổ đỏ để còn chuyển cho con, cháu thừa kế”- ông Long nói.
Ngoài ông Long, gần 200 hộ dân có đất canh tác ở đồng Tế Bắc cũng lâm vào tình trạng tương tự. Việc chậm trễ trong đổi sổ, cấp sổ đỏ khiến người dân bức xúc trong nhiều năm.
Đáng chú ý, tình trạng này không chỉ xảy ra ở xã Nghĩa Thương mà còn xảy ra ở nhiều địa phương khác của huyện Tư Nghĩa như Nghĩa Kỳ, Nghĩa Điền, Nghĩa Phương, Nghĩa Trung với hàng nghìn hộ nông dân đang mỏi mòn chờ được cấp sổ đỏ.

Ông Phạm Bảy (xã Nghĩa Kỳ) bức xúc: "Họ bảo làm ít bữa rồi trao sổ cho dân nhưng mà không thấy. Phải có sổ đỏ để xác nhận thửa đất đó là của mình, sau này có chuyển đổi hay vay vốn cho con cái làm ăn thì cũng thuận lợi”.
Theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng, địa phương đã nhiều lần mời đơn vị có liên quan đến làm việc, kể cả cử cán bộ xã tới trực tiếp để thúc đẩy làm các thủ tục hồ sơ để cấp giấy chứng nhận cho bà con. Thế nhưng, sự việc vẫn chưa có kết quả như mong đợi vì đơn vị này thiếu nhân lực.

Qua tìm hiểu được biết, từ năm 2018 đến năm 2021, 5 xã gồm: Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thương, Nghĩa Điền, Nghĩa Phương và Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa ký 13 hợp đồng trị giá gần 1,5 tỷ đồng với Trung tâm Tư vấn nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi để thực hiện đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ cấp sổ đỏ cho gần 2.000 hồ sơ sau dồn điền đổi thửa. Tuy nhiên, đến nay chưa hộ dân nào nhận được sổ đỏ.
“Đề nghị Sở NN&PTNT chỉ đạo đơn vị tư vấn về địa phương để thống nhất làm việc, nội dung nào làm được, nội dung nào chưa làm được. Cần thiết sẽ thanh lý hợp đồng và bàn giao toàn bộ hồ sơ đó để giao cho UBND các xã tiếp tục hợp đồng đơn vị tư vấn mới, hoàn thành các thủ tục hồ sơ với mục đích là phải cấp sổ cho người dân”- Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh nói.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay, Trung tâm Tư vấn nông nghiệp và phát triển nông thôn không đủ khả năng để tiếp tục thực hiện hoàn thiện hợp đồng còn dở dang như đã ký kết với các địa phương. Nguyên nhân là do không còn nhân lực nào có nghiệp vụ về địa chính đất đai và không có kinh phí hoạt động.

Quảng Ngãi tìm hướng "giải cơn khát" cho huyện 24.000 dân
Kinhtedothi- Phương án cấp nước ngọt ổn định, bền vững để đáp ứng yêu cầu phát triển của Lý Sơn trong thời gian tới, cũng như việc xây dựng hệ thống trữ, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt huyện đảo này là rất cần thiết.

Năm học mới cận kề, Quảng Ngãi vẫn thiếu khoảng 900 giáo viên
Kinhtedothi- Trước thềm năm học mới 2024-2025, tỉnh Quảng Ngãi vẫn thiếu khoảng 900 giáo viên ở các cấp, bậc học.

Bảo tồn, phát triển văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi
Kinhtedothi- Quá trình hội nhập và phát triển đã đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số.