Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

15 năm mở rộng địa giới hành chính

Nông nghiệp Thủ đô hiện đại, thông minh nhờ thoát “tấm áo chật”

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 15 năm hợp nhất, với tiềm lực mới, cùng chủ trương đúng, chính sách thông thoáng, ngành nông nghiệp Hà Nội đã có sự chuyển mình toàn diện theo hướng thông minh, hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Dồn điền đổi thửa, hình thành cánh đồng mẫu lớn

Thời điểm trước mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (2008), ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội với diện tích khiêm tốn nên sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, khó ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Mối liên kết sản xuất giữa hộ nông dân với các thành phần kinh tế còn lỏng lẻo. Hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp còn yếu; lĩnh vực chế biến, liên kết tiêu thụ nông sản chưa được chú ý. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, giao thông, điện, nước, khu vui chơi, nhà văn hóa, hạ tầng phục vụ sản xuất ở khu vực nông thôn nhìn chung còn hạn chế, lạc hậu. Hệ thống thủy lợi trong tình trạng xuống cấp mạnh, năng lực tiêu úng và chủ động phòng chống lũ của nhiều vùng còn hạn chế.

Sau hợp nhất, Hà Nội trở thành 1 trong 17 Thủ đô có địa giới hành chính lớn nhất thế giới, với diện tích hơn 3.300km2, trong đó diện tích đất sử dụng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản lên tới 188.601 ha. Với không gian rộng lớn hơn, ngành nông nghiệp Thủ đô có nhiều thời cơ, vận hội phát triển.

Vùng chuyên trồng hoa, cây cảnh ở Tích Giang, Phúc Thọ mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Trọng Tùng).
Vùng chuyên trồng hoa, cây cảnh ở Tích Giang, Phúc Thọ mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Trọng Tùng).

Để hình thành những vùng chuyên canh lớn, thuận lợi ứng dụng công nghệ vào sản xuất, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong công tác dồn điền đổi thửa. Chủ trương quy hoạch đồng ruộng, xây dựng đường nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, dồn điền thành những cánh đồng mẫu lớn, nhằm hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp đã thực sự giúp người nông dân Thủ đô nâng cao thu nhập từ chính trên ruộng đất của mình.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, trong 15 năm qua, Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn luôn được quan tâm hàng đầu, có nhiều cơ chế đặc thù, ban hành nhiều Nghị quyết, văn bản, chương trình nhằm chỉ đạo sâu sát và triển khai một cách nhanh chóng, kịp thời.

Cùng với việc hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, Hà Nội đã quy hoạch được gần 200 vùng sản xuất lúa chất lượng cao; rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn quả; 76 xã chăn nuôi trọng điểm, các vùng nuôi trồng thủy sản. Hình thành được 1.389 hợp tác xã, tổ đội sản xuất để thúc đẩy sản xuất và xây dựng được 149 chuỗi liên kết, trong đó có 57 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi và 92 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2022 đạt hơn 40.000 nghìn tỷ đồng, cao hơn xấp xỉ 8 lần  mức 7.000 tỷ đồng năm 2008. Tốc độ tăng giá trị hàng năm của lĩnh vực nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm đạt 3,03% vượt chỉ tiêu kế hoạch 2,5-3% thành phố giao.

Ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất

Việc phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn là cơ sở để Hà Nội thực hiện mục tiêu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hiện đại ngành nông nghiệp. Thực tế, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao đã được đẩy mạnh trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, cho năng suất vượt trội, giá trị cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đến nay, toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt; 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi; 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi.

Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường, điển hình như: Mô hình sản xuất giống và hoa lan hồ điệp của Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng); Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng); Nhà máy sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kimoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức); Công ty CP Giống gia súc Hà Nội...

Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Ngọc Động, huyện Ứng Hòa Lê Văn Tín chia sẻ, để phát triển các mô hình thủy sản an toàn, khai thác tiềm năng diện tích mặt nước, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã triển khai các mô hình như: nuôi thủy sản áp dụng công nghệ “sông trong ao”, nuôi thủy sản theo hướng VietGAP; nuôi cá - lúa góp phần giảm thiểu việc sử dụng các hóa chất trong chăm sóc lúa vì tận dụng triệt để được nguồn thức ăn tự nhiên trên ruộng lúa cho cá, chất thải của cá là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa…

Đồng thời, sử dụng các chế phẩm sinh học, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, hạn chế dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường. Từ hiệu quả của mô hình, huyện Ứng Hòa cũng đã tập trung chỉ đạo, định hướng liên kết với doanh nghiệp để phát triển thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, phát huy lợi thế của từng địa phương.

Kết quả đạt được của ngành NN&PTNT Thủ đô trong 15 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô nói chung, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân Thủ đô nói riêng. Đồng thời góp phần vào sự phát triển của Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.