Nông nghiệp Hòa Bình chuyển mình mạnh mẽ nhờ công nghệ cao
Kinhtedothi - Những năm qua, nhờ đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã giúp tăng giá trị sản phẩm, giúp nông sản Hòa Bình vươn xa, một thế hệ nông dân mới cũng đang dần hình thành - nông dân 4.0.
Phong trào làm sản phẩm sạch có chất lượng và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã dần lan ra khắp đất Mường. Bên cạnh sự chủ động của người nông dân, UBND tỉnh Hòa Bình cũng rất chú trọng đến việc này. Ngoài việc khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao, tỉnh cũng đã có những hành động thiết thực nhằm cổ vũ và đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Ngay từ năm 2013, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Quyết định số 3030 phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được cụ thể hóa tại các đề án, kế hoạch của tỉnh. Trong giai đoạn công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp được đẩy mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản, công nghệ vệ tinh viễn thám và hệ thống thông tin địa lý phục vụ quản lý, điều hành đã có những kết quả đáng kể. Trong đó, phải kể đến việc ứng dụng công nghệ vi sinh phục vụ xử lý ô nhiễm môi trường; công nghệ thâm canh quản lý tổng hợp (ICM); công nghệ sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng được quan tâm thực hiện...

Công ty TNHH Hoan Phúc Hoà Bình (ở tiểu khu 6, thị trấn Lương Sơn) đã đầu tư hệ thống nhà kính theo công nghệ hiện đại của Mỹ để trồng lan hồ điệp.
Hiện nay, Hòa Bình có gần 600 hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, thu hút hơn 16.300 hộ dân tham gia, tạo việc làm ổn định cho 28.000 lao động nông thôn. Hệ thống canh tác lạc hậu đang dần được thay thế bằng tưới nhỏ giọt Israel, nhà màng, nhà lưới, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhiều hộ nông dân không còn trồng cây theo kinh nghiệm mà theo biểu đồ dinh dưỡng, không còn phó mặc giá cả cho thị trường mà đã có hợp đồng bao tiêu…
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Trường Thịnh tại xã Thống Nhất (huyện Lạc Thủy) là một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất khép kín, đem lại hiệu quả kinh tế với năng suất, chất lượng vượt trội so với sản xuất nông nghiệp thông thường. Trên mỗi quả dưa trước khi thu hoạch, cán bộ kỹ thuật kiểm tra chất lượng, độ ngọt, sau đó dán tem truy xuất nguồn gốc với mã QR. Hiện tại, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình.
Thời gian qua, UBND huyện Lạc Thủy đã chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, các sáng kiến, giải pháp, đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Từ năm 2021 đến nay, để hỗ trợ cho phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, UBND huyện đã triển khai hỗ trợ thực hiện nhiều mô hình như: Cải tạo đàn dê địa phương bằng giống dê lai Boer trên địa bàn huyện; trồng thử nghiệm cây quế… Từ các mô hình cho thấy, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã khẳng định được ưu thế vượt trội và yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giá trị của sản phẩm.
Một số đơn vị tại huyện Lương Sơn ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp, với trên diện tích 7,3 ha đất, đã đầu tư hệ thống nhà kính theo công nghệ hiện đại của Mỹ để trồng lan hồ điệp. Toàn bộ giống lan sử dụng phương pháp nuôi cấy mô hiện đại, giúp đơn vị chủ động được nguồn giống lan khoẻ, chất lượng và nhiều màu hoa theo ý của mình.
Hiện nay, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La đã thành lập phòng nuôi cấy mô, ứng dụng thành công vào sản xuất giống mía tím, mía trắng, một số cây lâm nghiệp (keo lai, bạch đàn), cây dược liệu (đinh lăng) và một số cây trồng có giá trị kinh tế cao như măng tây, lan hồ điệp… Đặc biệt, trung tâm đã phối hợp với các viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô ghép đỉnh sinh trưởng tạo cây có múi sạch bệnh, nhân giống trong nhà lưới 3 cấp ngăn chặn các dịch hại nguy hiểm, sản xuất giống phục vụ nhu cầu giống thực hiện đề án tái canh cây có múi tỉnh Hoà Bình.
Hiện, toàn tỉnh Hòa Bình có khoảng 150 cơ sở áp dụng công nghệ thâm canh quản lý tổng hợp, được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ cho các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích khoảng 2,3 nghìn ha trồng trọt, trên 200 nghìn m2 nuôi trồng thủy sản, 1,6 nghìn tấn sản phẩm thịt/năm. Có 120 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó 41 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, còn lại là trang trại quy mô vừa; hầu hết các trang trại đều áp dụng hệ thống chuồng kín, máng ăn và nước uống tự động. Trên 50 cơ sở sản xuất nông nghiệp với diện tích gần 1.000 ha cây trồng cạn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm.
Tái cơ cấu nền kinh tế đã thay đổi cả diện mạo lẫn tư duy làm nông, đưa nông nghiệp Hòa Bình từ một nền sản xuất nhỏ lẻ, bấp bênh sang nền nông nghiệp liên kết, quy mô và hiệu quả cao. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp một cách đồng bộ và trên diện rộng đã giúp tỉnh Hòa Bình lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương. Qua đó đã góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, giảm công lao động, chi phí đầu tư, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hòa Bình ứng dụng chuyển đổi số, tạo đột phá phát triển kinh tế
Kinhtedothi – Các nền tảng số, hệ thống ứng dụng dùng chung của Hòa Bình được đưa vào vận hành, sử dụng ở cả 3 cấp, góp phần thay đổi phong cách làm việc của các cấp lãnh đạo, cán bộ và cả người dân.

Hòa Bình: cùng nông dân vươn lên làm giàu
Kinhtedothi - Thông qua việc hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, Hội Nông dân các cấp tỉnh Hòa Bình đã đồng hành cùng nông dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập.

Hòa Bình: đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế
Kinhtedothi - Chương trình cho vay hỗ trợ sinh kế, việc làm cho người dân do Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình triển khai đã trở thành nguồn lực quan trọng giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.