Với vai trò và trách nhiệm của tổ chức Hội Nông dân, trong những năm qua các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện dồn điền đổi thửa, sản xuất theo quy hoạch vùng tập trung chuyên canh, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, và sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn chất lượng an toàn; phát triển mô hình kinh tế tập thể; dạy nghề, truyền nghề; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; bảo quản, chế biến sản phẩm; giới thiệu, quảng bá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho nông dân.
Điển hình như: Mô hình chuỗi chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học tại huyện Ứng Hòa, Thường Tín, Phúc Thọ, Ba Vì...; mô hình chuỗi trồng rau theo quy trình VietGap tại huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ, Gia Lâm...; mô hình chuỗi quả an toàn tại huyện Đan Phượng, Mê Linh, Chương Mỹ, Thanh Oai; mô hình chuỗi chế biến nông sản tại huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức...
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe 10 ý kiến tham luận, trao đổi những kinh nghiệm về công tác tuyên truyền vận động nông dân thực hiện Chương trình OCOP. Trọng tâm là thực trạng liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp và các tổ chức khác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm qua việc xác lập quyền khai thác, quyền sở hữu nhãn hiệu nông sản và làng nghề; về xây dựng chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Đặc biệt là về xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường. Công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm Phát huy lợi thế và nâng tầm giá trị các sản phẩm đặc sản và truyền thống của mỗi địa phương, thiết thực hưởng ứng Chương trình.
Cũng tại chương trình, chủ trì tọa đàm là đại diện Hội Nông dân TP, Sở NN&PTNT, Liên minh HTX Hà Nội đã trả lời những câu hỏi cùng các kiến nghị, đề xuất của cán bộ, hội viên nông dân 6 huyện tham dự. Nội dung hỏi đáp tập trung vào các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp; phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế từng địa phương, tạo nên chuỗi giá trị và thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp Thủ đô…
Chủ tịch Hội Nông dân TP Phạm Hải Hoa cho biết, để góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình OCOP trong thời gian tới, tổ chức Hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chương trình để các hội viên nông dân nhận thức đúng và ứng xử phù hợp với Chương trình. Công tác truyền thông cần làm cho người tiêu dùng cũng sẽ được coi trọng nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.
Đặc biệt, Hội Nông dân TP sẽ đẩy mạnh hỗ trợ hội viên về giống, vốn, khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn. Thúc đẩy liên kết “6 nhà” tham gia chặt chẽ, hiệu quả vào lộ trình xây dựng thương hiệu nông sản; tập trung phát triển một số nông sản chủ lực để hình thành vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn. Đồng thời, xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến tới đủ điều kiện đăng ký sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP…