Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Quảng Ngãi hướng đến phát triển công nghiệp bền vững

Kinhtedothi-Quảng Ngãi đang từng bước hình thành nền công nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường. Với định hướng phát triển xanh - sạch - bền vững, công nghệ quản lý tiên tiến được đẩy mạnh cùng việc thu hút các dự án công nghiệp thế hệ mới sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng lâu dài.

Sau hơn 3 thập niên tái lập tỉnh, Quảng Ngãi đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, từ một địa phương thuần nông trở thành điểm sáng công nghiệp của khu vực miền Trung. Nổi bật trong hành trình ấy là sự phát triển nhanh chóng về công nghiệp, đặc biệt với sự hình thành và phát triển của Khu kinh tế Dung Quất.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động đóng một dấu mốc quan trọng cho sự phát triển công nghiệp của Quảng Ngãi.

Từ dấu mốc năm 2009 khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, đến nay tỉnh đã hình thành nhiều khu công nghiệp hiện đại, tiêu biểu như VSIP Quảng Ngãi. Sau hơn 10 năm hoạt động, VSIP đã thu hút 44 dự án FDI, tổng vốn đầu tư gần 1,5 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 34.000 lao động.

VSIP II Quảng Ngãi có quy mô gần 500ha được khởi công trong năm 2025, hướng đến xây dựng khu công nghiệp thông minh và bền vững, tích hợp các giải pháp tiết kiệm năng lượng, xử lý chất thải và quản lý hạ tầng bằng công nghệ số.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận, Quảng Ngãi cũng đang đứng trước thách thức về môi trường, sử dụng tài nguyên và yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động tiếp cận và triển khai các công cụ quản lý hiện đại.

Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi và cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động chuyển hướng phát triển công nghiệp theo hướng xanh, sạch, tiết kiệm và hiệu quả. Tỉnh triển khai đồng bộ nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng dụng các hệ thống quản lý hiện đại như ISO 50001 (quản lý năng lượng), ISO 14001 (quản lý môi trường), công cụ MFCA (kiểm soát dòng nguyên vật liệu), và ESG (môi trường - xã hội - quản trị).

Các công cụ này giúp doanh nghiệp từng bước kiểm soát tiêu hao nguyên vật liệu, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phát thải và tổn thất trong sản xuất, qua đó đóng góp tích cực cho mục tiêu tăng trưởng xanh.

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Quảng Ngãi như Lọc hóa dầu Bình Sơn, Thép Hòa Phát Dung Quất, Bia Sài Gòn Quảng Ngãi, Vinasoy... đã tiên phong triển khai các công cụ quản lý hiện đại. Trong đó, Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy là một trong những đơn vị đi đầu trong áp dụng MFCA từ năm 2017.

Ông Cao Minh Hà – Trưởng ca sản xuất của nhà máy cho biết, công cụ này giúp hạch toán chi phí nguyên vật liệu một cách chi tiết, từ đó loại bỏ lãng phí và tổn thất về năng lượng, giảm thiểu tác động môi trường và tối ưu hiệu quả sản xuất.

Không chỉ ở cấp doanh nghiệp, tỉnh cũng tổ chức nhiều lớp đào tạo chuyên sâu về năng suất xanh, ISO 14001, MFCA… giúp đội ngũ kỹ thuật và cán bộ quản lý nâng cao năng lực, chuyển từ mô hình sản xuất truyền thống sang quản trị hiện đại.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi Trần Công Hòa cho biết, tỉnh đang định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và công nghiệp xanh.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu các kế hoạch cụ thể, thiết thực với doanh nghiệp, tập trung vào xây dựng mô hình điểm, lan tỏa phong trào năng suất – chất lượng gắn với bảo vệ môi trường”- ông Hòa nói.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang, năm 2025 là thời điểm then chốt để ngành công nghiệp tiếp tục phát triển ở mức cao hơn.

Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đi vào hoạt động bước đầu, góp phần tăng sản lượng sản phẩm công nghiệp cho Quảng Ngãi.

“Tỉnh kỳ vọng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất duy trì hoạt động 100% công suất, không tạm dừng để bảo dưỡng như năm 2024. Bên cạnh đó, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đi vào hoạt động bước đầu, góp phần tăng sản lượng sản phẩm công nghiệp” - ông Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Giang, một động lực quan trọng khác là việc triển khai Đề án Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất. Đề án này sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như lọc hóa dầu, năng lượng tái tạo, năng lượng mới và năng lượng sạch - phù hợp với xu thế chuyển dịch xanh toàn cầu.

Phát triển công nghiệp bền vững tại Quảng Ngãi không chỉ là yêu cầu của thời đại mà đã trở thành hành động cụ thể. Từ các mô hình sản xuất tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường đến chiến lược thu hút đầu tư xanh, tỉnh đang từng bước xây dựng nền công nghiệp hiện đại, hiệu quả và hài hòa với thiên nhiên - vì sự phát triển lâu dài của địa phương và cộng đồng.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Phú Thọ: chú trọng phát triển kinh tế làng nghề nông thôn

Phú Thọ: chú trọng phát triển kinh tế làng nghề nông thôn

05 Jul, 06:27 PM

Kinhtedothi - Phú Thọ đang tập trung phát triển kinh tế nông thôn thông qua nhiều giải pháp, bao gồm đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển các làng nghề truyền thống và xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn.

Vùng chè La Bằng- Thái Nguyên: Từ mái nhà mới đến giấc mơ toàn cầu

Vùng chè La Bằng- Thái Nguyên: Từ mái nhà mới đến giấc mơ toàn cầu

05 Jul, 04:25 PM

Kinhtedothi- Không chỉ nổi tiếng với những đồi chè thơm, La Bằng (Thái Nguyên) đang được tiếp sức bởi các thương hiệu lớn như CHAGEE... Với các hành động thiết thực như xây nhà kiên cố cho người trồng chè an cư, “cầm tay chỉ việc” về kỹ thuật và dạy kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử…, giấc mơ vươn tầm quốc tế của “đất chè” Thái Nguyên đang được DN tiếp sức, đồng hành và cùng hiện thực hoá.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ