70 năm giải phóng Thủ đô

Nông nghiệp Hà Nội tăng tốc sản xuất ngay từ đầu năm

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm này, các hợp tác xã, trang trại, nông hộ trên địa bàn TP Hà Nội đang đẩy mạnh sản xuất để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường. Đây là tín hiệu lạc quan về một năm mới bội thu, nông sản được mùa, được giá.

Tất bật vào vụ mới

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, ngay sau Tết Nguyên đán, nông dân huyện Ứng Hòa đã nô nức xuống đồng, làm đất, chăm sóc mạ bảo đảm gieo cấy lúa Xuân trong khung thời vụ tốt nhất.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho biết, vụ Xuân năm 2022, huyện Ứng Hòa gieo cấy 8.100ha lúa, với cơ cấu 60% giống lúa chất lượng cao, còn lại là các giống lúa thuần.

Nông dân huyện Ứng Hòa khẩn trương gieo cấy lúa Xuân. Ảnh: Ngọc Ánh
Nông dân huyện Ứng Hòa khẩn trương gieo cấy lúa Xuân. Ảnh: Ngọc Ánh

Tính đến ngày 15/2, toàn huyện đã gieo cấy được 2.700ha lúa, đạt tỷ lệ 34%. Huyện đang chỉ đạo các đơn vị chủ động điều tiết nước, vận động nông dân, hợp tác xã khẩn trương sản xuất, phấn đấu hoàn thành gieo cấy trong tháng 2.

Còn với nhiều hộ trồng rau tại thôn Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) thì gần như không có ngày nghỉ. Những ngày này, ngay khi gấp rút thu hoạch xong lứa rau bắp cải, su hào phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán, bà con nông dân đang bắt tay vào xử lý đất, xuống giống các loại rau ăn lá (cải xanh, cải ngọt, cải mèo, mồng tơi…).

Chăm sóc rau an toàn tại thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Ngọc Ánh
Chăm sóc rau an toàn tại thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Ngọc Ánh

Ông Nguyễn Khắc Đạo - Trưởng nhóm khu sản xuất rau an toàn Tiền Lệ phấn khởi cho hay: “Song song với việc vào vụ mới, chúng tôi vẫn duy trì cung ứng ra thị trường 800kg rau các loại/ngày theo hợp đồng của các công ty liên kết. Mừng nhất là nhà hàng, trường học đã mở cửa trở lại, nhu cầu rau xanh của thị trường tăng cao đã giúp giá rau tăng hơn so với thời điểm trước Tết. Hiện, các loại rau được bán buôn với giá trung bình 15.000 đồng/kg, nếu duy trì ổn định ở mức giá này, các thành viên trong nhóm hộ sẽ có thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng”.

Chăn nuôi gà thương phẩm tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Ngọc Ánh
Chăn nuôi gà thương phẩm tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Ngọc Ánh

Không kém phần tất bật, các trang trại, cơ sở chăn nuôi cũng đang đẩy mạnh việc tái đàn để bảo đảm nguồn cung cho thị trường sau Tết Nguyên đán. Luôn tay luôn chân với việc chăm sóc đàn gà hơn 2 vạn con, anh Ngô Trọng Hiển (ở xã Thụy An, huyện Ba Vì) chia sẻ, cách đây chừng hơn 1 tháng anh vào lứa gà thương phẩm mới với 1,5 vạn con, cùng với đó là chăm sóc 8.000 gà bố mẹ phục vụ sản xuất gà giống cung ứng cho thị trường.

“Dịp Tết Nguyên đán, trang trại của tôi xuất bán được hơn 10 tấn gà thương phẩm với giá bán buôn 110.000 đồng/kg. Đây là động lực lớn để gia đình tôi mạnh dạn tái đàn mặc dù giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn đang tăng ở mức 2% so với cùng kỳ năm trước” - anh Hiển tâm sự.

Đầu tư ứng dụng công nghệ cao, tăng liên kết chuỗi

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, từ cuối năm 2021, Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Xuân 2022 và tái đàn sau Tết Nguyên đán. Đến nay, qua rà soát, kiểm tra thực tế, cơ bản các địa phương triển khai đúng tiến độ.

Nông dân huyện Mỹ Đức gieo cấy lúa vụ Xuân năm 2022. Ảnh: Ngọc Ánh 
Nông dân huyện Mỹ Đức gieo cấy lúa vụ Xuân năm 2022. Ảnh: Ngọc Ánh 

Năm 2022, ngành nông nghiệp Thủ đô xác định sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức từ thiên tai, dịch bệnh. Cùng với đó, ngành phải giải quyết nhiều bất cập như: Sản xuất chưa có bứt phá; chưa phát huy được lợi thế của kinh tế nông thôn, kinh tế trang trại; khâu bảo quản, chế biến nông sản hiệu quả chưa cao...  

Chủ động khắc phục những bất cập, hạn chế, nhiều giải pháp đã được Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các huyện, thị xã triển khai ngay từ đầu năm. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, Thanh Oai đã xây dựng cơ chế hỗ trợ về nguồn giống, kinh phí cho các mô hình sản xuất chất lượng cao, đưa cây, con giống vào sản xuất ngay trong vụ Xuân. Đồng thời, hình thành những gian hàng để giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề, các sản phẩm đạt chứng nhận Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Chăn nuôi vịt thương phẩm ứng dụng công nghệ cao tại thị xã Sơn Tây. Ảnh: Ngọc Ánh
Chăn nuôi vịt thương phẩm ứng dụng công nghệ cao tại thị xã Sơn Tây. Ảnh: Ngọc Ánh

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2022, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất đối với từng lĩnh vực và sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế để có những điều chỉnh phù hợp.

 

Ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục tái cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, chế biến và dự báo thị trường; phấn đấu năm 2022 đạt tốc độ tăng trưởng 2,5 - 3%.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ

Trước mắt, ngành nông nghiệp tập trung tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị; từng bước nâng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ với các cây trồng chủ lực; mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, tăng thêm các cửa hàng, điểm bán và hình thành các nhóm tiêu thụ rau an toàn tại khu dân cư. Cùng với đó, sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, cơ cấu ngành chăn nuôi phù hợp với thực tiễn; phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh...

Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, để thích ứng với điều kiện mới, vấn đề cần ưu tiên của nông nghiệp Thủ đô là đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu công nghệ cao, công nghệ số trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường sự kết nối, hình thành một nền nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, lao động nhằm tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng.